ClockThứ Tư, 05/11/2014 14:33

Bia đá “Đông Gia Kiều” qua nhật ký nghiên cứu Huế

TTH - Sinh ra và lớn lên ở Cố đô Huế, một thành phố bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ gắn với di sản, qua nhiều lần khảo sát thực địa, tôi thấy người xưa khi xây dựng công trình đều xem xét rất kỹ phong thủy địa lý, đó là mối quan hệ giữa công trình với thiên nhiên và mối quan hệ xã hội đương thời.

Bia "Đông Ba Kiều" chụp ngày 27-5-1998

Di sản Huế đối với tôi là cái nhìn tận mắt. Khi nghiên cứu văn bia trên đất Huế, tôi tiếp xúc thẳng với hiện vật rồi ghi chép, đo đạc, dập chữ. Riêng những bia đá đã định vị những chiếc cầu cổ, tôi ghi chép vào “Nhật ký Nghiên cứu Huế” để làm tư liệu phục vụ cho nhiều đối tượng sau này. Cụ thể bia “Đông Gia kiều” (cầu Đông Gia) còn gọi là cầu Đông Ba, tôi đã ghi vào Nhật ký Nghiên cứu Huế đề ngày 05-11-1992. Bia cao 55cm, rộng 38cm, dày 11cm; văn bia khắc ba chữ Hán “Đông Gia Kiều”, bên trái có dòng chữ “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo” (cầu được làm vào một ngày tốt tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị nguyên niên [1841]). Cầu Đông Ba theo nhật ký qua từng năm tháng:

27-05-1998, ảnh chụp bia “Đông Gia Kiều”.

18-09-1999, quay (phim) bia “Đông Gia Kiều”. Chụp ảnh kỷ niệm (1).

14-08-2012, bổ sung và biên tập bản thảo luận văn “Tìm hiểu hệ thống cầu cống tại Kinh đô Huế dưới thời Nguyễn” của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Trang. Ảnh “Đông Gia Kiều” (ảnh tư liệu của Hồ Vĩnh)

Do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị xây dựng cầu mới, tôi chụp ảnh chiếc cầu này. Nhật ký ghi:

11-3-2013, chụp ảnh cầu Đông Ba, tên chữ Hán trên tấm bia đá dựng ở đầu cầu: “Đông Gia Kiều” (cầu Đông Gia)

Sau đó tôi đọc thông báo (về việc phân luồng giao thông trong quá trình thi công cầu Đông Ba) cho biết, cầu Đông Ba khởi công xây dựng vào ngày 05-04-2013 (Báo Thừa Thiên Huế, 28-03-2013, Tr4). Khi tháo chiếc cầu cũ bằng sắt (đã xuống cấp), tôi trực tiếp đến hiện trường tìm bia đá “Đông Gia Kiều” nơi đơn vị đang thi công (Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt Việt Nam) nhưng bảo vệ không cho vào với lý do bảo đảm an toàn lao động công trình. Đứng ngoài hàng rào bảo vệ công trình, tôi hỏi một công nhân về tấm bia “Đông Gia Kiều” có giữ lại không thì họ trả lời không biết.

Mới đây Báo Tuổi trẻ (17-10-2014, Tr.17) có đăng bài “Làm cầu mới, vứt bỏ bia đá cổ” của Trọng Bình - Ngọc Hiển cho biết: “Trả lời về sự việc này, ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị chủ dự án cầu Đông Ba - nói: “Khi tháo dỡ cầu cũ, đơn vị thi công đã bứng tấm bia đá này cho vào kho và không dựng lại sau khi hoàn thành cầu, vì không còn phù hợp với cầu Đông Ba mới xây. Nếu đặt lại thì phải xem xét vị trí phù hợp, nhưng có đặt thì cũng không ai đọc, vì thế hệ mình mấy ai đọc được chữ Hán”.

Trước đây, bia “Đông Gia Kiều” đã được công bố trên các sách báo:

1. Hồ Vĩnh, “Những chiếc cầu cổ quanh Kinh thành Huế”, nghiên cứu Huế, tập 1, 1999, tr.270 – 273.

2. Phan Thuận An, “Kinh thành Huế”, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.250 – 251.

3. Hồ Vĩnh, “Dấu tích văn hóa Thời Nguyễn”, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr.117 – 125.

4. Nguyễn Thị Trang, “Tìm hiểu hệ thống cầu cống tại Kinh đô Huế dưới thời Nguyễn (1802 – 1945)”, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế, 2012, tr.42 – 43 (xem bảng thống kê và ảnh phụ lục bia “Đông Gia Kiều” được phóng lớn trên khổ giấy A4).

Liên quan đến tấm bia này, cần nhắc lại năm 1892 dưới đời vua Thành Thái cầu Đông Ba từ cầu gỗ làm lại cầu sắt. Nguyên trước đây bia “Đông Gia Kiều” dựng phía đầu cầu (như những chiếc cầu gỗ được dựng ở Huế) gần bờ sông. Nhưng sau khi làm cầu sắt, bia “Đông Gia Kiều” được dựng trên mố cầu để lưu lại dấu tích, chứng tỏ tiền nhân chúng ta rất có ý thức về bảo tồn di sản. Nay xây cầu mới, đơn vị thi công cho vào kho. Thiết nghĩ, nên bố trí chỗ thích hợp dựng lại bia đá cổ “Đông Gia Kiều” trên chiếc cầu mới xây dựng như trước đây như tiền nhân chúng ta đã làm.

Mới đây, trong đợt khảo sát thực địa ở cuối đường Vạn Xuân, phường Kim Long, TPHuế, chúng tôi tìm lại tấm bia cổ “Cửu Lợi Kiều” (cầu Cửu Lợi). Theo văn bia cho biết, cầu xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20 (1839). Mặc dù chiếc cầu cổ đã sập đổ từ lâu, nay đã làm cầu mới nhưng anh Nguyễn Tuấn, một người dân địa phương đã bảo vệ tấm bia cổ “Cửu Lợi Kiều” bằng cách làm nhà che bia bằng mái tôn để tránh mưa nắng, bảo vệ bia đá cổ được lâu dài.


1. Hồ Vĩnh, Bia đá cho đời – kịch bản phim tài liệu, 1999. Đạo diễn – quay phim Quý Hòa. HTV Huế ghi hình ngày 16 – 9 đến 18 – 9 – 1999. VTV3 phát hình phim tài liệu: Bia đá cho đời, buổi 21g50, ngày 02 – 12 – 1999. HVTV Huế phát lại buổi 13g20, ngày 14 – 12 – 1999 và buổi 20g10, ngày 31 – 10 – 2000.

Hồ Vĩnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top