ClockThứ Tư, 14/02/2024 13:55

Du hành Cố đô qua Logo

TTH - Cuối thu, khi bắt đầu làm việc trực tuyến với các lớp thiết kế đồ họa logo, tôi nhận ra một nhóm sinh viên (SV) chọn làm đề tài về Huế. Và chúng tôi cùng nhau vỡ vạc, đồng hành.

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viênSinh viên “chạm” đến những đề tài mỹ thuật lớn

 

Theo cách nói của những người trẻ, Cố đô Huế được lập trình bởi các gen “di truyền”: có thiên nhiên sơn thủy hữu tình, có hệ sinh thái kiến trúc, âm nhạc, trang phục độc đáo, có nét đẹp kinh thành trầm mặc, hoài cổ, với tầm mức di sản nhân loại. Nhất là xứ Huế có văn hóa đặc biệt trong truyền thống, lễ nghi, phong cách sống, cùng một hệ ẩm thực đặc sắc.

Theo đó, 3 keywords (từ khóa) về phong cách sống, đó là gia đình truyền thống, nghệ thuật truyền thống, ẩm thực truyền thống - đều là truyền thống. Nhóm bạn trẻ gen Z này còn chọn ra 3 keywords về tính cách của người Huế: Kiêu hãnh, nhã nhặn, nghệ sĩ và tinh tế.

Từ góc nhìn thiết kế, chúng tôi tin rằng đây là DNA của thành phố du lịch Huế: đẹp, thơ, mơ, trầm, lặng. Một trải nghiệm du lịch đa dạng và đặc sắc về Huế hẳn cần có các ý niệm này. Và thầy trò chúng tôi tìm ý và hình để lý giải sự tinh tế và huyền bí, và vì thế, quyến rũ của Cố đô.

 

Có thể bạn sẽ yêu Huế hơn, sau chuyến du hành bằng mắt đến chốn này, qua bộ logo và poster của SV đồ họa ĐH Duy Tân, và tôi, hôm trước chấm điểm cho họ, giờ đây sẽ làm… tour guide:

Poster “Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” của SV Nguyễn Thanh Phúc. Chàng trai quê Phong Điền này đã tạo nên ý niệm nón bài thơ của ngày hôm nay - tổ hợp hình ảnh lễ hội văn hóa Huế - trẻ, mới, lạ.

Logo của SV Phan Lê Bình Nguyên và Trần Ngọc Quỳnh Thy. Công ty Du lịch Hương Huế của Bình Nguyên: Hình ảnh Nàng thơ sông Hương núi Ngự hòa quyện trong nền màu hoài cổ, diễn họa một cảnh sắc Huế “dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Có thể là lần đầu tiên trong logo, cầu Trường Tiền có màu cánh sen, thắm đượm với núi Ngự Bình tím.

Người ta thường biết House’ là cấu trúc ở, “Home” là căn nhà vui sống, “Home sweet home” là mái ấm hạnh phúc, “Homestay” - lưu trú chung với gia chủ. Và Quỳnh Thy - cô gái Đà Nẵng mới biết Huế 24h - đã hòa trộn cảm giác hạnh phúc khi trở về nhà với trải nghiệm homestay ấm cúng và thư thái, như trong mái ấm hạnh phúc. Đó là Home sweet homestay. Điệu vẽ hồn nhiên thơ dại đã gia tăng cảm giác thân tình.

Bộ ba mẫu thiết kế logo đậm chất văn hóa Huế của các sinh viên Trường đại học Duy Tân 

Người đạp xích lô ở Huế khác với những nơi khác ở chỗ nào? - Họ hiểu và yêu Huế, và ai cũng làm hướng dẫn viên tình nguyện được! Niềm tin yêu này đã giúp chàng trai Huế Phan Văn Dương tạo nên một logo xích lô du lịch Huế chân chất, đáng tin. Cũng như thế, đồng hương Phan Xuân Du đã bảng hiệu hóa logo Bún bò Huế Cẩm với màu hoài cổ. Nguyễn Ngọc Tuấn Anh đã tạo mới búp hương trầm cho làng nghề Thủy Xuân. Nguyễn Thiên Nga vừa xoáy vòng, vừa lan tỏa hương hoa cho hàng hoa Hương Trà. Họ đem đến cái nhìn tươi mới, đương đại.

Hãy ghé qua tiệm sách Thiên An - logo của Nguyễn Thùy Linh. Bạn có thể thấy sự sắp xếp dung dị và hòa quyện các ý niệm lớn lao của cuộc sống: trang sách, hải âu, con sóng, chân trời. Bể kiến thức mở rộng tầm mắt, chân trời. Thú chơi diều của người Cố đô được SV Lê Minh Quân ước lệ tinh giản một nét: diều lộng gió, bay cao hơn mây.

Thêm một lần, Thanh Phúc, qua poster “Hãy đến với Cố đô Huế” đã khơi gợi du khách thức khuya cùng thành phố ngủ sớm, để biết thêm về Huế mình, bắt đầu từ đêm xanh huyền bí…

Thiếu nữ Nghệ An, Hà Phương Thanh, hẳn đã phải lòng với Huế qua logo Nhà hát nhã nhạc Cung đình Huế, khi đem đến một cái nhìn ấn tượng: giao hòa chiếc kèn bầu, một linh hồn trong dàn nhã nhạc, với hình tượng tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ. Thật lạ - thiết kế đẳng cấp và điệu nghệ này là thiết kế đầu tay.

