Đôi uyên ương trên Nghị đỉnh
Chốn kinh kỳ Cố đô có nhiều cái lạ. Lạ lùng nhất không phải là những bảo vật hoàng cung đến nay còn bao phủ nhiều bí ẩn; mà lại là sự giao thoa giữa lối sinh hoạt cung đình và lối sống dân gian. Ví như ca Huế hay tuồng Huế; ca Huế có những kinh bản trong cung thì dân gian cũng có những ca bản của giới bình dân; tuồng Huế có những vở dành cho vua chúa xem từ tuần này qua tháng khác như Vạn Bửu Trình Tường thì dân gian cũng có Nghêu Sò Ốc Hến… Gần như chưa ai thống kê có bao nhiêu bài của ông hoàng thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm được phổ vào các làn điệu Nam Ai, Nam Bình truyền tụng trong các thôn, xóm nghèo giữa cõi dân gian… Trong chốn hoàng cung, lăng tẩm vua chúa, miếu mạo, đình chùa có thật nhiều những mô típ trang trí bên cạnh những con vật tứ linh lại xuất hiện lũ heo, nai, gà, cáo…
Chim phụng trên Nhân đỉnh
Phụng là một trong bốn con vật tứ linh “long - lân - quy - phụng”. Từ trước khi họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa (1882-1980) đóng góp rất nhiều mẫu trang trí long – lân – quy – phụng trên các lăng tẩm, đền chùa, thì Huế đã xuất hiện nhiều con phụng trong cung đình hay chốn thiền môn. Hình ảnh phụng bắt gặp khá nhiều trên thân vạc, đặc biệt là hai chiếc đặt trước nhà Tả vu, Hữu vu (Đại Nội). Kiểu thức phụng thể hiện trong các ô hộc khép kín nhưng lạ thay, vẫn sống động tài tình. Có con cúi đầu, có con ngẩng cao, lại có khi ngậm cành lá, có khi đạp lên một nhành cây thô vụng, hay đứng cùng khóm mẫu đơn tinh tế. Và tuy cũng là phụng đứng giữa chốn kinh thành, mà sắc thái của nó vẫn toát lên vẻ ngô nghê, dân dã khiến không ít người lầm tưởng đó là những con gà đang bươi mót hay con cò lặn lội bờ ao… Cách hai chiếc vạc này không xa, chiếc vạc ở điện Càn Thành có khắc họa một loài gần phụng - chim khổng tước. Con chim lừng danh này đang tư thế đứng, chân đang bới đất, đuôi dài và thẳng, đầu cúi xuống như tìm kiếm thức ăn. Chao ôi người thợ nào giữa chốn hoàng cung năm xưa, họa khổng tước giữa kinh kỳ mà vẫn ám ảnh những tháng ngày chốn thôn nghèo kiếm cơm làm vậy? Trên Nhân đỉnh cũng có một con khổng tước, chim ngẩng cổ đang đi, tư thế ung dung. Trên Cao đỉnh có một con chim trĩ, thuộc bộ gà, loài chim quý xưa thấy nhiều ở núi rừng Tây Thừa Thiên, Bạch Mã. Chim trĩ trên Cao đỉnh khắc họa rất sống động, chân dang đầu nghiêng, hai chiếc lông đuôi xòe phóng túng. Rất nhiều chim công cũng đã xuất hiện trên chiếc vạc bên trái điện Thái Hòa, đúng là lũ “chim hay múa, nó múa làm sao?”: dang cánh, ngoái đầu, bay lượn và cả đứng yên nhìn cây cỏ xung quanh, và tất nhiên, có cả hình ảnh dang cánh rộng bay về đóa mẫu đơn khá lớn trong vòm trời hình cánh cung. Song cũng nhiều lúc những người thợ tinh nghịch không sợ phép tắc quyền uy, hay vua chúa ngày xưa khuyến khích cho dân gian sáng tạo, một khi đã cho phép cũng ngay tại cái vạc này, công biến thành cò hay hạc đang săn mồi là con cá bơi trước mặt? Thì đó, đến Nghị đỉnh mà xem, ngay trước Thế Miếu, có đôi chim uyên ương đang cất lời tình tứ trên hồ nước, sóng gợn muôn trùng…
Bức tranh đôi phụng ở lăng Đồng Khánh
Chuông chùa Thiên Mụ nổi tiếng vang xa khắp xứ, thì trên thân chuông ở băng thứ nhất từ trên xuống, rồng và phụng được đúc nổi châu đầu vào nhau, hòa quyện quá đỗi sinh động, phô bày hết vẻ đẹp quý phái linh thần của nó. Những con phụng ở đó đuôi dài lướt thướt, mỏ cong, mào dài, hai cánh dang rộng với tư thế đang bay lượn trên không trung, không hề nhận ra nét dân dã, bình dị của những hình tượng trang trí phổ biến thời các chúa Nguyễn.
