ClockThứ Năm, 13/09/2012 14:45

Di tích lịch sử lăng mộ Tuy Lý Vương lại bị xâm hại

TTH - Qua đường dây nóng, phóng viên báo Thừa Thiên Huế tiếp nhận thông tin của bạn đọc cho hay: tại khu vực khoanh vùng bảo vệ (KVBV) di tích lịch sử lăng mộ Tuy Lý Vương (199 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP Huế), bà Ngô Thị Đào tập kết vật liệu xây dựng và đào một hố sâu chưa rõ mục đích. Tuy nhiên, từ việc giải quyết bất cập của chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm di tích khiến dư luận một lần nữa băn khoăn.

Hãy trả lại nguyên trạng di tích!

Nhận được nguồn tin do Báo Thừa Thiên Huế chuyển đến, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Thắng cho biết: đơn vị lập tức thông tin kịp thời cho lãnh đạo UBND Phường Đúc biết để có biện pháp ngăn chặn. Sau khi bị phát hiện, ngày 22/8, bà Ngô Thị Đào gửi đơn đến UBND phường xin xây lại bức thành phía đối diện nhà ông Nguyễn Văn Khánh với diện tích chiều cao 1,5m, chiều dài 20m và một hồ nước diện tích 10m2 nhằm tạo nên vẻ mỹ quan của khu vực…” (!?). Ngày 28/8, Chủ tịch UBND phường Hồ Đắc Hùng có Tờ trình 18/TTr-UBND gửi UBND TP Huế xin ý kiến việc xây dựng liên quan đến đất thuộc khu di tích lăng mộ Tuy Lý Vương.
 

Công trình gần đây nhất là Ứng Linh điện được bà Ngô Thị Đào xây dựng vững chãi trong khuôn viên di tích lịch sử Tuy Lý Vương vẫn không bị chính quyền TP Huế tháo dỡ do vi phạm

 
Trước sự việc này, Giám đốc Sở VH,TT&DL Phan Tiến Dũng chỉ đạo Thanh tra Sở VH,TT&DL làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương về trách nhiệm quản lý địa bàn theo quyết định phân công quản lý di tích của UBND tỉnh. Ngày 31/8, Thanh tra Sở VH,TT&DL làm việc với Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Tiến Long với nội dung: Hiện, các cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện Thông báo 162/TB-UBND ngày 3/7/2012 của UBND tỉnh về kết luận của Chủ tịch Nguyễn Văn Cao tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các hộ trong khu vực KVBV di tích lăng mộ Tuy Lý Vương. Việc thu hồi GCN QSDĐ của bà Nguyễn Thị Quế (nay bà Ngô Thị Đào) là việc phải làm, bởi trích lục địa bộ mà bà này sử dụng để được cấp GCN QSDĐ trong khuôn viên di tích lăng mộ nói trên là tài liệu giả đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận. Do vậy, không có lý do gì để cho phép bà Ngô Thị Đào tiếp tục xây dựng trên khuôn viên đất di tích lịch sử khi UBND tỉnh chỉ đạo “phải kiên quyết thu hồi, giải toả”. Thanh tra Sở VH,TT&DL đề nghị UBND phường giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc bà này lợi dụng các ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 để tranh thủ xây dựng; đồng thời, kiên quyết đối với việc xây dựng trái phép và yêu cầu đương sự di chuyển vật liệu ra khỏi khu vực KVBV để trả lại nguyên trạng cho di tích.
 
Theo Phó Trưởng phòng VH&TT TP Huế - Trần Thanh, nhà và đất của hộ bà Ngô Thị Đào nằm trong KVBV I và II di tích lịch sử lăng mộ Tuy Lý Vương, do bà Nguyễn Thị Quế chuyển nhượng. Từ giữa tháng 8 vừa qua, mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng bà này vẫn tập kết vật liệu khởi công xây dựng trái phép công trình hồ nước nằm trong khu vực II (cách la thành lăng mộ thân mẫu nhà thơ Tuy Lý Vương 18,5m). Việc bà xin xây dựng các công trình mới không phù hợp với biên bản KVBV di tích Tuy Lý Vương đã lập và sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện Thông báo 162/TB-UBND của UBND tỉnh.
 
