ClockChủ Nhật, 25/09/2016 05:51

Vấn vít thanh trà

TTH - Lên đến Pleiku rồi, vị thanh trà vẫn còn vấn vít trong tôi.

Tôi vốn dĩ không thích bưởi, dù đã sống, đã đi qua tất cả các vùng bưởi, bòng của cả nước, những Đoan Hùng, Phúc Trạch, rồi sông Tiền, sông Hậu, có lẽ bởi cái ấn tượng từ bé khi ăn những quả bòng mà đêm Trung thu được phá cỗ nó khá là đắng, dù sau này biết bưởi da xanh rất ngọt, và bưởi rất tốt cho sức khỏe nhất là người bị tiểu đường, bị mỡ trong máu...

Thanh trà tại Lễ hội thanh trà 2016. Ảnh: Lê Thanh

Vừa rồi về quê giỗ mẹ tôi mới giật mình, té ra lâu nay mình chưa biết một thứ quả như bưởi, nhưng lại không phải bưởi, mà lại vẫn là bưởi và ngon hơn bưởi. Ấy là quả thanh trà.

Thực ra thì tôi biết quê mình có quả thanh trà từ lâu rồi, nhưng cứ nghĩ nó là em em của bưởi, cháu cháu của cam quýt chi đó, vì thấy nó cứ lẩn quẩn ở một vài địa chỉ loanh quanh Huế chứ ra ngoài chả ai biết nó là cái gì. Và trong những thứ mà khách du lịch mua mang ra khỏi Huế làm quà cũng thấy rất ít thanh trà, chỉ thấy chủ yếu tôm chua, mè xửng, nón, hạt sen...

Nhưng té ra, thanh trà thú vị hơn rất nhiều.

Thứ nhất là giờ nó đã thông dụng hơn. Sau lễ hội thanh trà Thủy Biều thì các vùng có thanh trà của Thừa Thiên Huế như Hương Trà, Phong Điền... bắt đầu có chủ trương khuếch trương thứ quả tuyệt vời này, không cho nó... “cấm cung” như lâu nay nữa.

Thứ hai là thanh trà rất ngon. Trong một cơn đói, tôi đã tỉ mẩn ngồi bóc một quả thanh trà và mới bất ngờ nhận ra cái ngon của nó. Nó thanh, ngọt, dịu và nhẹ, không gắt như bưởi, không quyết liệt như cam, không nhí nhảnh lanh chanh như quýt, nó là tất cả những thứ trên cộng lại, và hơn một bậc, còn hơn như thế nào thì phải ăn mới biết. Có chính quyền vào cuộc, bà con giờ cũng hiện đại lắm, đóng hộp có nhãn rất chuyên nghiệp. Mỗi hộp các tông chứa 6 quả, đẹp và tiện lợi, và sang, bắt mắt.

Thứ ba, nó, thanh trà ấy, chính là một thứ quả từng là đồ tiến vua rất quý. Người ta bảo, những người nông dân xung quanh kinh thành Huế xưa đã lai tạo từ những trái có múi cộng với chất đất, gió, nắng, không khí... và cả sự thành kính của con người để cho ra quả thanh trà, thứ quả thời trân bây giờ mới đang trở lại đúng nghĩa thời trân của nó.

Tôi đã đăng ảnh một hộp thanh trà lên facebook của mình, và quả là không hổ danh thanh trà, hàng trăm comment bình luận, toàn khen thanh trà, cho là nó nhất hạng trong hàng loại quả có múi (tép), rằng đấy là một thành tựu của những người nông dân thời phong kiến khi họ đã chọn lọc những đặc điểm tối ưu của loại quả có múi nhưng hợp với thổ nhưỡng Huế, trở thành một sản phẩm nông nghiệp quý hiếm. Có người khẳng định, thời sinh viên ở Huế đây là món quà xa xỉ. Có lẽ do nó khó trồng hơn bưởi, và tất nhiên vì thế, nó đắt hơn bưởi. Giáo sư nhạc sĩ Thế Bảo từ Sài Gòn nhắn tôi: Hồi nhỏ ở Quảng Ngãi quê ông, phải là nhà quan thì lâu lâu mới có được quả thanh trà để... ngắm.

Anh Nguyễn Đại Vui, bí thư huyện ủy Phong Điền là một trong những người rất tâm huyết với thanh trà. Chính anh biếu tôi một hộp thanh trà để tôi phải ngã ngửa ra là thanh trà ngon quá, và cũng từ anh, tôi mới biết thêm nếu là bưởi, ăn rồi uống nước trà sẽ đắng, còn thanh trà, ăn nó uống nước trà thì càng thêm ngọt...

Ước một ngày, thanh trà Huế sẽ được bán khắp hang cùng ngõ hẻm như bưởi hiện nay...

VĂN CÔNG HÙNG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Return to top