ClockThứ Năm, 04/01/2024 20:49
Giải pháp giảm tiếng ồn cho thuyền du lịch trên sông Hương

Phí phạm đáng tiếc nếu thiếu lưu tâm

TTH.VN - Một chiếc chân vịt nhỏ xíu gắn với bình ắc quy 12V vẫn đẩy được con thuyền chở 10 du khách cộng thêm bác tài công ro ro lướt sóng, thấy thật thú vị. Chợt nghĩ, phải chăng đây cũng là “chìa khóa” cho giải pháp của thuyền du lịch sông Hương?

Du lịch thế giới gọi tên HuếXây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiệnDu lịch đường sông: Hướng phát triển cho du lịchDu thuyền sông Hương, vẫn còn quá yên ắng

Một chiếc thuyền rồng đôi hoạt động trên sông Hương 

Du thuyền trên sông Hương là dịch vụ xuất hiện từ nhiều chục năm qua và rất ăn khách. Chưa cần thống kê, chỉ cần nhìn “bầy rồng” sinh sôi nẩy nở nhanh chóng trên sông khắc có thể khẳng định được điều đó.

“Bầy rồng” là cách gọi ví von cho vui của nhiều người, bởi trước khi có thuyền cung đình của Trung tâm BTDTCĐ Huế phỏng chế hoặc một số du thuyền cao cấp Nam Xuân, Nam Bình… của công ty Đông Á đầu tư sau này, thuyền làm dịch vụ du lịch trên sông Hương, dù là đôi hay đơn, chủ yếu cũng chỉ một dạng là ốp thêm tôn 2 đầu và kẻ vẽ hình rồng hình phượng sặc sỡ. Thuyền vận hành bằng máy nổ chạy dầu, giá dịch vụ càng về sau càng rẻ do quy luật cạnh tranh và do thuyền xuống cấp. Khách có thể thuê để chở đi du ngoạn, thăm thú dọc sông Hương; hoặc mua vé, bao sô nghe ca Huế trên sông; hoặc nữa là thỏa thuận mươi, mười lăm ngàn đồng/người rồi xuống thuyền lòng vòng một quãng ngắn cho biết cảm giác…

Như trên đã nói, vì là chạy bằng máy nổ nên âm thanh của đa phần các chú rồng sông Hương đều rất… “giòn giã”. Chú nào máy đã cũ lại càng “giòn giã” tợn hơn nữa. Cho nên, khách đi thuyền muốn nói chuyện thì phải hét vào nhau mới nghe được. Còn nhớ, nhân kỷ niệm 25 năm ra trường, cựu học sinh lớp 12Đ Quốc Học chúng tôi đã thuê một chú rồng đôi để vi vu sông Hương và chuyện trò tâm sự cho nó tăng phần độc đáo và lãng mạn. Không ngờ đó là sự lựa chọn sai lầm, mà chung quy cũng bởi tiếng động cơ quá khủng khiếp của con thuyền. Muốn nói chuyện được thì phải tắt máy, khỏi du ngoạn. Còn muốn vừa du ngoạn vừa nói chuyện thì phải chấp nhận nguy cơ… "tắt tiếng" do phải “thét gào” liên tục.

Các chiếc thuyền rồng đều có đặc điểm chung là tiếng máy vận hành nổ rất "giòn giã".

Sau này, có dịp thăm chùa Hương, ngược xuôi theo dòng suối Yến, thấy tất cả thuyền đều chèo tay. Thuyền nhỏ tải trọng 4 người thì một người chèo. Thuyền lớn sức chứa 12 người thì 2 người chèo, một đằng mũi và một đằng lái. Rừng núi miên man và yên tĩnh, nghe rõ mồn một từng nhịp chèo khoan thai khua trên mặt nước gợi một cảm giác an yên đến thú vị. Trên đường đi, tôi ướm hỏi người đàn ông chủ thuyền tại sao không đầu tư gắn bộ máy cho đỡ nhọc? Ông ta giãy nảy: “Ấy chết! Ở đây người ta cấm tiệt, nhé! Chạy máy nó ồn ào, dầu, nhớt sẽ làm bẩn hết sông. Bà con chúng tôi cũng thống nhất như vậy nên không ai vi phạm đâu. Chỉ Ban Quản lý là có mấy chiếc bo bo, thỉnh thoảng chạy đi chạy lại kiểm tra tình hình là được phép gắn máy mà thôi”.

