Trong những ngày cuối tháng 3 năm 2014 vừa qua, chúng tôi đã được tham gia hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 4 (vòng IV) tại Huế. Đây quả là một hội thảo khó quên và đầy ấn tượng. Trước và sau phần thảo luận, các đại biểu đến từ báo Đảng miền Trung và Tây Nguyên đã được tham quan du lịch các địa danh nổi tiếng của Thừa Thiên Huế như sông Hương, Chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén; khu du lịch nghĩ dưỡng quốc tế Laguna Lăng Cô; Cảng nước sâu Chân Mây; Khu đền thờ Lăng mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương; Khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh; Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã cùng nhiều di tích danh thắng nổi tiếng khác của Huế…
|
Các nhà báo ấn tượng khi đến với khu Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân. Ảnh: HK
|
Đã nhiều lần đến Huế nhưng chưa bao giờ chúng tôi có được cảm xúc khó quên như lần này. Con người Huế thân thiện, vùng đất Huế giàu bản sắc văn hóa. Phải chăng khi được tham gia hội thảo cùng với các bạn đồng nghiệp thì chuyến du lịch càng tăng sự hấp dẫn? Bên lề hội thảo, từ chuyến du lịch chúng tôi đã có dịp được trò chuyện với nhiều chính khách và bạn bè đồng nghiệp xung quanh vấn đề du lịch Huế.
Cảm nhận từ hoạt động du lịch Huế
Quả đúng như lời phát biểu tại hội thảo của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: “Hoạt động du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế đã khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn; Tổng lượng khách tham quan đạt gần 2,5 triệu lượt/năm, tổng lượt khách lưu trú đạt gần 1,8 triệu lượt/năm”. Trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn con số doanh thu gần 2.500 tỷ từ du lịch của Thừa Thiên Huế là con số đầy ý nghĩa.
Cảm nhận tiếp theo của chúng tôi là hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tại Huế mang tính chuyên nghiệp cao, nói như ngôn từ mà nhiều bạn đồng nghiệp báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên khi nhận xét về du lịch Huế: “Tại miền Trung và Tây Nguyên, Huế đang là một trong số địa phương tạo được thương hiệu trong quảng bá du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế”. Du lịch Huế đang tìm về với hướng chất lượng, đặc biệt thu hút khách quốc tế. Để tạo điểm nhấn trong hoạt động thu hút quảng bá du khách, Huế đã thực hiện thành công nhiều mùa lễ hội festival. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên tại Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội theo mô hình festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới. Đây là sự kiện văn hóa - du lịch đặc thù, diễn ra 2 năm một lần. Thành công tại các kỳ Festival Huế là cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Thời gian gần đây số du khách quốc tế đến với Huế ngày càng tăng. Nhiều du khách đến từ các nước như Pháp; Đức; Mỹ; Hàn Quốc; Nhật Bản; Úc… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, Thừa Thiên Huế đã ngày càng hiện đại hóa cơ sở lưu trú; từ đó mặc dù số lượng du khách đến Huế ngày càng tăng nhưng ít khi cơ sở lưu trú của Huế bị “cháy phòng”. Theo ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2014 phân tích: “Festival không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội và du lịch mà còn là hiệu quả chính trị, ngoại giao, văn hóa, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển. Cộng đồng quốc tế đến với Huế sẽ tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau thông qua văn hóa. Đó là một hiệu quả không thể đo đếm”. Cảm nhận của chúng tôi là hoạt động xã hội hóa du lịch tại Thừa Thiên Huế đang ngày càng phát triển. Mỗi một người dân Huế đang là sứ giả của Festival Huế mọi lúc mọi nơi. Bạn Minh Hiền, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Festival Huế lần thứ 8 năm 2014 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 20 tháng 4 tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông A ́- Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao đề xướng. Có 38 quốc gia khắp năm châu lục đăng ký tham gia với 46 đoàn nghệ thuật hứa hẹn là một trong những Festival hấp dẫn, hoành tráng”.
