ClockThứ Tư, 04/09/2024 06:28

Du lịch Huế “hút” khách dịp lễ 2/9

TTH - Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các di tích, điểm tham quan, du lịch tại Huế thu hút rất đông du khách. Với nhiều tour tuyến và hoạt động trải nghiệm được ngành du lịch cùng các địa phương tổ chức, điểm chung mà nhiều du khách chia sẻ trước khi rời Huế là ấn tượng và thêm yêu mảnh đất này.

Cung ứng thêm cho ngành du lịch hơn 550 cử nhânNhiều vị trí việc làm cho sinh viên du lịchSinh viên, học sinh thi sáng kiến để giảm rác thải trong kinh doanh du lịch

 Đường phố Huế đông đúc hơn khi thu hút du khách đến du lịch dịp lễ 2/9. Ảnh: Lê Hoàng

Thu hút du khách

So với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm ngoái, dịp lễ năm nay, lượng khách đến Huế tăng mạnh. Thống kê từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong 4 ngày từ 30/8 - 2/9, đã có gần 98.900 lượt khách đến tham quan các di tích; riêng di tích Hải Vân Quan là hơn 14.600 lượt khách. Doanh thu du lịch là 4,75 tỷ đồng (trong đó ngày 2/9 miễn vé di tích cho 66.000 lượt khách).

Cùng với các điểm di tích, rất nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút được đông đảo du khách, thậm chí “cháy” phòng lưu trú do lượng khách đến Huế tăng cao. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc cho biết, hoạt động đón khách tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, homestay trên địa bàn huyện với công suất sử dụng 100% số lượng phòng, khách lưu trú tương đối đông, nhiều cơ sở không đủ số lượng phòng để phục vụ. Ước tính lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện trong dịp này là hơn 41.600 lượt khách, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2023 (37.852 lượt khách); trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 6.850 lượt, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt hơn 34.770 lượt khách, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2023. Khách lưu trú ước đạt hơn 13.700 lượt khách, tăng 6,92% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sức hút của du lịch Huế năm nay rất đáng mừng. Theo báo cáo nhanh tình hình hoạt động du lịch trong dịp lễ Quốc khánh 2/9/2024, tổng lượng du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 130.000 lượt (tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 132 tỷ đồng (tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2023). Khách lưu trú ước đạt 65.000 lượt (tăng 77,7% so với dịp lễ 2/9/2023), trong đó có khoảng 16.000 lượt khách quốc tế (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất bình quân phòng các khách sạn đạt khoảng 64%. Riêng các ngày 31/8, ngày 1 và 2/9, công suất phòng của nhiều cơ sở lưu trú đạt trên 80%. Hầu hết các khách sạn ở trung tâm TP. Huế, khách sạn nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá và suối thác, các homestay trên địa bàn TP. Huế, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới gần như đã đầy khách đặt phòng trong 3 ngày này.  

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, các điểm du lịch nghỉ dưỡng suối thác thu hút lượng khá lớn du khách. Điển hình như khu Bạch Mã Village (Phú Lộc) đón khoảng 1.500 khách/ngày, khu YesHue Eco Thác Mơ (Nam Đông) đón 500 khách/ngày… Xu hướng của du khách trong dịp lễ này là đi theo nhóm gia đình bằng phương tiện ô tô cá nhân và tàu hỏa từ các địa phương như: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh phía nam có nhu cầu nghỉ ngơi, trải nghiệm khám phá văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên địa phương.

Khách quốc tế đến tham quan di tích ở Huế dịp lễ 2/9 

Khách ấn tượng với du lịch Huế

Trò chuyện với nhiều du khách đến Huế dịp lễ, hầu hết đều bày tỏ sự thích thú, ấn tượng với nét văn hóa, cảnh quan, con người xứ Huế. Chị Bạch Thị Vân Anh, du khách đến từ Bình Thuận chia sẻ: “Mình nghe về Huế qua thơ, ca, nhạc, họa nhiều và khi đến Huế lần này, quả thực thấy Huế rất thơ mộng và dễ thương từ cảnh đẹp đến con người, ẩm thực Huế ngon mà rẻ”.

Theo hai bạn trẻ có chuyến “xê dịch” đến Huế 4 ngày 3 đêm - Nguyễn Thiện Quý và Trần Ngọc Thiên Ân, Huế có đa dạng các loại hình du lịch, nhiều điểm đến cùng nhiều món ngon ẩm thực mà phải cần thời gian rất dài, mới có thể khám phá hết. “Tụi em di chuyển bằng xe máy, tham quan từ Đại Nội Huế, các di tích sau đó đến làng hương Thủy Xuân, các làng nghề truyền thống và nét văn hóa độc đáo các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Thực sự ngỡ ngàng vì du lịch Huế lại có quá nhiều điều độc đáo và thú vị đến thế. Chắc chắn, có thời gian, chúng em cũng sẽ quay trở lại Huế”.

Đánh giá từ ngành du lịch và các địa phương, nhìn chung, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ 2/9 năm nay cơ bản được tổ chức an toàn, đảm bảo an ninh trật tự; chất lượng du lịch, dịch vụ du lịch nâng cao, đáp ứng nhu cầu số lượng lớn khách du lịch đến với Thừa Thiên Huế. Do lượng khách du lịch tập trung đông tại một số điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là trong ngày 2/9, nên có xảy ra áp lực về giao thông trong một số thời điểm tại một số tuyến đường trung tâm thành phố, hoặc cung ứng các dịch vụ.

Tuy vẫn còn một vài phản ánh của du khách về vấn đề giá dịch vụ khi đi du lịch, nhưng nhờ sự vào cuộc nhanh chóng từ ngành du lịch và các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương nên đã tạo được sự yên tâm cho du khách. Qua công tác đón tiếp, phục vụ khách và những góp ý từ du khách trong dịp lễ lần này, ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng giải pháp khắc phục những điểm còn tồn tại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch để ngày càng thu hút nhiều du khách đến Huế và quay trở lại Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc

TIN MỚI

Return to top