Viếng chùa rồi, chúng ta đi làm đẹp. Bằng phong cách tối giản, Nguyễn Thị Hoàng Yến đã đem đến hình ảnh một logo chăm sóc sắc đẹp sáng trong, nền nã qua mái tóc đang búi duyên dáng, báo hiệu chất lượng làm đẹp đáng tin của Hương Spa.

Nguyễn Hà Tú Uyên thì khác. Uyên vẽ logo cho cửa hàng bán áo dài Cẩm Tú lâu đời của mẹ. Một cô gái Huế thanh lịch cách điệu trong đóa sen, ánh tím Huế hòa sắc sen hồng, thắm thiết mà trong trẻo.

Theo chúng bạn leo núi từ nhỏ, chàng trai ngụ dưới chân dãy Bạch Mã, huyện Nam Đông - Phan Anh Tuấn - khi lựa chọn đề tài cho poster du lịch, đã chọn Bạch Mã như lẽ tự nhiên. Phân minh và súc tích, ấn tượng của “tiếng gọi nơi hoang dã” đã có thể “nghe” thấy từ cảnh sắc hùng vĩ và hoành tráng Thừa Thiên.

Đào Thị Ngọc Huyền thiết kế logo cho dịch vụ cắm trại Suối Mơ khi chưa từng đến đó. Mơ, trong, xanh, róc rách, là từ khóa của logo này. “Thầy “cho” em lên báo, là mai em sẽ đến Suối Mơ ngay á!” - cô gái Pleiku năng động này đã chat như vậy.

Hầu hết du khách check-in cảnh sắc Lăng Cô vào ban trưa. Nhưng với Vũ Lê Gia Bảo (Logo Lăng Cô travel) và người dân nơi đây, đầm Lập An quê hương cô, đẹp nhất phải là lúc hoàng hôn. Đó là chi tiết cô bảo vệ đến cùng, trong buổi chấm bài online từ tối tới tận 2h sáng. “Mẹ chỉ mỉm cười, còn con em hắn khen đẹp. Hắn sẽ theo học thiết kế cùng em đó! Khi mô mà thầy check-in đỉnh Hải Vân bằng xe máy, thầy nhớ nhắn, em chạy ra chân đèo đón thầy nghe!”.

Từ khung cảnh đầm Lập An của Gia Bảo, chỉ cần quay qua trái là thấy vịnh Lăng Cô, chân đèo Hải Vân. Đó chính là khung cảnh trong logo thị trấn Lăng Cô của Phạm Nguyên Khang, đồng hương với Gia Bảo - logo miêu tả một thị trấn an bình, sáng tươi. Mươi ngày trước, từ trên đỉnh đèo núp mưa, khi chạy xe máy về từ Đà Nẵng, Khang đã gởi cho tôi clip, “Lăng Cô nè thầy!”. Vẽ xong logo, yêu quê mình hơn!

Trong thiết kế logo lĩnh vực du lịch, hình ảnh vali bao người đã vẽ, hay tả chân về Huế, nhiều người cũng từng. Nhưng đưa vali có hình ảnh khái quát Cố đô Huế, với cảnh sắc sơn thủy hữu tình, đượm tình hoài cổ, thì Hồ Thị Thu Thảo hẳn là người đầu tiên. Với du khách sắp đến Huế, hình ảnh trên vali như mường tượng chờ mong - đến với Huế. Với du khách giã biệt Huế, đó là ấn tượng không phai - đem Huế đi. Đó là triết lý của cô, về thương hiệu giả định Hue Tourism. Nếu màu tím người ta quen thấy, là tím Huế, người yêu Huế nay có thể làm quen với bảng màu này của Thu Thảo, một thiếu nữ Bình Định - đó là màu cam Huế.

Tôi có một thứ hạnh phúc thường trực: là chứng nhân giữa vườn ý tưởng sáng tạo, và đồng hành cùng hàng chục ý tưởng mới mỗi ngày. Các thiết kế mà bạn xem trên trang này, là các tác phẩm có sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, mà lần đầu chúng tôi trực tiếp áp dụng tại môn học này.

Một cuộc du hành Cố đô qua logo của SV thiết kế đồ họa, với những thương hiệu giả định, là một ví dụ. Nó cũng là một cuộc du hành sáng tạo mini về du lịch Huế, cùng ước mong du lịch Huế sáng tạo hơn.

Cố đô Huế là miền non nước khác thường. Cảm nhận này với những người có Huế trong tim, dù thâm tình hay xa ngái, đã là lẽ phải. Nhưng với nhiều người chưa từng đặt chân đến, xứ sở này vừa như không gian, vừa như một từ trường mê hoặc du khách, đã từ lâu. Hẳn sẽ còn mãi!

Nếu SV thiết kế phía bắc ưa bài bản tấm miếng, SV phía nam chuộng thích nghi linh hoạt, thì SV miền Trung nhiệt thành phối hợp hài hòa 2 điều đó, và nhuộm chúng nên thơ, ngay khi có thể. Tôi tin rằng, các nhà đào tạo cần nhận ra, thúc đẩy, và gìn giữ đặc trưng giá trị này.


KTS. HSTK Nguyễn Tri Phương Đông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
“Thời và vận mới của một Cố đô”

Đây là một viễn kiến về Thừa Thiên Huế được TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn bàn đến trong cuốn “Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại: Câu chuyện quy hoạch - kiến trúc”. Sách vừa được Phanbook và NXB Dân Trí liên kết ấn hành năm 2023.

“Thời và vận mới của một Cố đô”
Di sản Cố đô, ký ức & trao truyền

Cách đây 30 năm, Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa vật thể đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đúng 10 năm sau, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản Cố đô, ký ức  trao truyền
Return to top