ClockThứ Bảy, 13/05/2023 09:05

Kích cầu du lịch từ Festival nghề truyền thống Huế

TTH - Festival Nghề truyền thống Huế 2023 có cách tiếp cận đa chiều, dành nhiều “thời lượng” cho phần hội, nên đã tạo ra những nét tươi mới, độc đáo và hấp dẫn.

Khoảng 300 ngàn lượt khách tham quan và trải nghiệm Festival Nghề truyền thống Huế 2023Festival Nghề truyền thống Huế 2023: Sôi động, ý nghĩa và hiệu quảĐoàn cà kheo Namur: Chúng tôi sẵn sàng quay lại Huế biểu diễn Chen chân không lọt khi về “Chợ quê ngày hội”

leftcenterrightdel
 Lễ hội đường phố tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Ảnh: HOÀNG LÊ

Tiếp cận theo hướng đa diện

Số liệu từ Sở Du lịch, trong 8 ngày diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2023, kết hợp với các ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 120 ngàn lượt, tăng 26% so với dự ước ban đầu (95 ngàn lượt); khách lưu trú đạt 65,3 ngàn lượt (trong đó, có khoảng 25,5 ngàn lượt khách quốc tế), tăng 17,6% so với dự ước. Doanh thu từ du lịch đạt 194 tỷ đồng, tăng 25% so với dự ước ban đầu. Thống kê riêng, lượng khách vào tham quan các điểm di tích trong các ngày từ 29/4 - 4/5 đạt 78,7 ngàn lượt.

Đối với Festival Nghề truyền thống Huế 2023, ước tính có khoảng 300 ngàn lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội. Doanh thu từ các hoạt động của không gian làng nghề và ẩm thực ước đạt 20 tỷ đồng.

Tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, công viên Tứ Tượng và công viên Phan Bội Châu đã trở thành không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tôn vinh nghệ nhân nghề và làng nghề; các cơ sở nghề và làng nghề truyền thống trên toàn quốc gặp gỡ và tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm trong khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng công nghiệp và sáng tạo.

leftcenterrightdel
 Festival Nghề truyền thống Huế 2023 tiếp tục là nơi để tôn vinh làng nghề truyền thống

Sự tiếp cận rất mới của lễ hội năm nay là các chương trình nghệ thuật, sân khấu hoàn toàn mở; thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại và hệ thống khán đài mới được trang bị; sử dụng thực cảnh hiện hữu, không lắp đặt thêm các cấu kiện làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tuyệt tác của hai công trình mang dấu ấn lịch sử Huế. Các chương trình nghệ thuật được tổ chức sống động, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem.

Festival Nghề truyền thống Huế 2023 còn hướng đến sự sáng tạo bằng những lễ hội, sự kiện mới. Lễ hội quảng diễn đường phố là một hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia biểu diễn qua các tuyến đường chính của thành phố. Đặc biệt, quảng diễn có sự tham gia của đoàn nghệ thuật cà kheo đến từ Vương quốc Bỉ.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đánh giá, lễ hội tạo được những ấn tượng từ những nét đổi mới, góp phần lớn vào việc thu hút khách du lịch. Festival đã duy trì và nâng tầm những hoạt động, tạo được thương hiệu của lễ hội nhiều năm qua. Sự tiếp cận đa diện, giúp Festival Nghề truyền thống Huế 2023 vừa tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, vừa là chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, tạo ra không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu. Cách thể hiện, tổ chức gần gũi hơn với khán giả, công chúng, để du khách có thể hòa vào lễ hội một cách dễ dàng nhất.

Hướng đến giá trị kinh tế cao hơn

Doanh thu của các cơ sở làng nghề tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2023 tăng cao so với mọi kỳ. Nhiều kỷ lục được xác lập, nhiều chương trình lần đầu tiên được tổ chức, lượng khách trong nước và quốc tế đến Huế tăng cao...

Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đã lan tỏa niềm tự hào Huế và đánh thức được sự thích thú, ủng hộ với các sản phẩm nghề truyền thống của Huế cũng như các địa phương khác. Từ đó, kích cầu sử dụng, mua sắm của cộng đồng về các sản phẩm truyền thống; kích cầu du lịch để festival mang lại giá trị kinh tế cao hơn, phát triển nghề truyền thống, quảng bá văn hóa, tạo điều kiện để người dân Huế kinh doanh và có thu nhập tốt hơn.

Ông Võ Lê Nhật phân tích, xét về giá trị kinh tế, lễ hội không chỉ dừng lại là quảng diễn, giới thiệu quảng bá sản phẩm, mà là kinh doanh, làm kinh tế từ lễ hội. Doanh thu bán hàng của các cơ sở tham gia festival đều đạt kết quả cao; trong đó, tổng doanh thu và tổng đơn hàng của các cơ sở nghề trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đạt hơn 15 tỷ đồng, tăng 35% so với Festival Nghề truyền thống Huế 2019.

Ông Nguyễn Đắc Nguyên Xuân, Công ty TNHH MTV Huế Xuân - Lê Gia cho biết, đây là lần thứ 2 công ty tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Festival Nghề truyền thống Huế. Trong tuần lễ tham gia, đơn vị đạt doanh thu 4,8 tỷ đồng. Điều đáng mừng, nhiều du khách đến với lễ hội, bắt gặp được sản phẩm và ra quyết định mua sản phẩm dù giá thành cao.

“Festival Nghề truyền thống Huế là nơi giới thiệu những tinh hoa nhất của sản phẩm làng nghề, thủ công truyền thống. Có thể trong những ngày lễ hội không bán được nhiều sản phẩm, nhưng khi quảng bá tốt sẽ tạo ấn tượng với khách và họ sẽ trở lại khi có nhu cầu. Sẽ không chỉ 1- 2 hợp đồng mà có thể nhiều giá trị kinh tế lớn hơn khi sản phẩm của làng nghề phù hợp thị trường và tạo được thương hiệu. Khi đó, Huế sẽ trở thành trung tâm của những tinh hoa làng nghề”, ông Nguyễn Đắc Nguyên Xuân cho hay.

Ông Võ Lê Nhật khẳng định, TP. Huế sẽ không ngừng nâng cao năng lực tổ chức, thể hiện tính chuyên nghiệp từ các khâu xây dựng kịch bản lễ hội, định hướng mẫu mã và chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống, đến các giải pháp truyền thông sự kiện và xúc tiến quảng bá nhằm tiếp cận đến cộng đồng cũng như mang đến những kỳ lễ hội hấp dẫn, chất lượng, công phu và hoành tráng.

Festival Nghề truyền thống Huế phải thúc đẩy hơn nữa thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương. Muốn “giữ chân” du khách với mảnh đất Cố đô, cần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trên địa bàn nhằm góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản

Du lịch là ngành công nghiệp, dĩ nhiên trước hết mang lại lợi nhuận, đóng góp lớn trong ngành kinh tế của tỉnh. Song hành với đó cũng là quảng bá các di sản thiên nhiên, văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Đây cũng là cách quảng bá cho một vùng đất tươi đẹp, thân thiện, giàu tri thức và tiềm năng đến với cả nước và thế giới.

Du lịch đồng hành cùng văn hóa di sản
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top