|
Một sản phẩm hoàn thiện của “Cố đô” |
Thổi hồn vào hoa tươi
Từng tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc, có thời gian dài đi dạy, sau đó là hơn 5 năm gắn bó với nghề kinh doanh hoa tươi chuyên nghiệp, thế nhưng, chị Nguyễn Thị Thanh Lân chỉ thực sự tìm thấy niềm vui khi gắn bó với nghề sản xuất hoa bất tử.
Lân chia sẻ: “Công việc của tôi là bán hoa nên những công đoạn như tuyển chọn, cắt lá, tỉa cành tôi đều thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên với những số hoa chưa bán hết, chỉ sau vài ngày, chúng lại úa tàn, héo rũ, buộc phải bỏ đi. Mỗi lần như vậy, tôi rất tiếc, xót xa. Tôi nghĩ để giữ gìn vẻ đẹp của hoa theo thời gian thì phải tìm ra một bí kíp, ngón nghề nào đó tăng tuổi thọ cho hoa”.
Nghĩ rồi làm, cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Lân tranh thủ khoảng thời gian “mắc kẹt” ở nhà lên mạng tìm tòi về nghề làm hoa tươi bất tử. Nguyên liệu ướp hoa phải nhập khẩu từ đâu, kỹ thuật cắm hoa, cách xử lý, bảo quản hoa như thế nào đều được Lân ghi chép lại, thuộc nằm lòng. Đến giữa năm 2022, chị tiếp tục khăn gói lên đường tìm đến các cơ sở sản xuất hoa tươi bất tử ở các thành phố lớn như Thanh Hóa, Hà Nội, Đà Lạt để học nghề.
|
Chị Thanh Lân tỉ mỉ tạo dáng cho sản phẩm |
“Hiện tại, ở nước ta, số lượng đơn vị sản xuất, kinh doanh dòng hoa tươi bất tử chưa đến 10 cơ sở. Đà Lạt - xứ sở ngàn hoa là nơi có lợi thế về nguồn nguyên liệu hoa tươi, nhưng với nền nhiệt thấp, độ ẩm cao, thành phố này không thể phát triển nghề sản xuất hoa tươi bất tử không tẩm ướp hóa chất. Với Huế thì khác, Huế có mùa hè khô ráo kéo dài, và cả những cánh đồng hoa rộng lớn với những giống hoa bản địa phong phú hương sắc”, Thanh Lân lý giải thêm.
Cuối năm 2022, sau khi tự tay thực nghiệm thành công kỹ thuật ướp cát, bảo quản hoa, Thanh Lân tung ra thị trường những sản phẩm hoa tươi bất tử đầu tiên.
Để tạo ra những bình hoa bất tử bắt mắt, sang trọng phù hợp để lưu niệm hoặc làm quà tặng, Lân nhập khẩu nhiều loài hoa, lá đắt đỏ từ nước ngoài và tỉnh bạn như hoa mao lương, hoa tulip, hoa gơ trắng, hoa hồng Đà Lạt. Bình thủy tinh dùng để chứa hoa cũng là loại bình dày, có độ trong suốt cao.
Từ những bông hoa được ướp cát, làm khô riêng biệt sẽ được cô chủ nhỏ tuyển chọn, lên ý tưởng rồi đưa vào bình thủy tinh theo nguyên tắc cắm “từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên”. Thanh Lân cho biết: “Một người không có tính kiên nhẫn sẽ sớm bỏ cuộc, không thể theo đuổi công việc này. Như tôi, với chiếc nhíp nhỏ trên tay, những ngày đầu, tôi phải cặm cụi phân tích từng cánh hoa một. Mỗi loại hoa sẽ phù hợp với một lượng nguyên liệu ướp khác nhau, thời gian và quy trình ướp cũng khác. Tôi đã từng phải bỏ đi hàng nghìn bông hoa đắt đỏ vì chất lượng không đạt yêu cầu. Bây giờ, tôi mất tầm 3 tiếng để cắm xong một bình hoa cỡ nhỏ, bình lớn thì phải tỉ mẩn cả ngày trời mới hoàn thành”.
Với quy trình ướp hoa từ tươi thành khô chuyên nghiệp, bài bản, vượt lên trên những yêu cầu khắt khe, sản phẩm hoa bất tử của Lân không những an toàn, thoang thoảng hương thơm mà còn giữ gần nguyên màu sắc, hình dáng trong khoảng thời gian kéo dài lên tới 10 năm.
Mang vẻ đẹp Huế đi xa
Nỗ lực không ngừng, sản phẩm hoa tươi bất tử do cô gái trẻ Thanh Lân chăm chút bây giờ đã được lan tỏa đến nhiều nơi. Những khách hàng đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai…, sau lần làm quen đầu tiên đều quay về tìm Lân để đặt mua thêm kiểu dáng, số lượng. Gặp nhau ở mong muốn lưu giữ mãi vẻ đẹp của hoa tươi, mọi người sẽ trao nhau những bình hoa bất tử lung linh hay những sản phẩm decor được cách điệu từ hoa rất sang trọng, nổi bật.
Sau nhiều tháng lan tỏa sản phẩm với phương châm “chậm mà chắc”, trọng chất lượng hơn số lượng, bây giờ, tháng cao điểm như dịp tết Nguyên đán vừa rồi, cô chủ nhỏ Thanh Lân đã cho xuất xưởng gần 150 sản phẩm, thu về gần 100 triệu đồng. Trong năm 2023, Lân cũng đã đào tạo, tuyển dụng, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động tại địa phương.
Cô cho biết: “Sở dĩ, tôi lựa chọn cái tên Cố đô để đặt cho xưởng hoa của mình vì sâu xa tôi là một người con của Huế, tôi muốn bạn bè, khách hàng khắp nơi mỗi khi cầm trên tay, ngắm nghía một sản phẩm hoa sẽ càng nâng niu, trân trọng hai chữ Cố đô. Mọi người sẽ nhớ đến một vùng đất lành đầy đặn sắc hương từ những bông sen, bông súng; nhớ đến những người phụ nữ Huế luôn chỉn chu, tử tế, khéo léo, dịu dàng. Tôi giữ gìn vẻ đẹp, và tôi cũng mong muốn vẻ đẹp ấy được chắp cánh, vươn xa”.