Ngày cuối cùng trong chuyến du lịch Huế do Hội thảo tổ chức, chúng tôi được tham quan điện Hòn Chén; chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền…Ngược dòng sông Hương, cảm giác thật khó tả về vẻ đẹp của bao di tích danh thắng bên bờ sông Hương. Sông Hương đã đi vào huyền thoại như một dòng sông thơ mộng quyến rũ và một trong số dòng sông đẹp nhất thế giới hiện ra trước mắt chúng tôi. Đã nhiều lần ngắm sông Hương mà ít có lần nào sông Hương đẹp như thế trong màu cờ đỏ sao vàng của ngày chào mừng giải phóng Huế. Cùng đi trên thuyền với chúng tôi còn có các bạn đồng nghiệp đến từ báo Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, chúng tôi được hành trình trên sông Hương bằng chiếc thuyền rồng mang số hiệu 0522. Vợ chồng anh Ngô Châu là chủ nhân chiếc thuyền cho biết: “Gia đình đã có 9 năm làm nghề vận tải du lịch trên sông Hương. Du lịch đã góp phần đổi thay cuộc sống gia đình theo hướng khởi sắc. Thay cho ngày xưa phải sống vất vả bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông, gia đình anh chị đã được chính quyền thành phố tạo điều kiện vào HTX dịch vụ vận tải đường sông. Thuyền rồng của gia đình anh Châu rộng 7m; dài 12 m là 1 trong số 50 chiếc có trọng tải lớn của HTX dịch vụ vận tải đường sông. Tháng cao điểm cho hoạt động của thuyền vào tháng 4; 5; 6; 7…Thời gian gần đây, đặc biệt khi có Festival Huế, khách quốc tế sử dụng thuyền ngày càng đông, nhất là khách đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…”Hoạt động du lịch đang cải thiện đời sống của nhiều tầng lớp cư dân Huế. Từ hoạt động du lịch sẽ đánh thức tiềm năng của nhiều làng nghề Huế…
Ấn tượng Huế
Chúng tôi đã có nhiều kỷ̃ niệm đẹp về Huế. Chuyến Hội thảo lần này, ngoài việc được thăm quan di tích danh thắng Huế, được gặp gỡ nhiều bạn bè đồng nghiệp của làng báo miền Trung - Tây Nguyên, chúng tôi còn được gặp những bạn bè thân quen của lớp văn K1 Đại học Tổng hợp Huế. Những người bạn ngày xưa học cùng một lớp tại Huế đưa đến cho chúng tôi giây phút hồi hộp như được trở về tuổi mười chín đôi mươi hồn nhiên trẻ trung và đầy lãng mạn. Nhìn cầu Trường Tiền đẹp như chiếc lược ngà bắc qua sông Hương gợi nhớ những ngày sinh viên của chúng tôi. Không biết sông Hương còn lưu dấu ngày xưa của chúng tôi?. Ngày ấy, còn đầy vất vả bửa cơm sinh viên với nhiều bo bo, sắn…vậy mà tình yêu, niềm lãng mạn vẫn dâng đầy trong thế hệ sinh viên chúng tôi. Những chàng trai Quảng đi thi… thấy cô gái Huế mà đi không đành. Xứ Huế cảnh nên thơ mà nhiều người đẹp để lại dấu ấn không bao giờ quên của tuổi học trò. Sau hơn 30 năm xa Huế rồi mà tà áo trắng bên cầu Trường Tiền của những thiếu nữ Huế vẫn còn vương vấn mãi. Ngày đó vào những ngày chủ nhật, sinh viên chúng tôi thường giành thời gian để cả lớp đi thăm các danh thắng của Huế. Chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền, thôn Vĩ Dạ, cồn Hến, nhiều di tích danh thắng nổi tiếng khác ở Huế là nơi sinh viên chúng tôi yêu thích và giành nhiều thời gian tham quan. Vì thế ấn tượng Huế đã lưu dấu mãi trong tiềm thức của chúng tôi…
Sáng ngày 28/3 chúng tôi đã phải chia tay với Huế. Thời gian lưu lại với Huế tuy ngắn ngủi nhưng những kỷ niệm về chuyến du lịch Huế thật khó phai mờ. Sương trắng như giải lụa bồng bềnh dăng dăng bên cầu Trường Tiền đưa đến cho chúng tôi cảm giác say mê đến lạ như thể câu thơ năm nào của thi sĩ Hàn Mạc Tử viết về xứ Huế: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai có đậm đà?” Riêng tôi trong một buổi sáng đẹp trời như vậy, tôi vẫn mong một ngày rất gần sẽ được trở lại xứ Huế.
Và trong niềm mơ ước của chúng tôi, khi nghĩ về bước phát triển của du lịch Huế chúng tôi rất tin vào bước phát triển của du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Bởi Huế là khâu đột phá, tạo đà tạo thế cho du lịch trong vùng miền Trung - Tây Nguyên phát triển. Bài học kinh nghiệm từ định hướng phát triển du lịch của Huế sẽ được các tỉnh, thành phố miền Trung nhân rộng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương nằm trên “Con đường Di sản miền Trung” đang thu được những bước tiến mới. Con đường kết nối vùng miền của du lịch các tỉnh, thành có di sản thế giới sẽ hướng đến điều đó.