|
Lễ thếp vàng tượng phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dịp festival Huế 2014
|
Năm 1907, vị hoàng đế yêu nước Thành Thái bị thực dân Pháp phế ngôi. Nhiều tài sản quý giá vốn gắn liền với ông bắt đầu bị thất tán, trong đó có chiếc long sàng nhà vua thường mang theo mỗi khi vi hành và chiếc xe kéo tay mà ông đặt những người thợ khéo nhất của làng Đông Kinh, Hà Nội làm cho thân mẫu là Thái hậu Từ Minh. Ngày 23-6-2014, hai cổ vật trên bất ngờ xuất hiện trong một phiên đấu giá các cổ vật phương đông tại thành phố Tour, cách Cố đô Huế hàng ngàn dặm. Thật vô cùng may mắn, bằng sự hợp lực, giúp đỡ của rất nhiều người, Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo tay, dù giá không hề rẻ: 55.800 Euro! Sự thành công của cuộc đấu giá cổ vật quốc tế đầu tiên này là một ví dụ điển hình về xã hội hóa công cuộc bảo tồn di sản mà Huế nỗ lực thực hiện. Gần 1/3 số tiền để mua xe là do cộng đồng ủng hộ, trong đó bà con Việt kiều tại châu Âu đã hỗ trợ gần 10.000 Euro, bà con trong nước ủng hộ 4.000 Euro... Không chỉ vậy, sự quan tâm đặc biệt cùng sự hỗ trợ về tinh thần mạnh mẽ của cộng đồng mới là điều quan trọng, nó khiến chính phủ Pháp phải chính thức đề nghị Bảo tàng Guimet từ bỏ quyền tranh chấp với Huế trong việc mua chiếc xe này!
Những năm gần đây, xã hội hóa công tác bảo tồn di sản trở thành xu thế mạnh mẽ được cả phía nhà quản lý và cộng đồng xã hội quan tâm. Đối với Cố đô Huế, di sản văn hóa thực sự đi vào cuộc sống và trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; cộng đồng Nhân dân cũng được hưởng lợi rất nhiều cả về vật chất và tinh thần từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa. Vì vậy, hiếm có nơi nào như ở Huế, bảo tồn di sản trở thành câu nói cửa miệng và được cả cộng đồng quan tâm, theo dõi. Cũng từ đó, công tác bảo tồn di sản nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ ngày càng nhiều hơn của các tầng lớp Nhân dân. Đã có hàng trăm cổ vật, hiện vật quý được Nhân dân hiến tặng cho hệ thống bảo tàng công lập, nhất là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế… Đã có nhiều tấm gương thầm lặng ủng hộ, đóng góp cho việc tu sửa, chỉnh trang các di tích lịch sử của tiền nhân. Ít ai biết rằng, những chiếc đỉnh đồng, án đồng ở Thế Miếu, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao; những chiếc khăn bằng vải quý, những bát hương, lọ hoa trên các án thờ; những chiếc ghế đá đặt nhiều nơi trong các khu di tích… có được là nhờ sự đóng góp công quả của nhiều tấm lòng. Cũng đã có hàng trăm triệu đồng tiền mặt được gửi đến từ nhiều cá nhân trong và ngoài nước để đóng góp cho việc trùng tu các di tích. Lại có những người thầm lặng ngày ngày chăm sóc, sửa sang phần mộ của các ông hoàng, bà chúa vốn đã bị đổ nát do thời gian và chiến tranh, hay bỏ tiền của bản thân để xin phép được trùng tu tôn tạo miếu thờ này, hoa viên kia chỉ với mục đích được chung sức để cứu vãn, giữ gìn những di sản của cha ông. Di sản Huế chạm đến trái tim của nhiều, rất nhiều người…
|
Chiếc xe kéo của hoàng hậu Từ Minh
|
Đó chính là thành công lớn nhất của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế, tính đến ngày hôm nay. Đó cũng là niềm tự hào, nguồn động viên lớn lao đối với những người làm công tác bảo tồn ở vùng đất cố đô lịch sử. Mùa xuân đang đến với thật nhiều sức sống, niềm tin và hy vọng, dẫu tất cả vẫn đang là sự khởi đầu.