ClockThứ Năm, 19/09/2024 06:52

Mở hướng khai thác khách lẻ, phát triển du lịch

TTH - Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng đi du lịch của du khách có nhiều thay đổi. Khách du lịch tự sắp xếp chuyến đi theo nhóm lẻ (không đi theo tour) ngày càng nhiều đòi hỏi những người làm du lịch, các doanh nghiệp cần mở hướng khai thác khách lẻ để phát triển du lịch.

Thu hút du khách Australia đến Huế Du khách đồng hành cùng thành phố xanhQuảng bá du lịch 3 tỉnh, thành miền Trung Việt Nam tại Úc

 Khách du lịch mua sắm ở chợ Đông Ba

Tiềm năng từ nhóm khách lẻ

Chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, tổng lượng du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 130.000 lượt (tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023). Đáng chú ý, theo khảo sát của ngành du lịch tỉnh, xu hướng của du khách là đi theo nhóm gia đình bằng phương tiện ô tô cá nhân và tàu hỏa từ các địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam và một số tỉnh phía nam, có nhu cầu nghỉ ngơi trải nghiệm khám phá văn hóa, ẩm thực và cảnh quan thiên nhiên.

Không lạ khi kết quả khảo sát của ngành du lịch cho kết quả trên. Trước kỳ nghỉ lễ, khi trao đổi với Hội Lữ hành tỉnh, bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế chia sẻ, lượng khách đặt tour trong dịp lễ hiện nay không quá cao. Khách có xu hướng đi du lịch tự túc, trải nghiệm những hành trình ngắn ngày.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch của du khách có nhiều thay đổi, nổi bật là xu hướng du lịch tự túc, khách du lịch tự sắp xếp chuyến đi theo nhóm lẻ, không đi theo tour. Cuối tháng 12/2023, trong báo cáo kết quả điều tra thống kê về thông tin khách du lịch Lào Cai năm 2023 được UBND tỉnh này phê duyệt cho thấy, du lịch tự sắp xếp chuyến đi theo nhóm lẻ (không đi theo tour) chiếm 66,53%, khách du lịch đi theo tour thấp hơn (chiếm 33,47%). Tại các địa phương, tuy con số này có những khác biệt, song, một thực tế chung là xu hướng khách đi du lịch tự túc theo nhóm lẻ đang tăng.

Làm một cuộc phỏng vấn ngắn các du khách tại các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch suối thác tại Phú Lộc, A Lưới dịp lễ 2/9 vừa qua, rất nhiều câu trả lời mà chúng tôi nhận được là khách tự sắp xếp cho chuyến đi của mình theo dạng tự túc. Họ đi xe cá nhân, chủ động lịch trình, linh hoạt theo sở thích của các thành viên. Với con số lượng khách là 10.000 lượt ở huyện A Lưới hay 41.627 lượt tại huyện Phú Lộc dịp nghỉ lễ 2/9 cho thấy, biết cách khai thác nhóm khách lẻ sẽ trở thành tiềm năng để phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, xu hướng du lịch tự túc đang phổ biến hơn và ưa chuộng các chuyến đi ngắn ngày, trải nghiệm được nhiều nơi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rất nhiều người có phương tiện cá nhân là ô tô, họ thuận lợi hơn trong việc sắp xếp hành trình. Đó cũng là những thay đổi mà ngành du lịch, các doanh nghiệp phải nghiên cứu để khai thác.

Mở hướng để phát triển

Có nhiều điều kiện để du lịch tự túc theo nhóm khách lẻ phát triển. Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, các nền tảng mạng xã hội cũng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi du lịch, trải nghiệm cho du khách từ việc tìm kiếm điểm du lịch, ăn uống, đặt phòng khách sạn… Theo các chuyên gia du lịch, sự thuận lợi và phát triển của công nghệ thông tin, các ứng dụng du lịch và mạng xã hội cùng với tính chủ động khi đi du lịch tự túc chính là yếu tố thuận lợi để du khách tự sắp xếp chuyến đi theo nhóm lẻ.

Khi xu hướng du lịch tự túc, du lịch theo nhóm khách lẻ lên ngôi, vị trí, vai trò của các doanh nghiệp lữ hành có thể bị suy giảm nếu không biết cách thích ứng. Bởi lẽ, trước đây, sản phẩm tour trọn gói vốn là chủ lực của các công ty lữ hành. Điều đó đồng nghĩa, các doanh nghiệp phải mở hướng khai thác dòng khách này nhằm phát triển du lịch.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp lữ hành đã chủ động đổi mới phương thức tiếp cận khách hàng, thiết kế các gói combo (kết hợp nhiều sản phẩm) vé máy bay, các phương tiện vận tải, khách sạn hoặc mở dịch vụ đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn hỗ trợ du khách. Một số đơn vị cũng khảo sát, tìm kiếm, cho ra đời các bộ sản phẩm mới phù hợp với dòng khách lẻ, từ đó có sự điều chỉnh tour, tuyến phù hợp, tăng các hoạt động trải nghiệm trong hành trình du lịch của khách, nâng cao giá trị văn hóa bản địa, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển sang hệ sinh thái sản phẩm gần gũi hơn và tương tác trên các nền tảng mạng xã hội...

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng cho biết, trước xu hướng của du khách, doanh nghiệp triển khai khai thác các dịch vụ lẻ theo nhu cầu của khách, từ các hỗ trợ dịch vụ đặt xe, từng trải nghiệm của khách. Khách có nhu cầu gì, doanh nghiệp linh hoạt đáp ứng.

Các doanh nghiệp cũng liên kết với các điểm du lịch để đầu tư, hoàn thiện các trải nghiệm cho du khách một cách bài bản với các mức chi phí hợp lý, đưa ra các bộ sản phẩm mới phù hợp với thị trường để thu hút du khách trải nghiệm, nhất là các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động du lịch để khách dễ dàng tiếp cận và đặt dịch vụ.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch. Ngành du lịch cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan đang cố gắng tăng tốc để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU đã được Tỉnh ủy ban hành.

Gắn kết văn hóa và du lịch, tăng tốc phát triển
Ba cây chụm lại...

Câu chuyện về liên kết để phát triển được nhắc đến khi cách đây khoảng hơn 20 năm, 3 địa phương gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề: “Ba địa phương - một điểm đến”. Và rồi mới đây, hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức, cũng đã thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng liên kết và giải pháp chung về phát triển du lịch vùng.

Ba cây chụm lại
Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc hợp tác với các đối tác để tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính chất xanh và bền vững, từ đó nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với Huế là giải pháp thiết thực mà ngành du lịch Cố đô lựa chọn.

Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

TIN MỚI

Return to top