Cầu Tam Giang lúc hoàng hôn
Với những người dân đã và đang sống bên chân phá như tôi, cầu Tam Giang nghe thật lạ tai, bởi lâu nay chúng tôi thường gọi với cái tên thân quen là cầu Ca Cút. Ngày trước, chưa có cây cầu này, mỗi lần muốn lên phố quả thật khó khăn. Việc lụy đò suốt thời gian dài cũng là lý do khiến kinh tế - xã hội ở vùng Ngũ Điền và xã Hải Dương ít có điều kiện phát triển.
Năm 2010, cầu Tam Giang được thiết kế xây dựng bằng bê tông cốt thép có chiều dài 607m, rộng 10m được hoàn thiện và chính thức nối đôi bờ phá Tam Giang. Cầu nối liền hai xã Hương Phong và Hải Dương, trước đây là thị xã Hương Trà, nay thuộc TP. Huế. Cây cầu là một phần của tuyến Quốc lộ 49B. Cùng với 3 cây cầu bắc qua hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Thuận An, Trường Hà và Tư Hiền, cầu Tam Giang góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa các xã miền biển và đồng bằng, rút ngắn khoảng cách các khu dân cư đầm phá phía bắc, cửa Thuận An với TP. Huế.
Không chỉ là cây cầu nối liền đôi bờ, giúp giao thông thuận lợi, cầu Tam Giang bây giờ còn là điểm “check- in” mới, điểm đến hấp dẫn khi thu hút lượng lớn giới trẻ về chụp ảnh mỗi ngày. Nhờ thế mà nhiều hoạt động kinh doanh ở khu vực gần chân cầu cũng được hình thành, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Cầu Tam Giang trở thành điểm "check-in" mới thời gian gần đây
Từ ngày cầu được thông xe đã 11 năm, qua về không biết bao nhiều lần, quá quen thuộc đến nỗi tôi chưa từng dừng chân lại chụp ảnh. Nhưng khi thấy hàng chục bạn trẻ háo hức tạo dáng chụp ảnh, tôi cũng xuống chân cầu xem sao, biết đâu có điều gì đó mà đôi khi mình có thể bỏ lỡ.
Nhìn từ dưới, cầu Tam Giang khác hẳn, cao lớn sừng sững. Những ghềnh đá, cây dương liễu, con đò, cảnh đánh bắt cá của ngư dân vùng phá… bên dưới chân cầu, tô điểm thêm cho những bức ảnh đẹp với hậu cảnh là cây cầu Tam Giang.
Càng về chiều, giới trẻ “đổ” về đây càng nhiều hơn, những bức ảnh được chụp khi hoàng hôn dần buông xuống chân phá càng đẹp. Một bạn trẻ chia sẻ, thấy nhiều bạn bè của mình về “check-in”, đưa hình lên mạng xã hội, nên bạn này cũng tranh thủ về cầu Tam Giang cho kịp “trend”. Về đây, không chỉ để có những bức ảnh đẹp mà là để tìm những giây phút thảnh thơi, thư giãn khi đứng trước mênh mông sóng nước, của gió trời lồng lộng.
Cầu Tam Giang cách trung tâm TP. Huế gần 18km về hướng Đông Bắc. Nếu bạn muốn có khoảnh khắc tuyệt vời, lãng mạn với khung hình thơ mộng dưới chân cầu, có thể di chuyển theo hướng Quốc lộ 49B, qua đập Thảo Long, rồi đi tiếp khoảng 7km nữa là về đến. Hoặc có thể đi theo hướng phường Hương Vinh, qua cầu Thanh Phước rẽ trái về xã Hương Phong cũng sẽ đến. Giao thông thuận lợi nên ô tô, xe máy, thậm chí là xe đạp nếu bạn muốn rèn luyện đôi chân cũng chỉ mất từ 15-20 phút (xe máy, ô tô) hoặc tầm 1 tiếng nếu vừa đạp xe vừa ngắm cảnh.
Các đơn vị lữ hành cho rằng, với điểm “check-in” mới tại cầu Tam Giang, một tour du lịch mới hứa hẹn thu hút du khách là hành trình nửa ngày để khám phá Rú Chá, “check in” cầu Tam Giang, tắm biển và ăn tối hải sản tại biển Hải Dương, hoặc Cồn Tè. Đây là tour phù hợp để khai thác dòng khách nội tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Một chuyến xê dịch, “check-in”, chụp ảnh tại chân cầu Tam Giang là sự lựa chọn không tồi cho những ngày nghỉ cuối tuần. Bạn thấy sao, còn tôi đã sẵn sàng có những bức ảnh đẹp.
Bài, ảnh: QUANG SANG