Một nhân vật yêu nước
KNH Cường Để tên thật Nguyễn Phúc Dân, sinh 11/1 năm Nhâm Ngọ - 1882, là cháu 6 đời của vua Gia Long, sớm có tinh thần yêu nước chống Pháp. Cụ mất ở Nhật Bản vào năm 1951.
|
Lăng mộ KNH Cường Để thuộc khu vực phường An Tây
|
Đầu thế kỷ XX, KNH Cường Để được nhà yêu nước Phan Bội Châu mời sang Nhật hoạt động cho phong trào Duy Tân, rồi Phong trào Đông Du. Cả cuộc đời, ông luôn theo đuổi ý chí chống Pháp cứu nước. Hơn bốn mươi năm lưu vong ở nước ngoài, ông được nhiều chính khách Nhật bảo trợ cho các hoạt động yêu nước của ông. Ông được xem là một nhân vật lịch sử quan trọng đầu thế kỷ XX.
Năm 1965, sau bao năm phải di chuyển qua nhiều nơi, một phần tro cốt của cụ Cường Để được con cháu an táng tại ngọn đồi thuộc tổ 10, khu vực 5, phường An Tây, TP Huế. Năm 2005, các cháu nội ngoại trong và ngoài nước góp tiền xây dựng lăng cho KNH Cường Để.
Điều đang được quan tâm nhất hiện nay là ở gần lăng mộ cụ Cường Để có một công trình đang được xây dựng với quy mô vừa phải. Điều này ít nhiều được gia đình, con cháu của ông và những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Huế quan tâm. Nhiều người lo lắng, một công trình xây dựng được thì lâu dần, nhiều công trình khác cũng có thể mọc lên. Điều này ảnh hưởng đến cảnh quan chung của ngọn đồi nơi KNH Cường Để đang an nghỉ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người Nhật rất ái mộ KNH Cường Để. Chính phủ Nhật và Đài Truyền hình Việt Nam đang thực hiện một bộ phim lớn về Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật. Vì thế nhiều người Nhật đến Huế đều muốn đi thăm lăng mộ Cường Để. Đặc biệt, trong các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật năm nay, sẽ có nhiều khách Nhật đến thăm và quay phim ngay tại lăng mộ của ông. Nếu cảnh quan khu vực này không được quan tâm bảo vệ đúng mức, sẽ tạo nên những ấn tượng không tốt.
Cần phải xem lại
Qua tìm hiểu của chúng tôi, công trình hiện đang xây dựng cách lăng mộ KNH Cường Để khoảng 80m, thuộc quyền sở hữu của bà Đinh Thị Loan, thường trú tại chùa Liên Hoa (Thủy Xuân-TP. Huế). Hiện nay, bà Loan đã san lấp mặt bằng rộng hơn 1.100m2 để xây dựng nhà cấp 4. Với khu đất này, bà Loan đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công trình cũng đã có giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp. Theo bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây, việc xây dựng của bà Đinh Thị Loan là có giấy tờ cấp phép đầy đủ. Riêng trường hợp lăng mộ của cụ Cường Để chưa được xếp hạng di tích để khoanh vùng bảo vệ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Vì lăng mộ của KNH Cường Để chưa được kiểm kê, xếp hạng di tích nên cũng chưa thể nói việc bà Loan đang san lấp mặt bằng và xây dựng nhà là xâm phạm khu vực cảnh quan di tích lăng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trước đây, theo ông Nguyễn Hữu Đông - nguyên Tổng Giám đốc Cty Du lịch Hương Giang - đơn vị xây dựng Khu chứng tích tội ác Chín Hầm và đền Huyền Trân, thì toàn bộ khu vực liên quan trong đó có khu lăng mộ KNH Cường Để thuộc khu vực di tích văn hóa du lịch của Nhà nước, không có nhà tư nhân. Vậy nên chăng, việc xây dựng nhà tư nhân trong khu vực cảnh quan lăng mộ của KNH Cường Để hiện nay cần phải xem lại.
Liên quan đến cụ Cường Để, trao đổi với chúng tôi, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết: Chúng tôi ủng hộ quan điểm phải giữ gìn cảnh quan của lăng mộ và những di tích liên quan đến nhân vật này.
Theo tài liệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp: “Ngày 17/12/1931, Thái tử Cường Để từ Nhật Bản viết thư và gởi tiền cho Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc ốm nặng. Không may, bức thư của Thái tử Cường Để gửi Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã rơi vào tay chính quyền Pháp. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Pasquier lập tức cho điều tra về Cường Để và vô cùng phẫn nộ khi biết rằng ngoài bức thư nầy, Cường Để còn có quan hệ với ông Irukai, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp điện cho Đại sứ Pháp ở Nhật Bản yêu cầu tiến hành điều tra tất cả những thông tin chính xác về nhà riêng, lối sống, quan hệ và hoạt động của cường Để ở Nhật Bản. Nguyên văn bức thư bằng chữ Hán được mật thám Pháp dịch sang tiếng Pháp, được Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) sưu tầm được và lưu trữ, có nội dung như sau:
“Ngày 17/12/1931
Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm tôi vô cùng lo lắng.
Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 Yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh. Điều đó cần cho sự nghiệp của Tổ Quốc.
Chúc đồng chí sớm bình phục.
Phúc Dân
P.C.C.” ...
|