ClockThứ Năm, 16/05/2024 06:51

"Nuôi" cảm hứng để thu hút và giữ chân du khách

TTH - Một nghiên cứu của giới chuyên gia chỉ ra 7 kỳ vọng phổ biến của khách du lịch khi lựa chọn một điểm đến, gồm: Văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, sự kiện, thương mại. Nhưng, để thu hút khách và giữ chân du khách, việc nâng cấp sản phẩm song song với tạo được cảm hứng cho khách mới là yếu tố hàng đầu giúp du lịch phát triển bền vững.

Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịchGiải bài toán tăng thời gian lưu trú khách du lịchDu lịch Phú Lộc: Nhiều chỗ ăn nhưng thiếu chỗ chơi

 Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tặng nón lá cho khách du lịch đến Huế

Sản phẩm tốt vẫn chưa đủ

Làm một cuộc khảo sát nhỏ với du khách ở kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tôi khá bất ngờ khi nhiều khách đã đến Huế 5-7 lần vẫn còn say đắm mảnh đất miền Hương Ngự. Tiết lộ về lý do trở lại Huế nhiều lần, chị Dương Thị Hoài Anh, du khách từ Bình Thuận chia sẻ: “Huế bình yên và nhiều cảnh đẹp. Con người Huế cũng nhẹ nhàng, tình cảm. Đặc biệt, Huế có nhiều thứ để trải nghiệm”.

Sản phẩm du lịch là nền tảng cốt lõi để phát triển du lịch. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) đã chỉ ra 7 kỳ vọng phổ biến của khách du lịch khi lựa chọn một điểm đến, gồm: Văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, sự kiện, thương mại. Các yếu tố này đều có thể gói gọn trong khái niệm là sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch tốt sẽ tạo dựng chỗ đứng cho điểm đến. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu có sẵn nền tảng từ sản phẩm tốt.

Tại Việt Nam, một minh chứng điển hình là du lịch Sa Pa (Lào Cai). Trước năm 2000, du lịch ở đây chưa đủ lực hấp dẫn để níu chân du khách quá 2 ngày, bởi khi đó, thứ mà Sa Pa có không gì ngoài núi non và những bản làng dân tộc. Kể từ khi sản phẩm du lịch được đầu tư, nâng cấp với cáp treo Fansipan hay quần thể du lịch Sun World Fansipan Legend và nhiều sự kiện, lễ hội thường xuyên được tổ chức, một chương mới đã mở ra. Chỉ trong vài năm, Sa Pa đã trở thành điểm sáng của du lịch miền Bắc. 5 ngày lễ vừa qua (từ 27/4 – 1/5), lượng khách đến Sa Pa đã đạt trên 132.000 lượt người, tăng gần 30% so với năm trước.

Sản phẩm tốt là điều kiện cần để thu hút khách. Nhưng để giữ chân du khách ở lại lâu và thôi thúc họ quay trở lại, việc “nuôi” cảm hứng cho khách là yếu tố đặt ra. Soi chiếu lại ngành du lịch trong nước, trong đó có Thừa Thiên Huế, tiềm năng du lịch rất lớn, tài nguyên du lịch đa dạng và được thiên nhiên ưu đãi, từ đó hình thành nhiều sản phẩm du lịch. Thế nhưng việc thu hút và giữ chân du khách đâu đó vẫn chưa xứng tầm. Với du lịch Thừa Thiên Huế, làm sao tăng thời gian lưu trú của khách, bình quân từ 2 ngày trở lên vẫn là bài toán đầy trăn trở.

Cuộc khảo sát dịp lễ vừa qua, ngoài những lời khen cho Huế, cũng có nhiều khách chỉ ra rằng, bên cạnh yếu tố thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, một bộ phận nhỏ đang tạo ra điểm trừ cho ngành du lịch cố đô, làm xấu môi trường du lịch nơi đây khi có tình trạng chèo kéo, cò mồi, chặt chém khách. Điều này cộng hợp với du lịch đêm của Huế thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm đẳng cấp khiến khách có cảm giác buồn chán, vì thế, sau chuyến tham quan, thưởng thức ẩm thực, họ muốn rời Huế để trải nghiệm thêm ở một điểm đến khác.