 
Kiên quyết thu hồi GCN QSDĐ
 
Thực hiện thông báo nói trên của UBND tỉnh, trước đó, ngày 1/8, Sở VH,TT&DL cùng Ban Chủ tự phủ Tuy Lý Vương và Phòng VH&TT TP Huế có buổi làm việc đề xuất điều chỉnh KVBV, xây dựng tường bao bảo vệ di tích lăng mộ này và thống nhất: Đề nghị UBND TP Huế thu hồi GCN QSDĐ đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ như kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp cố tình vi phạm, xây dựng trái phép trong KVBV I của ông Trương Văn Chính, bà Ngô Thị Đào, đề nghị UBND TP Huế cưỡng chế tháo dỡ công trình và thu hồi đất. Điều chỉnh KVBV di tích lăng mộ Tuy Lý Vương theo hướng thu hẹp một phần khu vực II như đề xuất của Sở VH,TT&DL, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ VH,TT&DL xem xét. Tuy nhiên, phía đường Bùi Thị Xuân phải bảo đảm thông thoáng, tạo đường vào di tích và Ban Chủ tự sớm hoàn chỉnh bản vẽ thiết kế cổng chính vào lăng mộ để Sở VH,TT&DL nghiên cứu. Chi tiết điều chỉnh KVBV cũng như vị trí xây dựng tường bao và cổng vào di tích sẽ được trực tiếp ghi nhận tại thực địa với sự tham gia của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương. Điều đáng nói là trong lúc công việc đang được Sở VH,TT&DL cùng các thành viên liên quan triển khai thuận lợi thì xảy ra vụ việc bà Ngô Thị Đào nêu trên.
 

Lăng mộ Tuy Lý Vương do UBND Phường Đúc trực tiếp quản lý

Di tích lăng mộ Tuy Lý Vương được Bộ VHTT trước đây ra quyết định công nhận năm 1991. Di tích này do UBND TP Huế là đơn vị trực tiếp quản lý theo Quyết định 2685 ngày 23/11/2006 của UBND tỉnh phân công quản lý di tích đợt 1 và theo Quyết định 355 ngày 18/3/2008 của UBND TP Huế phân công quản lý di tích được xếp hạng trên địa bàn thì lăng mộ do UBND Phường Đúc trực tiếp quản lý, Ban Chủ tự phủ Tuy Lý Vương sử dụng di tích. Biên bản và bản đồ KVBV di tích này do UBND tỉnh và các ban ngành hữu quan ký trước đó quy định rõ lăng mộ có hai khu vực KVBV, nghiêm cấm việc xây dựng bất kỳ một công trình mới tại đây.

Đáng tiếc là mặc dù nhiều vụ việc lấn chiếm đất tại khuôn viên di tích lăng mộ Tuy Lý Vương xảy ra từ lâu và bị phanh phui từ năm 2006. Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, có kết luận, đề xuất nhưng từ đó đến nay, nội vụ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Khi phát hiện vụ việc nói trên, với trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích, ông Hồ Đắc Hùng phải kiên quyết, không chấp thuận bất kỳ một lý giải nào của bà Ngô Thị Đào. Hơn nữa, khu đất mà đương sự có được do trước đó, bà Nguyễn Thị Quế làm giả trích lục địa bộ cộng với sự tiếp tay của một số cán bộ để được cấp GCN QSDĐ. Việc thu hồi giấy này là đương nhiên và chỉ còn chờ thời gian, vậy mà ông Hồ Đắc Hùng lại báo cáo xin ý kiến của UBND TP Huế (!?). Với cách hành xử này, buộc dư luận phải đặt câu hỏi: cần xem lại năng lực cán bộ quản lý hoặc có hay không tình trạng tiêu cực kéo dài như hiện nay của một số cán bộ UBND phường mà báo Thừa Thiên Huế nhiều lần phản ảnh? 
 
Ngày 6/9 vừa qua, Sở VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND TP Huế giải quyết dứt điểm, kiên quyết thu hồi GCN QSDĐ của bà Ngô Thị Đào và những hộ đã cấp sai quy định, từng bước xử lý những vấn đề liên quan như thông báo của UBND tỉnh đã nêu, tạo tiền lệ cho việc xử lý vi phạm di tích của các cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở sau này; đồng thời, cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý được phân công phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các vi phạm di tích xảy ra trên địa bàn.

   Bài và ảnh: Vĩnh Cự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

TIN MỚI

Return to top