ClockThứ Bảy, 22/04/2023 14:12

Nói không với tour “0 đồng”

TTH - Thời gian qua, khi khách du lịch quốc tế dần phục hồi, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng tour “0 đồng”. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, sẽ nói không và tẩy chay với tour này.

Chủ động ngăn chặn “tour 0 đồng”Tour 0 đồng – hình thức du lịch không được chào đón ở ASEAN

leftcenterrightdel
Nhiều đoàn khách Thái Lan đến Huế thời gian qua sử dụng dịch vụ xích lô với mức giá rất rẻ 

Ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch

Các doanh nghiệp cho biết, tour “0 đồng” là tour mà công ty bán cho khách với mức giá thấp hơn nhiều so với mức chi phí thực tế của thị trường. Thậm chí không thu bất kỳ một chi phí nào của khách. Hiện tượng này trong chuyên ngành du lịch gọi là “mua đoàn”. Bằng cách giảm giá, hoặc không thu phí, các công ty sẽ thu hút được du khách đặt tour.

Khi du khách mua tour và đến các điểm du lịch, thông qua các hình thức, như bán thêm các chương trình, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa… Đặc biệt là đưa khách đi mua sắm tại các cửa hàng trong hệ thống với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, để bù vào các khoản miễn phí cho khách trước đó.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xanh Việt cho hay, ngoài đưa khách vào thật nhiều điểm mua sắm, các tour “0 đồng” thường cung cấp cho khách không đủ các dịch vụ như tour trọn gói đúng nghĩa, mà thường chỉ có vận chuyển và lưu trú.

“Không dừng ở đó, hệ lụy từ tour “0 đồng” là rất lớn. Những tour du lịch kiểu này phá hoại thị trường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Khi du khách đến điểm du lịch, các công ty chỉ dẫn đến những điểm phụ không bán vé, chứ không đến các điểm tham quan chính. Sau đó nói rằng điểm đến không có gì đẹp. Điều này làm cho du khách lầm tưởng, nên họ truyền miệng, nói với bạn bè, gia đình rằng Việt Nam không có gì đẹp”, ông Cơ phân tích.

Qua nắm tình hình từ Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh, ở Thừa Thiên Huế không có các doanh nghiệp tham gia trực tiếp trong hệ thống tour “0 đồng” này. Nhưng Huế đã và đang là nạn nhân của tour “0 đồng” và tour giá rẻ. Cụ thể là nhiều đoàn khách Thái Lan đến Huế thời gian qua không mua vé vào tham quan Đại Nội, mà chỉ đến bên ngoài chụp ảnh rồi rời đi.

Theo các doanh nghiệp, sau Thái Lan, một số thị trường trước đây từng áp dụng tour “0 đồng” như Hàn Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng tour “0 đồng” nhiều hơn để tăng khả năng cạnh tranh thu hút khách. Một doanh nghiệp chuyên tour khách Trung Quốc ở trong tỉnh thông tin, ngay sau khi mở cửa, có ít nhất 3 doanh nghiệp rất lớn ở nước bạn sang đầu tư dịch vụ mua sắm ở một số địa phương khu vực miền Trung. Rất có thể, thời gian đến những hình thức tour “0 đồng” sẽ còn diễn ra phức tạp.

Kiên quyết không tiếp tay

Ông Đỗ Ngọc Cơ cho biết, công ty ông vừa nhận đề nghị hợp tác từ đối tác ở Thái Lan triển khai dạng tour “0 đồng”. Với một tour 4 ngày 3 đêm đến miền Trung mà đối tác bên Thái Lan chỉ bán cho khách với mức giá 230 USD. Đây là mức giá mới đủ chi phí vận chuyển bằng máy bay khứ hồi và xe khách tại điểm đến. Còn các chi phí lưu trú, tham quan, ăn uống, phí hướng dẫn viên… là chưa có. Nhìn qua lịch trình tour chỉ có đi tham quan các điểm miễn phí và chủ yếu vào các điểm mua sắm. Riêng đến Huế, không tham quan các điểm du lịch đặc trưng nhất.

“Vì vậy, bản thân công ty chúng tôi kiên quyết không hợp tác, không tiếp tay cho các doanh nghiệp tổ chức tour “0 đồng”. Nếu hợp tác có nghĩa là tự phá cả ngành du lịch. Bởi những tác động tiêu cực của điểm đến khi có doanh nghiệp tổ chức dạng tour này là rất lớn. Ở góc độ Hội Lữ hành, các doanh nghiệp ở Huế sẽ cùng cam kết không tiếp tay tour “0 đồng””, ông Cơ khẳng định.

Có ý kiến cho rằng, tour giá rẻ hay tour “0 đồng” không phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch, mà phần lớn do hệ quả cung cầu kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Theo các chuyên gia, nếu có suy nghĩ đó, tiếp tay cho tour “0 đồng”, chắc chắn sẽ làm du lịch bị tác động ngày càng xấu, chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống.

Với tour “0 đồng” luôn có sự tiếp tay của những doanh nghiệp trong nước. Bởi với tour “0 đồng” mà lữ hành trong nước không nhận lời hợp tác thì phía đối tác nước ngoài sẽ không thể triển khai. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên là người trực tiếp tham gia phục vụ khách. Các hướng dẫn viên cũng cần kiên quyết với dạng hướng dẫn đi theo đoàn chỉ để “ngồi chơi” và đối phó với các cơ quan chức năng, còn mọi hướng dẫn, cũng như các vấn đề liên quan của hướng dẫn viên du lịch đều do người nước ngoài thực hiện.

Một giải pháp được đưa ra là cần tăng cường, thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Nếu kiểm soát được các cửa hàng mua sắm trong việc đẩy giá bán lên cao bất thường, những tour dạng “0 đồng” sẽ không có đất sống. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách.

Thanh tra du lịch cho biết, ngành sẽ tăng cường xử lý đối với hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên. Nếu phát hiện, có thể áp dụng phương án tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế đối với doanh nghiệp. Đồng thời, công khai cung cấp số điện thoại đường dây nóng ở các nơi, từ khách sạn, sân bay, điểm du lịch, xe vận chuyển để đảm bảo khách dễ dàng phản ánh.

Bài, ảnh: Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top