Nhưng những nét bình dị rất mực dân gian lại xuất hiện khá nhiều trên các lăng tẩm, miếu mạo thời Nguyễn với hình ảnh con gà, con kê. Con gà xuất hiện trước nhất có lẽ ở Hưng Miếu, được vua Minh Mạng xây dựng năm 1821 để thờ ông nội là Hưng tổ Hiếu Khương Hoàng đế Nguyễn Phúc Luân. Con gà ở đó đắp bằng vữa, toàn thân như lao về trước, cổ vươn cao, cánh xòe, mỏ há rộng như đang cất tiếng gáy vang. Vào Đại Nội xem Chương đỉnh, sẽ bắt gặp con gà chạm nổi trên chiếc đỉnh đồng đen bóng. Thân gà to khỏe, đĩnh đạc, đuôi vòm rộng, chân đang đi, đầu ngó lui sau như đang chờ một ả gà mái nào đó giả bộ tò mò. Treo trên diềm mái cổ Thế Miếu, qua hàng trăm năm vẫn còn bóng dáng đôi gà uyên ương âu yếm nhìn nhau bên bụi lan, được phóng bút vẽ bằng bột màu, tài tình, tinh tế và phóng khoáng vô cùng. Lên lăng Khải Định, điện Khải Thành, những con gà với đời sống của chúng chân thật lạ lùng. Bức tranh hay nhất phải kể đến cảnh con gà trống đang xù lông sẵn sàng chống cự trước con chồn đang đe dọa tước mạng sống của nó. Lại có một đôi gà trống mái khác, chàng gà trống đang nhặt mồi để cù rủ gà mái với vẻ tận tụy đáng ngờ; và nàng gà mái, dĩ nhiên là cái giống tin người y hệt một con gà mái. Một cặp gà trống mái khác đang giận nhau được phóng bút vẽ màu gần đó, con gà mái đang xù lông một cách toan tính trước một chàng trống tía đau buồn. Ôi chao dân gian, chuyện tình yêu trai gái nào có chừa ra một khoảng không nào đâu, dù đó là chốn tôn nghiêm bậc nhất đi chăng nữa…
Con gà trên Chương đỉnh
Lăng Đồng Khánh có nhiều tranh bộ gà bằng chất liệu phù điêu đất nung. Những con gà đá ở đó chân cao, mình đen, đang xù lông vươn cổ lao vào chọi. Lại xuất hiện một chú gà đang tán tỉnh phỉnh phờ con gà mái với điệu bộ vừa đỏm dáng cực kỳ hài hước, xem phải bật cười. Vua Đồng Khánh là người tin tưởng ghê gớm vào sự linh ứng của Thánh Mẫu điện Hòn Chén. Tương truyền Thánh Mẫu cho biết, ông sẽ làm vua trong ba năm, quả nhiên vậy. Sau khi yên vị, vua đã cho xây lại đền khang trang, đổi tên thành điện Huệ Nam. Vua sẽ nghĩ sao khi dân gian vẽ trên lăng ông hình ảnh chú gà đỏm dáng kia, và ở chốn cửu tuyền ông có bật cười?
Dù cho con chim phụng xuất thân từ ảo mộng thần linh, hay con gà xuất thân từ chốn đồng quê mộc mạc; lên chốn kinh kỳ, dạo chơi trên thân vạc hay trên mái diềm trang trí, chúng vẫn là chúng trong mắt dân gian: Vẫn quyết liệt trong sinh tồn, vẫn gồng mình trong thể hiện chính danh, vẫn tinh tế trong ứng xử, vẫn vụng về trong tình yêu đôi lứa… Mới hay, một khi tài năng không chịu quá nhiều cấm kỵ, dân gian vốn hồn nhiên đã làm được những điều mà thế hệ sau sẽ mãi còn chiêm bái…
Bài, ảnh: Hạ Nguyên