ClockThứ Năm, 03/07/2014 05:33

Những di tích quí hiếm mới được phát hiện ở làng Dương Xuân Bắc - Bài 1: Khả năng tìm được tông tích Đại tư mã Ngô Văn Sở

TTH - Làng Dương Xuân ở phía Bắc phòng thành Huế được thành lập vào thế kỷ 18, tạm gọi làng Dương Xuân Bắc, để phân biệt làng Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ ở Nam sông Hương. Gần đây chúng tôi phát hiện một số di tích lịch sử quí hiếm, xin công bố để mong được sự góp ý của các nhà nghiên cứu.
Mộ Thành Hoang Ngô đại tướng của làng Dương Xuân Bắc

Vấn đề có một hay hai nhân vật lịch sử Ngô Văn Sở, từng một thời rộ lên ở Huế, qua cách đặt vấn đề của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Chúng tôi đã tiếp cận vấn đề từ năm 2001, đã điền dã ở làng Thuận Nhơn, tỉnh Quảng Trị, quê hương tướng Ngô Văn Sở (có con gái là bà Hiền Phi Ngô Thị Chính). Nhờ tư liệu lịch sử được phát hiện ở làng Thuận Nhơn, chúng tôi đã xử lý và đã đi đến kết luận có hai tướng Ngô Văn Sở: Vệ Úy Ngô Văn Sở làng Thuận Nhơn, từng gia nhập phong trào Tây sơn sau đó về hàng Nguyễn Vương (về sau là vua Gia Long), còn Đại tư mã Ngô Văn Sở, gốc làng Trảo Nha,Thạch Hà, Nghệ An… đã bị dìm chết ở sông Hương năm 1795, cùng với hai cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ, trong cuộc biến ở Phú Xuân do Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ chủ mưu. (Chúng tôi đã công bố kết quả nghiên cứu trong “Kỷ yếu HTKH “Phú Xuân – Thuận Hóa thời Tây Sơn” - Huế, tháng 12/2001”).

Gần đây nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đã về Thuận Nhơn nghiên cứu và đã công bố bài viết “Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở” (Tạp chí Sông Hương, 6/2013) có kết luận rằng có hai nhân vật Ngô Văn Sở khác nhau, nghĩa là thừa nhận kết quả nghiên cứu của chúng tôi năm 2001.

Vệ úy Ngô Văn Sở, một tướng Tây Sơn, về sau là nhạc gia của vua Minh Mạng thì đã có mộ phần, nhà thờ, hậu duệ khá nhiều ở Thuận Nhơn, còn Đại tư mã Ngô Văn Sở, một danh tướng thời Tây Sơn, góp phần quan trọng trong đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu [1789] thì chưa tìm được tông tích ở Huế nói riêng và nơi khác nói chung! Vì vậy, chúng tôi có ý tưởng tìm kiếm dấu tích của Đại tư mã Ngô Văn Sở ở Cố đô Phú Xuân.

Hé lộ từ những giả thiết

Sự kiện Triều Tây Sơn, triều Nguyễn ở Phú Xuân trị tội kẻ thù, rồi vứt xác, vứt hài cốt xuống Sông Hương là có thật. Người Việt có suy nghĩ “nghĩa tử nghĩa tận”, khi một người đã qua đời, dù người ấy là kẻ thù, người ta không nỡ để thân xác người chết phải “trôi sông lạc chợ” . Khi xác người xấu số trôi đến nơi vắng vẻ, không có người qua lại, người thân hoặc những người thân tín được thuê, hoặc những người có từ tâm, bí mật vớt xác những người xấu số để chôn cất. Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ không thể “cạn tàu ráo máng” với đồng liêu, từng là bạn chiến đấu một thời của hai ông, nên họ sẽ không “làm ngơ” trong việc có người bí mật an táng Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ, Đại tư mã Ngô Văn Sở bị phe họ giết. Hơn nữa, hai vị họ Bùi, Đại tư mã là thân bằng quyến thuộc của danh tướng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, tính đến hết thời Cảnh Thịnh vẫn còn có binh quyền, chắc chắn các vị này âm thầm ra lệnh vớt xác những người xấu số, bí mật chôn cất và dựng mộ tạm, tất nhiên có bảo vệ và có hương khói đàng hoàng. Chúng tôi nghĩ rằng, vợ chồng Bùi Thị Xuân sẽ táng ba vị trên ở gần nơi đóng tượng binh của nữ tướng họ Bùi. Thế thì đại bản doanh của bà Bùi Thị Xuân, khi ở kinh đô Phú Xuân, ở đâu?

Trong thời gian ở Phú Xuân quá ngắn, Tây Sơn sẽ tiếp quản những phủ Tập tượng thời Võ vương, Duệ vương. Khi xưng vương năm 1744, Võ vương đã biến phủ Tập tượng tả thành Điện Trường Lạc (khu vực có đình Xuân Giang hiện nay), còn phủ Tập tượng hữu (sau trở thành điện Voi Ré). Phủ tập tượng tả được di dời đến chỗ nào? Trong địa bạ của làng Dương Xuân Hạ (có từ thời Gia Long), vẫn ghi chép những khoảnh đất thuộc làng Dương Xuân ở bắc thành Huế [tạm gọi làng Dương Xuân Bắc], dẫu từ thế kỷ 18, khi Lê Quí Đôn viết về mặt hành chánh, làng Dương Xuân ở bờ Nam sông Hương không còn quản lý hành chánh những khoảnh đất thuộc làng Dương Xuân Bắc. Trong danh mục làng xã của sách Phủ biên tạp lục, chép thôn Dương Xuân (Bắc) thuộc về tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang. Phải chăng, ban sơ thôn Dương Xuân Bắc là những khoảnh đất sát phủ Tập tượng mới, do binh tướng cùng gia đình của phủ Tập tượng tả ở gò Dương Xuân được di dời đến chỗ mới vào năm Võ vương Nguyễn Phúc Khoát biến phủ này thành Điện Trường Lạc [1744]. Có khả năng, phủ Tập tượng tả được di dời ra khoảnh đất chưa có người ở của làng Đốc Sơ, An Vân… bên bờ sông Bạch Yến xưa. Khi di dời phủ Tập Tượng tả, có khả năng một số gia đình “đi theo” đơn vị đến vị trí mới, lập thành thôn Dương Xuân và triều đình Võ vương lệnh “chính quyền” xã Dương Xuân cũ quản lý bộ phận dân chúng này. Phủ tập tưởng mới, về sau “cung cấp” đất đai để thôn Dương Xuân trở thành làng Dương Xuân Bắc vào thời vua Minh Mạng, khi triều Nguyễn không còn đóng tượng binh ở đây. Thế thì làng Dương Xuân, ở bờ Bắc sông Hương, tạm gọi Dương Xuân Bắc, có quan hệ với làng Dương Xuân Thượng và làng Dương Xuân Hạ là do “cư dân” của làng từng là những “công dân” từng “đăng ký hộ khẩu” ở làng Dương Xuân (Nam). Khi thành thôn xóm, họ cũng lấy tên thôn Dương Xuân nhưng tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang lại quản lý số nhân khẩu thôn Dương Xuân mới.

Một số cơ sở từ làng Dương Xuân Bắc

Làng Dương Xuân là ngôi làng được thành lập từ thế kỷ 18, thời các chúa Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần với giai đoạn đầu được trình bày nêu trên. Làng ở phía bắc phòng thành Huế, giáp Hộ Thành hà, đông giáp làng Thế Lại, tây giáp làng Bao Vinh, Đức Bưu, bắc giáp làng Triều Sơn Tây. Làng có từ thế kỷ 18, đến thế kỷ 19 mới dựng đình làng. Đình tọa lạc trên khoảnh đất khoảng 500m2, hướng Đông Nam, kiêm Nam; tả hữu có tả vu, bên phải là chùa Xuân Quang. Sân đình, phía trái có miếu Thành Hoàng và phia phải có Miếu Bà. Bên trong đình có hoành phi đề ba chữ Hán “Phát Sinh Đình”. Hiện nay ở làng còn phụng giữ 5 sắc phong thành hoàng. Đặc biệt ở sau khuôn viên đình Dương Xuân Bắc, chùa Xuân Quang có mộ ngài Thành hoàng Ngô đại tướng quân. Mộ hình chữ nhật, kích thước 5mx7m, được tôn tạo và dựng bia thời vua Khải Định. Bia đá Thanh có khắc “Bổn thổ Thành Hoàng Ngô đại tướng…” và lạc khoản cho biết bia phụng lập thời Khải Định. Cách đình làng về phía phải khoảng 200m, dân làng còn phụng giữ hai ngôi mộ cổ, hai mộ đắp vôi vữa cổ và cũng cách nhau khoảng 200m.Hai ngôi mộ kiểu thức giống nhau, một mộ to, một mộ nhỏ hơn, một kiểu vòng kiềng, có nữ tường, còn nấm hình trứng ngỗng. Dân sở tại truyền ức; hai ngôi mộ này là “mả Tàu” hay “mộ do Cao Biền đắp để yểm”. Ngài Thành hoàng Ngô Đại tướng quân không có hậu duệ ở làng Dương Xuân Bắc.

Vị Thành hoàng là nhân vật lịch sử nào?

Nghiên cứu 5 đạo sắc phong đang được làng lưu giữ thì thấy 4 sắc phong chưa có họ và chức tước của vị Thành hoàng làng nhưng đến sắc phong thời vua Khải Định mới có: “Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Bổn Thổ Thành hoàng Ngô Đại Tướng Quân Chi Thần”. Mà làng Dương Xuân Bắc là ngôi làng thành lập muộn, trên những khoảnh đất bồi bên dòng sông Bạch Yến, cài răng lược với các làng An Vân, Đốc Sơ, Đức Bưu…Vì thế, tiền thân của làng Dương Xuân Bắc là trại binh tượng, được khai phá trên phần đất bồi đầy cây cỏ dại, nơi thả trâu bò ăn cỏ, hay nơi bứt bổi của các làng quanh bãi. Vì thế phù hợp nơi đóng tượng binh, bên bờ sông, người xưa dễ tạo những tréng voi nơi voi uống nước, còn khi cần tắm thì voi xuống sông Bạch Yến. Theo bác Lê Xuân Ngọ, người làng thì ở làng có những địa danh tréng voi, tàu voi. Thời Tây Sơn, tượng binh hùng mạnh, được chỉ huy bởi những danh tướng như Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở,… sẽ tiếp tục đặt đại bản doanh ở phủ Tập Tượng Hữu, sau này thành Điện Voi Ré, và ở phủ Tập Tượng mới, về sau thành thôn làng Dương Xuân Bắc. Vậy có khả năng khi đại bản doanh của Bùi Thị Xuân ở Huế, theo lệnh của bà Bùi Thị Xuân, thuộc hạ đã bí mật vớt xác Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở về táng bí mật trong doanh trại của quân Tây Sơn khoảng đầu năm 1796. Ban đầu đắp vôi mật 3 ngôi mộ cho ba vị, phao tin là mộ yểm của Cao Biền, để âm thầm bí mật hương khói. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, một bộ phận tượng binh được biên chế thành tượng binh triều Nguyễn, còn một bộ phận được tha và tiếp tục khai phá khoảnh đất bồi chung quanh phủ Tập Tượng Bắc, nhập vào thôn Dương Xuân Bắc. Đối với cư dân Dương Xuân Bắc, một bộ phận là binh lính, gia đình của quan binh Tây Sơn vẫn âm thầm tưởng nhớ chủ tướng Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân. Người làng không chính thức lập đình làng, chỉ dựng miếu Thành Hoàng (thờ Ngô đại tướng) và miếu Bà (thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân).

Vào thời Gia Long, làng Dương Xuân Bắc chỉ là một thôn, chưa có trong địa bạ Gia Long, chưa viết đơn xin sắc phong, qua thời vua Minh Mạng thì thôn Dương Xuân Bắc thành làng, mới lập đình, làm đơn xin nhà vua sắc phong Thành hoàng. Vì “cơn sốt” truy lùng “Ngụy Tây” còn nóng, chức sắc làng còn giấu tông tích vị thành hoàng, và làng Dương Xuân Bắc cứ âm thầm truyền miệng về vị Thành Hoàng là Ngô Đại tướng, đợi đến đời vua Khải Định, theo lệnh triều đình làng đã bắt đầu ghi vào đơn nộp triều đình họ và chức tước đại tướng. Có khả năng khi dựng mộ cũ, người xưa đã khắc lên đá hoặc gạch ngày táng, giấu kín, khi tôn tạo phát hiện di vật có ghi ngày 30 tháng giêng âm lịch, nên làng đã kỵ Ngô đại tướng vào ngày 30 tháng giêng. Rà soát chính sử cũng như tài liệu phương Tây, không biết ngày Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ, Ngô Văn Sở bị dìm sông Hương. Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, từ mùa đông năm 1794, biến cố phe Vũ Văn Dũng bắt giam Bùi Đắc Tuyên, cho người vào Qui Nhơn bắt Bùi Đắc Trụ, cho người ra bắc để cùm Đại tư mã Ngô Văn Sở, giải về Phú Xuân, kéo dài trong một tháng, có thể dìm những vị này xuống sông Hương vào dịp cuối năm. Xác trôi sông, có thể được vớt khoảng đầu năm 1795, chôn cất khoảng cuối tháng giêng; khi chôn có thể ghi lại ngày phụng lập. Vì vậy người đời sau có thể lấy ngày trước ngày lập mộ một ngày để làm ngày kỵ.

Chúng tôi mạo muội đưa ra một giả thuyết công tác khảo cổ học và hy vọng các cơ quan chức năng tiến hành thám sát, khảo cổ học hai ngôi mộ vôi để kiểm chứng giả thuyết. Mộ lớn là mộ Thái sư Bùi Đắc Tuyên, mộ nhỏ là mộ Bùi Đắc Trụ. Nếu tiến hành khai quật khảo cổ học, hai ngôi mộ vôi, được làng Dương Xuân bảo quản trên dưới hai trăm năm, nếu tìm được những di vật “làm dấu” của người xưa thì có khả năng kết luận giả thuyết nói trên. Rất mong được trao đổi với các nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu trách quan tâm với niềm mong tìm được mộ của anh hùng Đại tư mã Ngô Văn Sở ở Huế vậy.

(còn nữa)

Trần Viết Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top