|
Khách quốc tế đến Huế du lịch |
Lượt khách tăng, nhưng mức chi tiêu chậm tăng
Số liệu thống kê từ ngành du lịch cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt hơn 2,4 triệu lượt, tăng 61% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 746.000 lượt, tăng hơn 629% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 5.470 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng về số lượt khách là một trong những tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, bức tranh du lịch Huế vẫn còn những gam màu chưa sáng. Nếu số ngày lưu trú trung bình là 1,8 ngày, thấp hơn so với khoảng 10 năm trước (2 ngày) thì mức chi tiêu trung bình của khách chưa cao, khoảng 2,1 triệu đồng (số liệu thống kê vào tháng 6/2022).
Số ngày lưu trú và mức chi tiêu của du khách là hai chỉ tiêu cho thấy sự phát triển có chiều sâu hay không của mỗi điểm đến. Đối với du lịch Cố đô, hai chỉ tiêu trên luôn là vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, có một thực tế là việc du khách chi tiêu trung bình bao nhiêu khi đến Huế là con số ít được đề cập trong các số liệu thống kê của ngành du lịch Cố đô. Dù có các khảo sát, điều tra, nhưng thống kê cũng chưa chi tiết, cụ thể với từng thị trường khách.
Theo các chuyên gia về du lịch, sau đại dịch COVID-19, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam nói chung có tăng, nhưng còn chậm. Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022, tạo điều kiện để khách quốc tế tăng trưởng trở lại. Theo Niên giám thống kê 2022, do Tổng cục Thống kê phát hành, chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhẹ.
Những du khách chi tiêu mạnh tay nhất khi đi du lịch Việt Nam không phải đến từ các quốc gia châu Âu, Mỹ hay Úc, mà là du khách đến từ Philippines. Khách đến từ quốc gia ASEAN này đã tăng gấp đôi chi phí khi du lịch tại Việt Nam, từ mức 1.124,7 USD (năm 2017) lên mức 2.257,8 USD (năm 2019). Tiếp đến là du khách đến từ Bỉ với 1.995,3 USD, Hoa Kỳ 1.709,7 USD, Úc 1.146,5 USD, Đan Mạch 1.383,5 USD, Na Uy 1.346,2 USD… Trong các mức chi tiêu của khách, tiền thuê phòng chiếm nhiều nhất với hơn 30%, tiếp đến là ăn uống, chiếm 21,9%, đi lại tại Việt Nam 16%, tham quan 9% và mua sắm hàng hóa 12,4%.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch khác nhau, khá đầy đủ so với các địa phương cả nước. Bài toán đặt ra là làm sao để thu hút khách đến Huế tăng mạnh, tăng chi tiêu của khách khi du lịch Huế luôn được đặt ra và tìm cách tháo gỡ. Hiện, ngành du lịch tỉnh cũng đang khảo sát, điều tra thông số, mức chi tiêu của khách để từ đó tiếp tục có các giải pháp phù hợp.
Kích thích nhu cầu chi tiêu của khách
Tại hội nghị “Kết nối Du lịch 2023”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, những năm qua, Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì du lịch Thừa Thiên Huế còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được với nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, sức hút và mức chi tiêu của khách cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, hiện nay nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Điều này đồng nghĩa, việc giữ chân khách ở lại lưu trú, trải nghiệm, mua sắm là giải pháp cần hướng đến.
Có nhiều yếu tố kích thích chi tiêu của khách. Ngoài chi phí tham quan, lưu trú, Huế có lợi thế về ẩm thực, đặc sản trong khi ăn uống, mua sắm hàng hóa tại các điểm đến là nhu cầu của hầu hết khách du lịch. Kinh nghiệm của thế giới là những sản vật địa phương, đồ lưu niệm, thời trang, hóa mỹ phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác rất được khách quan tâm. Vì thế, loại hình du lịch mua sắm ra đời, thu hút rất nhiều khách. Nhiều nước trong khu vực đã tổ chức rất tốt loại hình du lịch này như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Đây là cơ sở để Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư lĩnh vực này, phát triển các trung tâm, dịch vụ mua sắm đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu của khách. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch, thương mại cần quan tâm đến việc tổ chức hệ thống các dịch vụ phục vụ khách, kinh doanh sản phẩm hàng hóa dành cho khách.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc, ngành du lịch tỉnh cần quan tâm điều tra cụ thể mức chi tiêu của từng thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế để có giải pháp kích thích chi tiêu của khách; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và có các chương trình kích cầu du lịch để hút khách.