|
Khách du lịch mua sắm và trải nghiệm ẩm thực |
“Hưởng lợi” từ du lịch
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2024 của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 49,3%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 17,8%.
Bên cạnh doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống thì doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 211,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có mức tăng trưởng ấn tượng (tăng 19,6%).
Theo đánh giá từ đơn vị chức năng, các hoạt động giải trí như tham quan, vui chơi và giải trí đều được du khách quan tâm và chi tiêu. Các nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, dịch vụ spa… thường trở thành điểm đến phổ biến cho du khách muốn thưởng thức và nghỉ ngơi. Sự đóng góp tích cực của ngành du lịch cũng góp phần phát triển các ngành kinh doanh liên quan như vận tải, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cung cấp. Hệ thống vận tải công cộng và cá nhân cũng phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách.
Trên thực tế, những con số tăng trưởng về lượng khách đến Huế đã tác động mạnh vào bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Mới đây, trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày (từ 27/4 - 1/5), Thừa Thiên Huế thu hút khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng. Quan sát tại các quán ăn, điểm mua sắm, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ spa… đều đông kín khách. Điều này đã mang lại nguồn thu rất lớn cho các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ngay những quán cà phê, quán ăn nhỏ cũng “hưởng lợi” từ nguồn khách du lịch. Bà Trần Thị Bê, chủ một quán ăn ở TP. Huế chia sẻ: “Dịp lễ, cuối tuần, khách du lịch tới Huế nhiều nên quán thường đông hơn. Bán hàng ăn cũng thuận lợi hơn”.
Các chuyên gia du lịch cho biết, một trong những cách mà ngành du lịch đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa là thông qua việc tạo ra nhu cầu tiêu dùng địa phương. Thông thường, khách du lịch thường muốn trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và sản phẩm địa phương khi họ đến một địa điểm mới, điều này thúc đẩy nhu cầu mua sắm cho các sản phẩm địa phương như đồ thủ công, đặc sản và quà lưu niệm...
Hợp lực để phát triển
Sự đóng góp tích cực của ngành du lịch đã đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Nhưng đó không phải là câu chuyện một chiều. Khi các dịch vụ tiêu dùng, vui chơi, giải trí, mua sắm… hấp dẫn và thuận lợi, cũng là điều kiện để thu hút khách đến và giữ chân khách ở lại, tác động giúp du lịch phát triển. Nói cách khác, đó là mối quan hệ hai chiều, cần sự hợp lực để cùng nhau phát triển.
Thực tế, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, dù ngành du lịch chưa nhận được phản ánh từ du khách, song, khi làm một cuộc khảo sát nhỏ với du khách, nhiều khách đến Huế vẫn chưa hài lòng khi một số điểm mua sắm, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi tăng giá dịch vụ. Một số điểm kinh doanh dịch vụ vì lượng khách quá đông nên có thái độ phục vụ khách chưa được tốt, thậm chí chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng chưa được cao. Điều này đã tạo ra điểm trừ từ du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Du lịch sẽ tạo ra giá trị để thúc đẩy các ngành phát triển. Muốn đạt được điều này, không chỉ chính quyền địa phương, ngành chức năng, mà mỗi người làm du lịch, mỗi người dân, mỗi cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ phải là một đại sứ du lịch, hợp lực để lan tỏa giá trị về mảnh đất, con người xứ Huế.
Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, ăn uống... cần nghiên cứu, có kế hoạch triển khai các hoạt động kích cầu, marketing để thu hút khách, nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Ngoài ra, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhằm đảm bảo phục vụ khách được tốt nhất.
Về lâu dài, chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng cũng cần tiếp tục kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ; mở rộng các dịch vụ mà khách có nhu cầu. Ngành du lịch phải phối hợp với các ngành, trong đó có ngành công thương tạo sự đa dạng của hàng hóa tiêu dùng mới lạ. Quà lưu niệm tại địa phương phải được hết sức quan tâm, đầu tư, tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị quỹ hàng hóa phù hợp với từng khách hàng trong nước và nước ngoài; hàng hóa phải luôn luôn đổi mới, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, phải lắng nghe ý kiến của khách một cách cầu thị và tư duy đổi mới.