Đặc sản mùa biển
Thú thật, tôi không mấy thích món cá trích nướng vì nó quá nhiều xương. Nhưng chân đi không đành bởi chỉ nhìn, như thể đang ăn trẹt cá bằng mắt.
Cách đây đã xa, rất xa. Đứa bạn ở biển rủ về quê gỡ cá. Khi ấy là tháng ba. Cũng là khi cá trích vào vụ. Những mẻ lưới trĩu cá quăng lên từ biển. Cá giãy đành đạch. Những đứa trẻ lần đầu gỡ cá la oai oái khi vi cá đâm vào tay. Không chỉ gỡ cá-có lẽ thế-kinh nghiệm nào cũng phải trả giá bằng nỗi đau.
Hôm ấy, bạn đãi một bữa tiệc cá thịnh soạn. Những con cá nục hoa to bằng cổ tay, vằn lên những vòng tròn hoa lúc ẩn lúc hiện trên lớp da xanh màu xanh của biển. Cá được hấp trong cái nồi to, lót bên dưới cái rế mây, để nước không ngập. Trên bếp lửa to ngọn, loáng một cái, nồi cá hấp sôi ùng ục, dậy lên vị thơm của cá. Những chú cá hấp cong ngoắc cần câu, nứt ra, để lộ phần thịt trắng ngà.
Đó là một trong bữa ăn ngon nhất mà tôi từng được nếm. Ấy là món cá nục hoa hấp, ăn kèm với bún, giá và ruốc. Gắp một nhón bún nho nhỏ vào chén, phẻ miếng cá nóng hôi hổi, kèm thêm ít cọng giá và quyệt thêm chút ruốc. Nghe vị ngọt của cá, cái thanh mát của giá, sự mềm mại của cọng bún, vị đậm của ruốc biển (dậy lên mùi tỏi và ớt xanh giã nhuyễn) và cả cái vị cay nhẹ của rau húng.
Nhưng đàn ông biển lại khoái món cá trích nướng. Sau chuyến biển, họ tụm lại cạnh cái lò than. Cá trích tươi xanh rỉ mỡ xèo xèo trên than nóng. Chẳng mây chốc, vảy cá bắt lửa vàng xém. Bàn tay chai rộp của những ngư phủ cứ thế bốc từng con cá nóng bỏng từ lò than. Thoạt tiên là nhẹ nhàng gỡ lớp vảy. Rồi nhẹ nhàng gỡ từng tí thịt, nhúng vào chén nước mắm đặc quánh ớt...Thứ ớt xanh đặc sản vùng biển, quyện với nước mắm cốt nhỉ, ngon nhức răng. Khác với vẻ sóng gió quen thuộc, những người đàn ông ăn món cá trích nướng trông thật cẩn trọng. Chậm rãi như một sự chiêm nghiệm.
Sau này, hỏi một đồng nghiệp vì sao món cá trích nhiều xương ấy, đàn ông biển lại khoái. Anh cười, nửa đùa nửa thật: Đó là nghệ thuật ăn chậm. Đơn giản vì cá qúa nhiều xương. Phải ăn chậm để khỏi hóc. Nhứt là dãy xương chữ V sắc nhọn như những cái lưỡi câu ở phần bụng cá. Nhưng có lẽ, trong cái sự chậm rãi ấy, những ngư phủ đã có những khoảnh khắc hiếm hoi được sống chậm, để ngẫm ngợi về cái sự gai góc và cả những thơm bùi của biển…
Bài, ảnh: TIỂU MUỘI