ClockThứ Ba, 23/07/2024 13:38

Cẩn trọng để gìn giữ và lan tỏa hình ảnh du lịch

TTH.VN - Trách nhiệm xây dựng hình ảnh du lịch không phải là nhiệm vụ riêng của ngành du lịch và chính quyền địa phương mà cần sự hợp lực của tất cả mọi người. Đối với những người tham gia làm du lịch, công tác thiết kế, quảng bá, giới thiệu tour tuyến cũng cần cẩn trọng trong tất cả các khâu.

Chấn chỉnh vụ việc cộng tác viên bán tour sử dụng sai hình ảnhDu lịch Huế tăng tốcĐể điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa

 Thông tin chuẩn xác đến du khách là yêu cầu quan trọng đối với các điểm du lịch

Từ vụ nhầm lẫn tai hại

Những ngày đầu tháng 7/2024, du khách không khỏi bức xúc trước thông tin quảng cáo tour du lịch Huế, lại sử dụng hình ảnh Tử Cấm Thành của Trung Quốc minh họa cho Đại Nội Huế gây hiểu nhầm. Chị Bạch Vân Mai, một du khách bức xúc: “Mình từng đi Huế nên khi thấy hình ảnh này khá ngạc nhiên. Điều đáng nói là nhầm lẫn ấy lại xuất phát từ người của một đơn vị làm du lịch. Công ty du lịch mà không biết địa điểm mình sẽ dẫn khách đến thì làm sao có thể giới thiệu cho du khách, tạo ra các trải nghiệm cho khách”.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhanh chóng xác minh, xác định sự việc, liên hệ với người đăng tải để yêu cầu gỡ bài và đính chính. Ngay sau khi tiếp nhận, Thanh tra Sở Du lịch đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch cho biết, trường hợp để xảy ra vụ việc gây bức xúc là cộng tác viên cho một đại lý lữ hành ở Huế. Theo tường trình của H.N. - chủ bài đăng quảng cáo này, trong quá trình tìm kiếm hình ảnh quảng bá sai về di tích Đại Nội Huế để đăng trên trang facebook cá nhân, zalo cá nhân, trên các nhóm về Huế, H.N. tải một lúc nhiều hình ảnh về Đại Nội và các địa điểm du lịch để làm poster quảng cáo bán tour 1 ngày tại Huế nhưng sau khi đưa lên app canva để chỉnh sửa thì hình ảnh của 1 phần Tử Cấm Thành vô tình lọt vào, chỉ một góc nhỏ, thoạt nhìn khá giống cung điện ở Huế, do không kiểm tra kỹ nên xảy ra nhầm lẫn về hình ảnh Đại Nội. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến bức xúc từ du khách và dư luận xã hội.

Trên thực tế, dù không phổ biến nhưng những nhầm lẫn tương tự là chuyện không cá biệt của ngành du lịch. Trong quá khứ, đã có những vụ “nhầm lẫn” tai hại khác từng được phát hiện khi hướng dẫn viên nước ngoài, thậm chí cả hướng dẫn viên Việt Nam nói sai (hoặc bịa đặt) thông tin về nhân vật lịch sử hoặc một giai đoạn lịch sử nước ta. Cách đây một thời gian, cũng từng có du khách phản ánh thuyết minh viên bị nhầm lẫn khi thuyết minh về một di tích lịch sử tại An Giang, khi thông tin của thuyết minh viên nói ra và bảng thuyết minh tại điểm lại không trùng khớp. Nhiều người bức xúc cho rằng, những người làm du lịch, dù là cộng tác viên, đã theo học kiến thức và nghiệp vụ phải có trách nhiệm với thông tin, hình ảnh mình sử dụng để quảng bá về điểm du lịch, đồng thời, người điều hành đơn vị du lịch đứng tên quảng bá chương trình tour cũng phải cẩn trọng kiểm soát kỹ trước khi duyệt nội dung, bởi ngoài uy tín cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp đó, còn thể hiện được ứng xử với lịch sử, lòng tự tôn dân tộc...

Cẩn trọng & kiểm soát kỹ

Trong thời đại công nghệ, tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh. Khi để xảy ra bất cứ nhầm lẫn, sai sót thông tin hay hình ảnh liên quan đến văn hóa, du lịch, nhất là về các di tích lịch sử, nếu không kịp thời điều chỉnh sai sót, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, từ những thông tin, hình ảnh đó, khách du lịch nhầm lần có thể lại đăng tải sai thông tin, hình ảnh; Những người chuyên review các địa điểm du lịch cũng từ đó nối tiếp nhầm lẫn, khiến cái sai lặp đi lặp lại, được nhiều người xem, chia sẻ gây tác hại nặng nề, khó kiểm soát.

