ClockThứ Năm, 01/08/2013 11:01

Tây từ làng Đồng Di, một di tích cổ quý hiếm

TTH - Tây từ làng Đồng Di, thờ ngài Đệ nhất khai canh, Triệu cơ Tây thổ của làng là Nội Tán Vân Hiên Hầu Phạm Quang Hựu. Nhân vật lịch sử này có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn Phúc Lan mở mang bờ cõi.

Hương phổ Đồng Di chép rằng, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Phạm Quang Hựu cùng với người em trai theo cha là ngài ký lục Phạm Quang Đồng, theo chủ trương của nhà chúa, về vùng phía đông của làng Dã Lê để khai hoang lập ấp. Lúc bấy giờ có vị tú tài triều Lê là Lê Quang Ngạnh, ngài Đinh Như Khoan (húy Dư), ngài họ Dương (muội húy)… theo phò chúa Nguyễn Hoàng, đã hưởng ứng chủ trương di dân, khai hoang lập ấp và các vị ấy đã khai canh Đồng Di Tây. Vùng trũng đang bồi tạo của Đầm Sam dần dần được đắp đập be bờ, đào hói để dẫn nước ngọt vào rửa mặn, trị phèn,… Về sau, thân phụ Phạm Quang Đồng để lại hai anh em ở Đồng Di, sang sống ở làng Mậu Tài và biệt tăm. Hai anh em họ Phạm tiếp tục sống ở Đồng Di, rồi đỗ đạt, riêng Phạm Quang Hựu là bạn đồng học của thế tử Nguyễn Phúc Lan, sớm thành đạt và giữ chức Nội Tán khi Nguyễn Phúc Lan kế thống. Chính Phạm Quang Hựu đã ra sức mở mang làng Đồng Di Tây, còn người em là Chiêu Đức bá Phạm Quang (muội húy) lại khai canh Đồng Di Đông…

Bàn thờ bên tả với đồ tự khí đơn sơ

Ngài Vân Hiên hầu Phạm Quang Hựu thời trẻ sống ở Đồng Di, trưởng thành làm quan Nội tán trong cung phủ Công Thượng vương Nguyễn Phúc Lan nhưng khi mất, con cháu lại táng ngài ở một địa cát thuộc phường Trung An, tổng Diêm Trường, trên một khoảnh đất đúng một mẫu. Địa bạ phủ Thừa Thiên chép: “TRUNG AN khách hộ phường. Đông giáp xã Cao Đôi (tổng Dã Lê), thôn Đông Kiều, có cột đá làm giới. Nam giáp phường Phụ Ổ Tiên Nộn (tổng Dã Lê), có cột đá làm giới. Bắc giáp phường Cao Đôi và sông.” (sđ d, tr. 225). Về sau, con cháu lại cải táng về địa cát ở phường Thủy Cam, tổng Diêm Trường. Thời Thiệu Trị, làng Đồng Di từng huy động 50 người, tay có giáo mác, cuốc, xuổng để vào rừng chạp mộ ngài. Về sau, con cháu xiêu dạt do các cuộc chiến tranh, hầu như mộ ngài đã bị thất lạc.

Một đoạn văn tế ngài đệ nhất khai canh

Sau khi Vân Hiên hầu qua đời, nhà của ông biến thành từ đường thờ phụng ông, gọi là Tây từ của làng Đồng Di Tây. Vì Vân Hiên hầu là một đại công thần của thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong nên khi ngài qua đời (ngày 14 tháng 10, không rõ năm), chúa Thượng ban một ngai ngự, một cái tán để thiết trị tại nhà thờ của ngài. Đặc biệt ngày huý nhật (13 tháng 10 âm lịch), con cháu làm đơn lên phủ chúa, chúa cấp 300 quan tiền. Cứ mỗi đời chúa về sau thì ngày kỵ lại bớt 50 quan. Tính từ chúa Nguyễn Phúc Lan, đến thời chúa Võ Nguyễn Phúc Chu thì không còn lệ cấp tiền. Do con cháu họ Phạm quá neo đơn, lại nghèo, không còn tiền nhà nước cấp hàng năm, nên không còn khả năng tu sửa Tây từ, công trình này hư hỏng nặng. Làng quyết định kỵ ngài ở đình Đồng Di. Thời Tây Sơn, nhờ quan Hộ quân sứ Đinh Như Đăng xin làng tận suất vi binh để tôn tạo Tây từ đẹp đẽ. Qua thời gian, làng vẫn tiếp tục tu bổ. Tây từ đến nay cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, hai chái bị sập, trang trí long phụng bị gãy đỗ, mái ngói dột nát, tường thấm nước làm tăng độ ẩm, đe dọa cấu kiện gỗ bên trong. Do vậy năm nay, làng Đồng Di Tây đang trùng tu lại Tây từ.

Hậu duệ của ngài khai canh hiện ở làng quá ít ỏi, gia phả gốc đã thất lạc. Năm 1982, hai cha con Phạm Quang Chẩn, Phạm Quang Thưởng bằng truyền ức để viết cuốn gia phả được 6 đời, không đầy đủ. Ngay cuốn gia phả năm 1982 cũng bị trôi trong trận lụt năm 1999. May có bà Huỳnh Thị Thương, vợ của Phạm Quang Thưởng tìm được ở ngọn tre... Các án thờ bên trong Tây từ quá sơ sài, án giữa không có bài vị, án tả lại thiết trí 4 bài vị đã bị xóa các dòng chữ Hán, còn án hữu cũng không có bài vị...

Vân Hiền hầu Phạm Quang Hựu là một công thần của triều chúa Nguyễn Đàng Trong. Cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi Đàng Trong thành công thì có sự góp phần không nhỏ của ông. Đặc biệt, ông là vị đệ nhất khai canh làng Đồng Di (Tây), một làng có Văn miếu, nơi sĩ tử bốn phương đến học tập rèn luyện, nhiều người đỗ đại khoa như Lê Quang Đại, Lê Cao Kỷ... nên dân gian một thời truyền tụng: “Học Đồng Di thi An Hòa”... Tây từ đang được làng Đồng Di vận động tôn tạo và đã bắt đầu kế hoạch, là việc làm đáng được ủng hộ của con dân làng Đồng Di. Nên chăng, Hội đồng tộc trưởng thỉnh nguyện chính quyền sở tại giúp làm đơn, hồ sơ gửi cơ quan hữu trách sớm công nhận Tây từ và văn miếu Đồng Di là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Return to top