Từ suối Yến tôi mơ về sông Hương. Dòng sông Hương của Huế tuy rộng hơn nhiều lần so với suối Yến, nhưng dòng chảy lúc bình thường chỉ nhẹ nhàng êm đềm đến nỗi như thi sĩ Thu Bồn từng cảm giác như sông đứng yên “Con sông dùng dằng con sông không chảy…”. Cảnh quan đôi bờ cũng có nét đẹp riêng với rất nhiều điểm tham quan, du lịch cự ly không quá xa trung tâm thành phố. Huế lại là thành phố xanh, thành phố sinh thái; còn sông Hương là con sông vô giá thuộc hàng đẳng cấp, rất cần và rất đáng được bảo vệ. Nếu cũng áp dụng giải pháp phi cơ giới như tại suối Yến thì quá có ý nghĩa. “Tất nhiên, chuyển ngay sẽ là chuyện không đơn giản. Song, có thể làm từng bước. Trước mắt, cần có giải pháp (cho vay ưu đãi chẳng hạn) để các chủ thuyền chuyển sang sử dụng các loại máy ít ô nhiễm, ít phát tiếng ồn hơn cũng như xây lắp hệ thống tiêu âm trên các con thuyền du lịch. Khảo sát, quy định ở một số đoạn sông có cảnh quan hữu tình, ngang qua di tích quan trọng v.v...tất cả thuyền bè đều phải chuyển từ chế độ cơ giới sang chèo tay; những thuyền-tàu phục vụ sản xuất có trọng tải lớn không thể chèo thì buộc chuyển lưu thông vào một số giờ giấc nhất định. Thời gian đầu có thể có cảm giác hơi nhiêu khê, phiền hà. Nhưng vì môi trường du lịch, vì thương hiệu du lịch Huế, theo chúng tôi, đó là một việc rất đáng làm.”- Tôi đã mạo muội nêu đề xuất như vậy trong một bài viết của mình sau khi rời chùa Hương trở lại Huế.

Thuyền chạy bằng ắc quy ở khu du lịch động Tiên Sơn - Thanh Hóa. 

Tất nhiên, nêu là nêu vậy thôi, chứ có được lắng nghe, thử áp dụng hay không thì thú thực là tôi không hề hy vọng nhiều. Thực tế đã đúng như dự cảm. Nay, khi lần lượt các đời rồng sông Hương đang đến thời điểm “quá đát”, các chủ rồng đang ngong ngóng chờ mẫu mới ban hành để tiếp kế mưu sinh, chuyện cái máy nổ trên thuyền du lịch lại trở về ám ảnh trong tôi. Thật vô tình tôi lại có chuyến đi Thanh Hóa, và được dịp vào thăm khu động Tiên Sơn (xã Vinh An, huyện Vĩnh Lộc). Theo suối Ấu để vào động Tiên Sơn, điều làm tôi chú ý là các con thuyền đều lướt êm ro không một tiếng động. Nhìn lại thì thấy thuyền nào cũng gắn mô tơ điện chạy bằng ắc quy. Chiếc chân vịt nhỏ xíu gắn với bình ắc quy 12V vẫn đẩy được con thuyền chở 10 du khách cộng thêm bác tài công ro ro lướt sóng, thấy thật thú vị. Chợt nghĩ, phải chăng đây cũng là “chìa khóa” cho giải pháp của một thế hệ thuyền du lịch mới thay thế cho những chiếc thuyền rồng trên sông Hương đã và sắp hết niên hạn sử dụng? Dĩ nhiên, “chìa khóa” là vậy, còn suy nghĩ để áp dụng thế nào để tương thích, phù hợp với tải trọng, môi trường thực tế cho du thuyền sông Hương thì trông chờ vào cái tài của các nhà quản lý, chuyên môn kỹ thuật.

Một bình ắc quy 12V...
và  một chiếc chân vịt bé xíu đủ sức đẩy con thuyền chở 10 du khách ro ro lướt sóng.

Thừa Thiên Huế đang bước vào giai đoạn nước rút để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Huế, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Một giải pháp khả thi cho thuyền du lịch để vừa tiện dụng cho du khách, vừa lợi ích cho môi trường, bảo vệ sự trong lành, yên tĩnh của sông Hương - dòng sông di sản, dòng sông báu vật - nếu không được lưu tâm nghiên cứu, nhất là trong thời điểm phải nói là “thiên thời” như hiện nay (vừa thực hiện Nghị quyết 54, vừa đúng điểm rơi thuyền rồng hết niên hạn) thì quả là một sự phí phạm vô cùng đáng tiếc.

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
vv
vinhdk - 09/01/2024 19:43
Ý kiến quá xác đáng! Cảm ơn tác giả, một người dân Huế rất yêu & đầy trách nhiệm với Huế! Còn lại là sự khởi động của người kinh doanh thuyền rồng & những nhà quản lí! Còn chờ gì nữa!

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top