 Hướng dẫn viên du lịch địa phương tại Làng cổ Phước Tích giới thiệu thông tin về làng cổ cho khách

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, trách nhiệm xây dựng hình ảnh du lịch không phải là nhiệm vụ riêng của ngành du lịch, chính quyền địa phương mà cần sự hợp lực của tất cả mọi người. Mỗi người dân đều là một đại sứ quảng bá, lan tỏa hình ảnh đẹp của du lịch Huế nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung.

Trách nhiệm trực tiếp nhất chắc chắn thuộc về những người làm du lịch, bởi họ là cầu nối đến với du khách gần xa. Các điểm tham quan, công ty quản lý và hướng dẫn viên cần thể hiện cao trách nhiệm với những thuyết minh bằng ngôn ngữ, hình ảnh đưa ra.

Theo các chuyên gia du lịch, nguyên nhân dẫn đến những thông tin sai sự thật về du lịch đăng trên mạng xã là do người đăng chủ quan và thiếu hiểu biết. Để tránh lặp lại những trường hợp này, ngoài sự kiểm duyệt chặt chẽ từng cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch, thì việc học hỏi, tìm hiểu và thường xuyên cập nhật kiến thức và thông tin về văn hóa, lịch sử hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phải hết sức lưu tâm vấn đề này.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật trước khi đăng tải bài viết quảng cáo du lịch lên mạng, đồng thời cần liên tục thanh tra, kiểm tra có chế tài xử phạt theo đúng quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ hơn.

Ông Phúc chia sẻ, vụ việc quảng bá tour du lịch sai hình ảnh vừa qua rõ ràng là bài học của không chỉ cá nhân người đăng tải mà cũng là kinh nghiệm đối với những đơn vị hoạt động lữ hành trong việc quảng bá tour du lịch. Hiện nay trên trang thông tin của ngành du lịch Thừa Thiên Huế có địa chỉ visithue.vn đang có kho ảnh đẹp của các điểm đến, sản phẩm, hoạt động dịch vụ của địa phương để những ai quan tâm có thể vào tải miễn phí để sử dụng với mục đích quảng bá chung nhưng cần ghi rõ nguồn ảnh từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Sở Du lịch sẽ có kế hoạch cùng Hiệp hội du lịch tỉnh hợp tác với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh để phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề, các buổi nói chuyện giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử với những người làm trong ngành du lịch, nhất là các hướng dẫn viên du lịch, để chia sẻ thông tin, kiến thức chính thống về các vấn đề lịch sử chưa có nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu. Để góp phần giữ gìn và lan tỏa hình ảnh du lịch Huế hiệu quả hơn, qua vụ việc, Sở Du lịch cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị lữ hành cẩn trọng rà soát thông tin và hình ảnh trước khi thực hiện quảng bá sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của thanh tra sở, tiếp tục thường xuyên thanh, kiểm tra theo đúng các quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC – ANH THƯ
ĐÁNH GIÁ
4
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch Huế “hút” khách dịp lễ 2/9

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các di tích, điểm tham quan, du lịch tại Huế thu hút rất đông du khách. Với nhiều tour tuyến và hoạt động trải nghiệm được ngành du lịch cùng các địa phương tổ chức, điểm chung mà nhiều du khách chia sẻ trước khi rời Huế là ấn tượng và thêm yêu mảnh đất này.

Du lịch Huế “hút” khách dịp lễ 2 9
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Vụ du khách phản ánh ly nước mía 30.000 đồng:
Sẽ họp thống nhất giá dịch vụ với hộ kinh doanh

Sau khi nhận được phản ánh của du khách về quán giải khát ở gần lăng Tự Đức bán ly nước mía với giá 30.000 đồng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Sẽ họp thống nhất giá dịch vụ với hộ kinh doanh
Chọn Huế để du lịch dịp lễ

Trong rất nhiều sự lựa chọn các điểm du lịch dịp lễ Quốc khánh năm nay, nhiều du khách vẫn ưa thích các điểm du lịch ở Cố đô để khám phá văn hóa di sản và các loại hình du lịch khác, trải nghiệm nét cổ kính ở Huế với nhịp sống bình yên.

Chọn Huế để du lịch dịp lễ
Tủ sách Huế vẫn chưa thực sự lan tỏa và xã hội hóa

Đó là nhận định được rất nhiều đại biểu đồng tình đưa ra tại buổi tọa đàm “Hành trình phát triển Tủ sách Huế và công tác xã hội hóa, xuất bản các ẩn phẩm Tủ sách Huế giai đoạn 2024-2030”, diễn ra ngày 28/8 tại TP. Huế.

Tủ sách Huế vẫn chưa thực sự lan tỏa và xã hội hóa

TIN MỚI

Return to top