ClockThứ Tư, 10/06/2015 07:25

Yếu liên kết, thiếu nhân lực

TTH - Thủy Thanh là địa phương có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, việc phát triển du lịch ở các di tích được nâng lên tầm mới. Song, vẫn cần nhiều yếu tố để khai thác hết tiềm năng, nhất là việc quảng bá, giới thiệu và nguồn nhân lực được tập huấn về du lịch.

Khách du lịch đến thăm cầu ngói Thanh Toàn

Diện mạo mới

Từ khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia, lượng khách đổ về Cầu ngói Thanh Toàn ngày một đông, nhất là vào thời điểm lễ hội và mùa nắng nóng. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 100 lượt khách, nhiều nhất là khách quốc tế. Điều này đã tạo điều kiện cho du lịch địa phương phát triển, nhiều dịch vụ đi kèm được mở ra, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã.
Năm 2002, tại Festival Huế Chợ quê ngày hội đầu tiên được tổ chức ở cầu ngói Thanh Toàn thu hút 10.000 lượt du khách và đến Festival Huế 2014, con số này tăng lên 55.000 lượt khách. Trải qua các kỳ Festival, vấn đề phát triển du lịch ở Thủy Thanh được các cấp ban ngành quan tâm, đầu tư. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, sau khi được công nhận, chính quyền địa phương đưa các di tích trên địa bàn xã vào quảng bá du lịch, giới thiệu cho du khách. Các cơ quan, ban ngành cũng quan tâm, hỗ trợ việc bảo tồn và phát triển du lịch. Năm 2004, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn của thị xã Hương Thủy xây dựng được nhà trưng bày nông cụ biến nơi đây trở thành một điểm nhấn thu hút du khách. Nhờ sự đầu tư của tỉnh và thị xã Hương Thủy, xã Thủy Thanh làm được một tuyến đường mới và sửa chữa, nâng cấp hai tuyến đường, tạo giao thông thuận lợi cho khách từ thành phố Huế về. Vấn đề quy hoạch các bãi giữ xe cũng được quan tâm, chỉ đạo.
Thủy Thanh còn có hai di tích cấp quốc gia khác là phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê và một di tích cấp tỉnh là đình làng Thanh Thủy Chánh. Tại các di tích này, Nhà nước cũng quan tâm đến vấn đề trùng tu, sửa sang và bước đầu hình thành liên kết các tour tuyến kết hợp với cầu ngói Thanh Toàn tạo thành tour du lịch đa dạng, mở ra cơ hội để du khách khám phá về nét đẹp làng quê, kiến trúc và lịch sử. Ông Lê Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho rằng, Thủy Thanh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. “Nhận thức về du lịch của người dân nơi đây dần tốt hơn, thể hiện ở việc họ am hiểu các di tích để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và học cách làm du lịch. Họ cũng phục hồi và phát triển các trò chơi dân gian như bài chòi để hút khách. Với lãnh đạo địa phương, sự chuyển động nhận thức là điều thấy rõ, bằng chứng là 3 kỳ fetival vừa qua, người dân là đơn vị tổ chức chính thay vì phối hợp với thị xã như trước đây”, ông Chung phấn khởi.
Yếu liên kết, thiếu nhân lực
Tuy ngành công nghiệp “không khói” được định hình, nhưng nhìn chung tiềm năng du lịch nơi đây vẫn chưa được khai thác hết. Ngoài cầu ngói Thanh Toàn, các di tích còn lại thường xuyên vắng du khách. Ông Tôn Thất Cừ, người quản lý di tích phủ thờ Tôn Thất thuyết chia sẻ: “Hầu như khách tập trung đông ở Cầu ngói Thanh Toàn, nhiều khi cả tháng không có một lượt khách về đây. Nhiều du khách khi về Cầu ngói Thanh Toàn cũng “quên” dừng lại khám phá đình làng Thanh Thủy Chánh. “Có ngày 5-7 lượt khách về Cầu ngói ghé vô tham quan, chụp ảnh, nhưng cũng có ngày không có một ai”, ông Trần Duy Yến, người quản lý, trông giữ đình làng Thanh Thủy Chánh cho biết.
Anh Nguyễn Du, hướng dẫn viên tự do đang dẫn đoàn khách nước ngoài về tham quan du lịch ở Cầu ngói Thanh Toàn tâm sự: “Chúng tôi dẫn tour theo yêu cầu của khách vì hình ảnh cầu ngói đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Các địa điểm kia việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch còn yếu nên khách chưa biết đến”. Dạo quanh các điểm di tích, chỉ có cầu ngói Thanh Toàn và phủ thờ Tôn Thất Thuyết có bia giới thiệu di tích, riêng ở phủ thờ Tôn Thất Thuyết, tấm bia này cũng được đặt ở trong khuôn viên khu di tích, chỉ những ai vào tham quan mới có thể xem được. Trên các trang mạng xã hội, các nhóm phượt, tổ chức du lịch cũng chỉ nói nhiều về cầu ngói Thanh Toàn, ít nhắc đến các di tích còn lại. Trò chuyện với các sinh viên du lịch đang theo học ở Huế, nhiều người trong số họ cũng ít biết ba di tích còn lại của Thủy Thanh.
Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Thủy trăn trở, một khó khăn nữa trong phát triển du lịch ở các địa phương, như Thủy Thanh là thiếu nguồn nhân lực có khả năng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Ông Toàn dẫn chứng: “Ở cấp thị xã chỉ có 1 chuyên viên phòng VHTT thị xã chuyên về du lịch nhưng đảm nhiệm rất nhiều việc. Ở xã Thủy Thanh, việc tập huấn nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng là rất cần thiết, bởi họ đang thiếu những người có kinh nghiệm làm du lịch”. Ông Hòa cũng thừa nhận, công tác nhân sự về du lịch là cái khó của địa phương, ngay việc tập huấn cho những người quản lý, trông coi các di tích không dễ dàng do nguyên nhân chủ quan từ phía họ. Cũng theo ông Hòa, địa phương đang tổ chức nhân sự thành lập hợp tác xã du lịch Thanh Toàn nhằm quản lý và khai thác hoạt động du lịch ở địa phương và sẽ cố gắng công tác tuyên truyền, quảng bá. Mong muốn được các cấp, ban ngành quan tâm tập huấn cách làm du lịch để những di tích ở Thủy Thanh trở thành một địa điểm hấp dẫn với du khách.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top