“Nuôi” cảm hứng từ sự chuyên nghiệp, văn minh

Sau đại dịch COVID-19, du lịch Huế đang dần lấy lại vị thế khi có sự tăng trưởng về lượng khách. Chỉ riêng trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Thừa Thiên Huế đã thu hút khoảng 110.000 khách du lịch đến địa phương, tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng. Con số đó đáng ghi nhận, nhưng nhìn vào danh sách những địa phương “bội thu” trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 về du lịch, có chút gì đó luyến tiếc cho du lịch Huế. Trong đó, Thanh Hóa giữ vị trí quán quân cả về doanh thu và lượng khách khi phục vụ hơn 1,5 triệu lượt trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng hơn 27%. Tổng thu du lịch đạt 3.805 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, trong chương trình kích cầu năm nay, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, MICE kết hợp tham gia hoạt động, lễ hội, giải thể thao trong Festival Huế, các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa di sản, nghệ thuật, vùng nông thôn, sông hồ, suối thác; giới thiệu tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “Kết nối Di sản Miền Trung” và các sản phẩm dịch vụ đi kèm, các sản phẩm/tour du lịch xanh, tour gắn với trải nghiệm Áo dài truyền thống và ẩm thực địa phương. Chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các dịch vụ, đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ kinh tế đêm.

Có thể thấy, Huế đang nghiên cứu để đầu tư và hoàn thiện sản phẩm du lịch. Đây là hướng đi đúng, nhưng bên cạnh sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện sẽ là yếu tố hàng đầu tạo cảm hứng để khách ở lại lâu hoặc thêm nhiều lần quay trở lại.

Nhắc đến dịch vụ du lịch, có thể thấy người Thái “ghi điểm” rất tốt để khách quay trở lại. Tại những nhà hàng, khách sạn hay chợ đêm tại quốc gia này, du khách gần như không phải lo về nạn chặt chém. Hầu hết người làm dịch vụ tại đây đều rất thân thiện, chuyên nghiệp dù có thể gặp phải rào cản ngôn ngữ. Nhiều du khách từng chia sẻ về chuyện gặp những bác tài vô cùng nhiệt tình không ngại đóng vai hướng dẫn viên miễn phí hay chủ các homestay giúp họ lên lịch trình tham quan chi tiết. Đó là cách làm du lịch khôn khéo, có sự hợp lực theo kiểu mỗi người đều là một đại sứ du lịch để tạo cảm xúc, cảm hứng cho khách.

Con người Huế hiền lành, thân thiện, nhiệt tình thì đã có thương hiệu, nhưng làm sao để tạo ra một môi trường du lịch chuyên nghiệp và văn minh, tất cả mọi người đều tham gia với vai trò một đại sứ du lịch là cả một câu chuyện dài và cần có cách làm khéo léo. Nhiều lần dự các diễn đàn du lịch, chuyện giá vé tham quan di tích được nhiều người, nhiều doanh nghiệp đem ra tranh cãi về việc đắt-rẻ vẫn chưa có hồi kết. Điểm cốt yếu là nếu biết các mang lại sự hài lòng cho khách, để họ cảm nhận hết giá trị, “tận hưởng” sự nhiệt tình, mến khách với các làm du lịch tinh tế, có lẽ dù đắt hơn nữa, họ vẫn tràn đầy cảm hứng để chọn Huế trên hành trình du lịch những lần tiếp theo.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Ngoài sự nhập cuộc của các nhà đầu tư, Thừa Thiên Huế cũng tập trung đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho kinh tế, xã hội địa phương.

Thu hút đầu tư có chọn lọc
Chợ Đông Ba giảm giá thu hút khách du lịch

Từ năm 2021, cứ đến tháng 5, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba lại vận động tiểu thương triển khai chương trình “Tháng bán hàng giảm giá” để kích cầu du lịch và thu hút khách hàng ghé thăm ngôi chợ đã 125 năm tuổi.

Chợ Đông Ba giảm giá thu hút khách du lịch
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Đột phá trong thu hút đầu tư

Nhiều dự án nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Chưa bàn đến chuyện “xoay chuyển tình thế” trong việc sẽ tạo ra các giá trị cao, song các dự án đó minh chứng, tỉnh đã có bước đột phá trong thu hút đầu tư.

Đột phá trong thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top