Cao tốc La Sơn-Túy Loan đã hoàn thành sẽ kết nối hệ thống giao thông phía đông mở ra cơ hội cho vùng biển Thừa Thiên Huế bứt phá mới
Phá thế chia cắt
Sinh ra vùng ven đô nhưng tôi đã có những năm tháng dài gắn bó với vùng biển. Đó là thời điểm những năm thường theo bố mưu sinh trên những chuyến xe đò ngược xuôi. Gian nan và cách trở, nhất là đoạn từ Huế về vùng quê ven biển như Vinh Thanh, Vinh Xuân (Phú Vang)... Đoạn đường đâu có xa, chỉ chưa đến 30km mà chỉ trung chuyển khách từ Huế về bến Viễn Trình (xã Phú Đa, Phú Vang) sau đó khách lại vượt phá trên những chuyến đò ngang, đò dọc. Mỗi chuyến như thế là một hành trình mất cả nửa ngày vì đường nắng bụi, mưa lầy nhấp nhô “ổ gà” chồng “ổ voi”.
Mới đây về công tác ở Vinh Thanh, tôi không theo cung đường ngày trước mà theo tuyến Thủy Phù - Vinh Thanh vừa hoàn thành thoáng rộng thênh thang vượt cầu Trường Hà qua phá Tam Giang.
Khác với trước đây khi chưa có tuyến này, Vinh Xuân, Vinh Thanh chỉ có cát và cát, quanh năm hứng nắng và gió. Thời điểm đó, con cá, con tôm, hay khoai, ớt, đậu, lạc làm ra tiêu thụ khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của Vinh Thanh, Vinh Xuân chiếm hơn 40%. Bây giờ Vinh Thanh ngày càng được mở rộng và phát triển như một "đô thị biển" nằm ở cửa ngõ vùng đông. Với nguồn lực đầu tư từ ban ngành Trung ương, địa phương, đã kết nối hệ thống giao thông liên vùng, đến các trung tâm.
Giao thông thuận lợi, không gian ven biển, đầm phá cũng được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khai thác dịch vụ kinh tế, vừa tạo việc làm, góp phần nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa giữa các vùng. Những khu vực cát ven biển hoang sơ giờ trở thành địa chỉ của các tập đoàn thương hiệu quốc tế. Đơn cử như Tập đoàn PSH (Catalonia - Tây Ban Nha) đầu tư dự án Ground Breaking Ceremony Hue Amusement and Beach Park ở vùng biển Vinh Thanh; hay Công ty CP Sân golf BRG đầu tư dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng ở xã Vinh Xuân...
Ở vùng đông phía bắc tỉnh nhà, một thời vùng biển Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải... (cụm Ngũ Điền) chia cắt với trung tâm huyện Phong Điền và TP. Huế. Bà con ở đây sống như bó hẹp trên triền cát và những rừng phi lao trải dài. Tôi có người anh họ sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm về nhận công tác tại Trường THPT Tam Giang tại xã Điền Hải vào đầu thập niên 80.
Thời điểm đó, để về trường anh đi bằng đò từ bến ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế xuôi theo một nhánh sông Đông Ba đến phá Tam Giang ra rồi cập bến xã Điền Hải. Mỗi lần đi mất hơn cả buổi vì thế anh chỉ tranh thủ mỗi tuần lên thăm nhà một lần vào trưa thứ bảy và trở lại trường vào chiều chủ nhật hôm sau...
Năm 2008, cầu Hòa Xuân (Phong Chương) bắc qua phá Tam Giang nối xã Điền Lộc theo QL49B về cụm Ngũ Điền qua Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)... trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội của những vùng quê biển. Bây giờ, QL49B nhựa hóa, hai bên đường hiện hữu những khu dân cư trù phú với cơ sở hạ tầng hiện đại mang vóc dáng đô thị.
Tăng tốc thi công đường Phú Mỹ - Thuận An sớm đưa đô thị Huế về phía đông, hướng biển
Còn nhiều "nút thắt"
Dễ dàng nhận thấy khi chỉ vài cung đường kết nối kể trên đã tạo cho Thừa Thiên Huế bứt phá, khai thác tiềm năng thế mạnh biển vàng cát trắng dài gần 130km mà nhiều người ví von rằng đây là những "nàng công chúa rất nhiều hoàng tử đã, đang đến dạm hỏi". Tuy nhiên, hệ thống giao thông hướng về biển nhiều nơi “bị thắt”, khiến việc lưu thông, phát triển kinh tế ở các địa phương khó đạt như kỳ vọng.
Chẳng hạn QL49B kết nối các xã ven biển qua địa bàn hai huyện Phú Vang, Phú Lộc được ngành giao thông đầu tư mở rộng. Lần gần đây vào năm 2010 được Bộ GTVT quyết định phê duyệt đầu tư, nâng cấp với kinh phí hơn 761 tỷ đồng đoạn từ Thuận An (Phú Vang) - Vinh Hiền - QL1A (Phú Lộc) dài 48 km. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn vẫn nhỏ hẹp, ùn tắc giao thông vào tầm cao điểm.
Một cán bộ xã Lộc Bình nhân định, nếu đoạn tuyến này được mở rộng hoàn thành sẽ thuận lợi kết nối trung tâm kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cảng biển Chân Mây từ địa phận xã Lộc Bình đến khu du lịch Quốc tế Laguna Lăng Cô. Đây là một trục đường liên hoàn tạo cơ hội cho vùng biển có nhiều bứt phá mới...
Ngược ra Phong Điền, một lãnh đạo huyện thông tin, gần đây nhiều công trình, DA giao thông được đầu tư nâng cấp đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến “huyết mạch” kết nối về biển vẫn ở thế nhỏ hẹp, tạo những “điểm nghẽn”. Đơn cử như hơn 20 km của QL49B qua địa bàn xã Phong Hòa, Phong Bình; hay TL6 dài gần 11km có điểm đầu QL1A (thị trấn Phong Điền đến TL4 ở xã Phong Chương) kết nối qua cầu Hòa Xuân về Điền Lộc, Điền Hải (cụm Ngũ Điền) là những trục “xương sống” nối trung tâm huyện đến đồng bằng, ven biển nhưng quá hẹp, hàng chục năm nay vào mùa mưa thường bị chia cắt. Nếu các “trục” này được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo cơ hội lớn không chỉ cho kinh tế vùng biển mà cả vùng đồi và KCN Phong Điền phát triển. Hiện nay, xã Điền Lộc đã được quy hoạch xây dựng cảng biển trung chuyên xuất nhập hàng hóa ở liên vùng, miền; hy vọng vài năm đến không chỉ cụm Ngũ Điền mà các xã ở cửa ngõ phía bắc tỉnh sẽ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ thương mại. Đến thời điểm này, người dân có điều kiện so sánh để thu hẹp dần cách làm ăn thuần nông lâu nay...
Bài, ảnh: Minh Văn
Kỳ II: Xóa "nút thắt" để vùng biển bứt phá