|
|
Một chương trình trong Festival Huế 2022 |
Chuyên nghiệp hơn
Festival Huế 2022 là festival đầu tiên được tổ chức theo định hướng lễ hội bốn mùa. Sự đa dạng về hoạt động, chương trình, lễ hội, sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật truyền thống đặc trưng, đại diện cho nét văn hóa tiêu biểu của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm cho Festival Huế thêm một màu sắc mới.
Theo Ban Tổ chức Festival Huế, nếu năm 2022 là sự khởi động cho định hướng tổ chức Festival theo lễ hội 4 mùa, thì đến năm 2023, sự đầu tư cho các hoạt động lễ hội trải dài trong năm, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, du lịch tâm linh, thu hút du khách được thể hiện rất rõ, với một kế hoạch được xây dựng từ đầu năm.
Bên cạnh những mặt tích cực, người dân Cố đô và du khách vẫn còn trăn trở câu chuyện làm sao để Festival Huế hấp dẫn hơn và hút khách hơn. Làm một cuộc khảo sát với nhiều người dân và du khách, các phản hồi chúng tôi nhận được đều là những góp ý tâm huyết cho Festival Huế, trong đó không ít ý kiến cho rằng, Festival Huế dù có nhiều chương trình nhưng không ít trong số ấy chưa thực sự đặc sắc. Thậm chí, trong cảm nhận của nhiều người còn có sự “ôm đồm” về số lượng; một số chương trình, hoạt động có tính chuyên môn sâu như giải thể thao, không nên xếp vào chương trình festival. Chị Tô Hà Ly, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Trong suy nghĩ của mình, lễ hội phải thực sự đặc sắc, là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Yếu tố hấp dẫn, chuyên nghiệp và bài bản là điều cốt lõi để chương trình hút khách. Nhiều chương trình quanh năm là rất tốt, nhưng từng chương trình đều phải có chất lượng”.
|
|
Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2022 |
Chia sẻ của chị Hà Ly đáng suy ngẫm, bởi trên thực tế rất nhiều người chúng tôi có dịp trao đổi cũng cùng chung quan điểm. Quan sát các lễ hội ở khía cạnh thu hút khách du lịch, một điều đáng trăn trở là ngoài các tuần lễ cao điểm Festival Huế, thì rất nhiều chương trình phần lớn chỉ thu hút người dân trong tỉnh là chính. Chỉ có một số lễ hội mang tính tâm linh là có khách hành hương, đến để chiêm bái, cầu nguyện. Cũng có những lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao ít thấy có sự xuất hiện của khách du lịch.
Mới đây, một số chương trình trong khuôn khổ lễ hội mùa thu được bộ phận chức năng của Ban Tổ chức Festival Huế chia sẻ là phải điều chỉnh yếu tố thời gian, liên quan yếu tố kinh phí tổ chức. Với những du khách dựa vào lịch chương trình Festival Huế để lên kế hoạch từ sớm, đó là một điểm trừ. Còn với người dân xứ Huế, đó cũng là một trăn trở.
Festival Huế đang dần được chuyên nghiệp hóa nhưng ở thời điểm hiện tại, tính chuyên nghiệp, bài bản trong từng chương trình vẫn chưa thực sự tốt. Thậm chí, nếu nói Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thì thành phố Festival này vẫn đang thiếu một đội ngũ chuyên gia đẳng cấp, cơ sở hạ tầng vẫn cần đầu tư hoàn thiện hơn. Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông trên facebook cá nhân, thì Huế đón nhận vinh quang và trọng trách là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam đã mấy chục năm nay. Huế cũng đã trải qua mấy chục lần tổ chức lễ hội Festival cấp tỉnh và thành phố. Lẽ ra nếu có chiến lược hợp lý để chinh phục lẫn thuyết phục danh hiệu này, bây giờ Huế đã là nơi các tỉnh, thành bạn cần đến để mời tổng đạo diễn, đạo diễn, đạo cụ... chứ không thể vẫn phải mời hay thuê mướn những thứ ấy.
Cần cơ chế và được đầu tư
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế cho biết, các hoạt động của Festival Huế 2023 và các năm tiếp theo sẽ được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn, trong đó chính quyền địa phương tạo không gian môi trường, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp là đối tượng tham gia. Các hoạt động được tổ chức theo hướng xã hội hóa, phù hợp với thương hiệu Festival Huế, đồng thời thích ứng với xu thế phát triển của xã hội. Sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực. Trong công tác tài trợ, Ban Tổ chức Festival Huế cũng định hướng phải thay đổi chiến lược, tiếp cận kêu gọi tài trợ gắn với từng sự kiện trọng điểm. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong tổ chức festival, nâng cao hiệu quả cách tiếp cận kêu gọi tài trợ.
Festival qua từng kỳ cũng cần có sự đánh giá, nhìn nhận một cách tổng thể, lưu ý đến những đánh giá, góp ý ở cả hai mặt của người dân, du khách để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chiến lược dài hơi để phát triển festival, thông qua việc tìm kiếm các những nhân tố tiềm năng để có hướng đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia theo từng bộ môn khác nhau có liên quan một cách đẳng cấp.
Việc nghiên cứu kêu gọi các nguồn lực và dành kinh phí đầu tư dần các loại thiết bị phục vụ lễ hội hiện đại qua từng kỳ festival cũng là cách làm. Từ đó sẽ chủ động trong nguồn lực sẵn có để xây dựng các chương trình đặc sắc.