ClockThứ Ba, 09/01/2024 07:03

Thu hút dòng khách từ thị trường ASEAN

TTH - Là thị trường khách du lịch giàu tiềm năng, một số quốc gia trong khu vực ASEAN đang có nhiều bước tiến lớn để trở thành thị trường quan trọng và du lịch Thừa Thiên Huế đang có nhiều giải pháp để thu hút dòng khách từ các quốc gia Đông Nam Á.

Đoàn Famtrip lữ hành Philippines khảo sát nhiều tuyến điểm du lịch ở HuếĐón chuyến tàu du lịch đầu tiên đến Huế bằng đường hàng hải năm 2024

Đoàn Famtrip Philippines tham quan Đại Nội Huế 

Đón đầu cơ hội

Gần cuối tháng 12/2023, đoàn Famtrip Philippines gồm có 20 thành viên đã đến tham quan, khảo sát tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thừa Thiên Huế như: Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng vua Khải Định... Việc Hãng hàng không Cebu Pacific Air chính thức mở đường bay thẳng từ Manila (Philippines) - Đà Nẵng và sự liên kết chặt chẽ phát triển du lịch giữa các tỉnh miền Trung mở ra cơ hội hút dòng khách từ Philippines nói riêng và ASEAN nói chung.

Những tháng của năm 2023, khách du lịch một số nước ở Đông Nam Á thường xuyên lọt top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan. Ngành du lịch tỉnh cũng có nhiều chương trình đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đến thị trường khách ASEAN.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, trong năm 2023, nhiều hoạt động xúc tiến ở các thị trường khách quốc tế đã được tổ chức, trong đó có thị trường các nước trong khu vực ASEAN. Cùng với ngành du lịch hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, 3 tỉnh thành đã đến Malaysia tháng 10/2023 để tổ chức các hoạt động: Giới thiệu điểm đến, cập nhật thông tin, sản phẩm du lịch mới và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp đến các đối tác tại Malaysia; chiếu phim, trưng bày hình ảnh về văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; tổ chức không gian (B2B) để các doanh nghiệp du lịch tiếp cận, trao đổi, giới thiệu thông tin, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch và ký kết hợp tác, phát triển thị trường với các đối tác; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến du lịch của 3 tỉnh, thành: Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế và Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam.

 Đoàn Famtrip Philippines tham quan các điểm du lịch ở Huế

Ba địa phương của miền Trung Việt Nam cũng tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ASIA được tổ chức tại Marina Bay Sands, Singapore từ ngày 25-27/10/2023 với kỳ vọng khách du lịch từ Malaysia, Singapore và khu vực ASEAN cũng như từ các thị trường chuyển tiếp khác sẽ tăng trưởng trở lại và sẽ là một trong các thị trường khách quốc tế trọng điểm đến 3 tỉnh, thành thời gian đến. Trên thực tế, các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến đang được triển khai thường xuyên, liên tục hơn. Theo đại diện ngành du lịch, qua nhiều kênh truyền thông và phối hợp với đối tác, đơn vị lữ hành, thông tin du lịch Thừa Thiên Huế đang được giới thiệu rộng rãi với du khách nhiều hơn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Vừa qua, tại chương trình quảng bá du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế được tổ chức ở Kuala Lumpur, đa số đơn vị lữ hành Malaysia đều thích thú và quan tâm đến sản phẩm du lịch tại các tỉnh miền Trung vì có nhiều ưu thế về văn hóa, thắng cảnh. Theo các doanh nghiệp lữ hành, phía đối tác quan tâm nhất là các điểm đến ở miền Trung đã đảm bảo việc phục vụ cho thị trường khách Hồi giáo theo tiêu chuẩn Halal. Đây là thị trường du lịch tiềm năng khổng lồ bởi theo các báo cáo, số lượng người theo đạo Hồi trên thế giới là 1,8 tỷ người thì riêng trong khu vực ASEAN đã là 255 triệu người. Ngoài Malaysia còn có Singapore, Philippines hay Indonesia - những thị trường có dân số rất đông, dư địa khai thác còn rất lớn nên cần hình thành hệ sinh thái chuỗi sản phẩm phục vụ dòng khách này.

Báo cáo du lịch Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy, 3 trong số 10 thị trường khách hàng đầu của du lịch Việt Nam đến từ khu vực Đông Nam Á. Với diễn biến từ thị trường cộng với nhiều động thái chú trọng nhóm khách này thì mức tăng trưởng của khách ASEAN đến tỉnh nhà cũng như toàn quốc sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian đến. Nhưng để hút khách và tạo sự hấp dẫn cho khách, tạo bứt phá cho ngành du lịch thì rõ ràng vẫn cần đồng bộ nhiều giải pháp.

Bên cạnh việc kết nối chặt chẽ với với ngành du lịch và các đơn vị lữ hành các nước bạn, cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách giá; xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch đặc sắc và chuyên nghiệp hóa đội ngũ những người làm du lịch. Ngành du lịch và các đơn vị lữ hành, du lịch cần có những khảo sát, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách các nước, đặc biệt là những thay đổi về xu hướng du lịch sau giai đoạn dịch COVID-19 để xây dựng sản phẩm du lịch và có những thay đổi phù hợp đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách du lịch từng quốc gia, góp phần lan tỏa và tạo sức hấp dẫn với du khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút FDI: Lợi ích kép

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực tạo chuyển biến trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cũng như thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Thu hút FDI Lợi ích kép
Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”

Khách hạng sang, giới siêu giàu gần đây khá quan tâm du lịch Việt Nam và Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến được họ quan tâm tới. Ngoài cảnh đẹp, muốn thu hút dòng khách này, chất lượng dịch vụ là yêu cầu hàng đầu.

Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”
Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang được tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tiếp tục đẩy mạnh gắn với đổi mới để thu hút đầu vào, nâng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, tổ chức và doanh nghiệp.

Thu hút đầu vào, đảm bảo đầu ra

TIN MỚI

Return to top