Ở một làng quê đầu nguồn sông Hương, làng Lương Quán- phường Thủy Biều-TP Huế, người dân thực sự nức lòng khi đón nhận lại bản gốc sắc phong của làng sau nhiều năm lưu lạc.
|
Các bô lão làng Lương Quán đón nhận bản sắc phong trở về với đình làng
|
Đình làng Lương Quán là một ngôi đình cổ với kiến trúc truyền thống nhà rường 3 gian, 2 chái của một ngôi đình xứ Huế. Trong đình có hai bảo vật đó là chiếc lư hương, tạm xác định có niên đại từ thời Lê- Mạc và hòm bộ của làng gồm 9 sắc phong và một số văn bản có giá trị khác. Hơn 10 năm trước, 9 sắc phong trong hòm bộ của làng đã bị thất lạc. Đầu tháng 3-2012, Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một bản gốc sắc phong của vị thành hoàng làng Lương Quán tại một tư gia ở TP Hồ Chí Minh. Ông Bùi Xuân Đức- Giám đốc Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và xác minh nguồn gốc của văn bản. Với trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa Hán-Nôm Thừa Thiên Huế cũng như của đất nước và với tình cảm với Huế, ông Bùi Xuân Đức quyết định tặng lại bản gốc sắc phong cho chủ nhân đích thực là nhân dân làng Lương Quán...
Theo tiểu sử được dân làng Lương Quán ghi lại, thành hoàng của làng là Phi Vận tướng quân. Ông tên là Nguyễn Phục, người xã Đoan Tùng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (nay là xã Thanh Tùng, huyện Ninh Thành, tỉnh Hải Dương). Nhà ông ở bên sông Tùng, bến đò Thông. Ông đỗ Hoàng Giáp năm Quý Dậu (1453), từng dạy các Hoàng tử triều Lê, trong đó có Hoàng tử Lê Tư Thành tức là vua Lê Thánh Tông sau này. Khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1470, ông giữ chức Phi vận tướng quân, phụ trách vận tải. Đoàn thuyền vua Lê đến cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền ngày nay) thì gặp bão, ông cho neo lại. Lúc đó dù bộ binh đã vào sâu đất địch, mọi người sợ vi phạm quân pháp nhưng ông vẫn bình tĩnh khẳng khái mà bảo: “Thà đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt chứ không nỡ đem của nông sản hữu hạn mà để chìm xuống biển, đưa bọn người vô tội mà làm mồi cho cá”. Sau khi thắng trận trở về, vua tức giận giam ông vào ngục và sau đó sai giết đi. Sau này biết rõ sự việc, vua ân hận xuống chiếu tha tội và truy phục. Dưới thời nhà Nguyễn, ông được phong Thành hoàng chi thần cho làng Lương Quán. Sắc phong thành hoàng được nhà Nguyễn ban vào năm Đồng Khánh thứ 2, tháng 7 ngày mồng 1...
Sau 10 năm thất lạc, bản gốc sắc phong thành hoàng của làng Lương Quán lại được trở về chốn nghiêm trang xưa trong niềm thành kính của những người dân của làng quê này. Lễ cung nghinh sắc phong đã được làng Lương Quán tổ chức trang trọng theo nghi lễ truyền thống của làng. Người dân làng Lương Quán đã nói với nhau rằng, tìm được sắc phong thành hoàng làng cũng là tìm được cái hồn của ông cha và những thế hệ con em của làng Lương Quán nguyện một lòng tiếp tục phát huy truyền thống của một làng quê văn vật xứ Huế…
Chia vui với làng Lương Quán, lãnh đạo thư viện tỉnh còn cho biết thêm, trong 3 năm qua, từ Chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn Thừa Thiên Huế, gần 70 nghìn trang tài liệu quý hiếm có niên đại từ đời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn như sắc phong các loại, sách thuốc của các Ngự y triều Nguyễn, sách học của giám sinh Trường Quốc Tử Giám rồi bài thi Hương, các văn bản khế ước mua, bán đất đai; các văn bản, sắc chỉ phong chức tước cho quan lại triều Nguyễn… được sao chụp và số hóa, đảm bảo yêu cầu về nội dung. Tiếp tục chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh năm 2012, cùng với làng Dương Nỗ, các cán bộ, chuyên viên của hai thư viện tiến hành sưu tầm số hóa ở một số đình làng như làng Sình, làng Văn Xá, làng Hiền Lương, Phủ Quy Quốc Công, Đan viện Thiên An…, góp phần bảo tồn di sản Hán-Nôm, vốn là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc