ClockThứ Năm, 02/10/2014 16:39

Những “hạt sạn” trong ca Huế

TTH - Ai cũng nhận thấy và vui mừng là ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên ngày càng đến được nhiều với công chúng. Tuy nhiên, một số tiết mục ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên mà chúng tôi có dịp xem, đọc cần được trao đổi lại.

Biểu diễn ca Huế tại Bảo tàng văn hóa Huế . Ảnh: Trang Hiền

Trước hết, trong trường hợp tiết mục là một ca khúc. Ca khúc là cách gọi chung các bài sáng tác lời chỉ có một làn điệu, hay còn gọi là bài lẻ. Tiết mục ca khúc chỉ có một điệu là điệu Nam Bình, hay một làn điệu là lý Hoài Nam. Một tiết mục là một ca khúc có thể có một lời, hoặc hai lời trở lên; tuy có nhiều lời, nhưng nội dung cùng một chủ đề. Ví dụ câu ca dao:

Chiều chiều dắt bạn qua đèo / Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni.

Có thể nói đã “gắn chết” điệu lý Hoài Nam còn có tên là lý Qua Đèo hoặc lý Chiều Chiều. Khi giới thiệu, trình diễn lý Hoài Nam với lời cổ chỉ cần một lời như trên ta gọi là lời 1 là đủ và có thể hát hai lần. Tuy nhiên có nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên khi trình diễn tiết mục ca khúc là lý Hoài Nam hát thêm lời 2 là:

Thương ai nên phải đi đêm / Bổ ba keo thịch, đất mềm không đau.

Rõ ràng nội dung lời 1 và lời 2 không có liên quan gì với nhau.

Trường hợp sáng tác lời mới gồm nhiều lời cho một ca khúc, kết hợp với lời cổ, thì các lời đó cũng phải có nội dung phù hợp trong chủ đề chung của ca khúc. Chúng tôi cũng đã sáng tác lời cho một ca khúc điệu lý Hoài Nam cũng trên cơ sở câu ca dao này với 1 lời cổ và 3 lời mới.

Trở lại câu ca dao:

Chiều chiều dắt bạn qua đèo / Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni.

Cảm nhận chung là câu ca dao gợi lại hình ảnh những đoàn dân binh dưới thời phong kiến rời xa quê hương, trên đường vào Nam lập nghiệp. Ấy vậy mà trong chương trình “Âm sắc Hương Bình” biểu diễn trong Festival Huế 2014, câu ca dao này được hát cũng theo một điệu chầu văn Huế chen vào trong tiết mục tổ khúc chầu văn Huế có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Cố đô Huế! Tiết mục này cũng được trình diễn trong dịp chào mừng Liên hoan Dân ca Bình Trị Thiên tháng 5-2014 tại Trung tâm VHTT Thừa Thiên Huế, có ba tỉnh trong khu vực tham gia. Thiết nghĩ đó là một sự gán ghép tùy tiện rất không đáng có trong một tiết mục từng được biểu diễn ở các sân khấu lớn!

Chúng tôi đã nghe tiết mục có tên “Tình phân ly” hay “Huyền Trân công chúa” kết hợp giữa câu hò mái nhì và bài Nam Bình. Câu hò của Ưng Bình là:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu /Ai ngồi ai câu / Ai sầu ai thảm / Ai thương ai cảm / Ai nhớ ai trông / Thuyền ai thấp thoáng trên sông / Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…

Câu hò nói lên tâm sự của tác giả cũng như mọi người dân yêu nước nhìn cảnh quê hương bị ngoại bang đô hộ mà “chạnh lòng nước non”, khơi gợi lòng yêu nước thương nòi; đoàn kết đứng lên chống quân xâm lược. Cụ thể hơn, có người cho rằng câu hò nói lên tâm trạng, tình cảm của vua Duy Tân và các cộng sự là Trần Cao Vân và Thái Phiên trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp năm 1916. Câu hò cũng nói lên tình cảm quý trọng, nhớ thương của nhân dân ta đối với lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa.

Còn điệu Nam Bình là bài “Tình phân ly” nói về mối tình duyên nổi tiếng trong lịch sử vào năm 1306 giữa công chúa Huyền Trân với vua Chiêm thành là Chế Mân. Cũng nói thêm, ông Võ Chuẩn từng làm Tổng đốc Nghệ An, sáng tác lời ca này vào khoảng 1930 - 1940. Rõ ràng, nội dung lời hò và lời Nam Bình không có gì ăn nhập với nhau, cả hai đều có tác giả riêng sao lại có thể đứng trong một tiết mục với các tên chung là Tình phân ly hay Huyền Trân công chúa được. Phải chăng lời hò và lời Nam Bình đều rất nổi tiếng nên người hát, cũng như người thưởng thức đã tự kết hợp nó vào với nhau trong các buổi ca sa lông, ca “tri âm, tri kỷ”. Nếu vậy, chúng ta có thể thông cảm. Nhưng nếu kết hợp lời hò và Nam Bình nói trên để thành một tiết mục mà ở đây là một tổ khúc thì không thể chấp nhận được.

Nêu thêm một ví dụ về một tổ khúc được trình diễn trong một Liên hoan Dân ca Bình Trị Thiên. Chương trình biểu diễn của đơn vị nọ có tiết mục được giới thiệu là tổ khúc dân ca lời cổ, gồm có bốn làn điệu: hò mái nhì, hò ru con, lý Tình Tang và lý Hoài Xuân. Thế nhưng khi nghe thì nội dung của các làn điệu không có gì liên quan đến nhau, đạo diễn tiết mục đã lấy lời có nội dung khác nhau của các làn điệu ghép lại để tạo thành tổ khúc!

Cần lưu ý, tổ khúc là sự kết hợp từ hai làn điệu ca Huế hoặc dân ca Bình Trị Thiên. Những làn điệu trong tổ khúc có một giá trị riêng về nội dung và âm nhạc, nhưng nó đều bị chi phối bởi một chủ đề chung xuyên suốt các làn điệu, làm nên giá trị của tổ khúc. Cũng ví như những khúc sông riêng lẽ là mỗi làn điệu được nối liền nhau làm nên một dòng sông tổ khúc. Trong trường hợp nêu trên, dù là tổ khúc dân ca với lời cổ thì nội dung giữa các làn điệu làm nên tổ khúc đó cũng phải có liên quan nhất định với nhau.

Chúng tôi nêu vài trường hợp mà có thể gọi là những “hạt sạn” đã xuất hiện ở một vài tiết mục ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Như ý nguyện ban đầu, mong sao những “hạt sạn” kiểu như vậy không còn xuất hiện trong các tiết mục ca khúc, tổ khúc của ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên.

Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top