ClockThứ Sáu, 07/06/2024 06:56

Tìm cơ hội khi thị trường khách du lịch Ấn Độ “bùng nổ”

TTH - Thị trường khách du lịch Ấn Độ đang “bùng nổ” tại Việt Nam với lượng khách tăng mạnh. Thế nhưng, Huế chưa phải là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng khách từ quốc gia Nam Á này. Giải quyết bài toán hút khách, cần triển khai nhiều giải pháp.

Thu hút du khách về với Festival Huế Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minhHáo hức chờ ngày khai hội

Khách du lịch quốc tế đến Huế bằng đường tàu biển 

Thị trường tăng trưởng & bài toán cho Huế

Những năm trở lại, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo từ Viện Kinh tế của Mastercard có chủ đề “Xu hướng Du lịch 2024: Phá vỡ ranh giới”, trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 3/2024, du khách Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng 248% so với mức của năm 2019.

Trong một bài viết mới đây của Mint - trang web chuyên cập nhật tin tức, xu hướng và phân tích về kinh tế, thị trường của Ấn Độ cho biết, thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động, đặc biệt tỷ lệ người dân nước này đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.

Trong quý I năm 2024, các sân bay Ấn Độ đã chứng kiến kết quả kỷ lục khi có đến 97 triệu lượt khách qua lại cả giao thông hàng không nội địa và quốc tế, đánh dấu mức tăng đáng kể, khi để đạt được con số như vậy đòi hỏi thời gian cả một năm. Độ dài bình quân chuyến đi của du khách Ấn Độ đã tăng thêm một ngày so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng này nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với những trải nghiệm du lịch phong phú và ý nghĩa.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, Ấn Độ là thị trường khách rất tiềm năng và đây là cơ hội để phát triển thị trường khách quốc tế, tuy nhiên, trên thực tế, Huế vẫn chưa thu hút mạnh mẽ thị trường khách Ấn Độ.

Trung bình hằng năm, lượng khách Ấn Độ đến Huế chưa đến 10.000 người, chỉ chiếm khoảng 1,8 – hơn 2% thị phần khách quốc tế. Theo ông Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khách Ấn Độ đến Huế chưa cao. Đầu tiên vấn đề giao thông. Khách Ấn Độ muốn đến các điểm du lịch ở miền Trung phải lên các chuyến bay về Đà Nẵng, tuy nhiên thời gian qua, hợp tác để khai thác và phát triển đường bay có những khó khăn nhất định. Mặt khác, thị trường khách Ấn Độ là thị trường khách chuyên biệt về tôn giáo, không gian để sinh hoạt tôn giáo và chế độ ẩm thực ở nhiều điểm đến tại miền Trung nói chung, Huế nói riêng chưa phù hợp. Ngoài ra, khách Ấn Độ thường đi với số lượng rất lớn, đến hơn cả trăm khách, nhưng đa phần các nhà hàng ở các cơ sở lưu trú chưa thể đáp ứng tốt.

Nhìn rộng ra cả nước, những thành phố lớn, nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thu hút được khách Ấn Độ bởi có các khu phố Ấn Độ, ở đó đáp ứng được các điều kiện cho cộng đồng du khách Ấn Độ sinh hoạt và thưởng thức ẩm thực cũng như thực hành văn hóa tín ngưỡng. Ông Minh cho rằng, khu phố Tây ở Huế có những nhà hàng phục vụ khách Ấn, đó là điều rất tốt để thu hút dòng khách này, nhưng để khách Ấn Độ đến Huế nhiều hơn, quy mô phải mở rộng ở mức đáp ứng được.

Để Huế thu hút được thị trường khách tiềm năng

Xét về mặt lý thuyết, khi khách du lịch Ấn Độ “bùng nổ” và Việt Nam là điểm đến hàng đầu, cơ hội được chia đều cho các địa phương. Tuy nhiên, muốn nắm bắt được cơ hội trong phát triển du lịch, phải thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp.

Điều đáng quan tâm là cần có cơ chế kêu gọi đầu tư hạ tầng các dịch vụ phục vụ du khách. Trong đó, ngoài phát triển các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống cho du khách, phải tạo được các không gian phù hợp cho khách Ấn Độ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và các cấp, ngành, đơn vị với các định hướng và cách triển khai có hiệu quả. Đối với hệ thống nhà hàng, cần mời những chuyên gia ẩm thực Ấn Độ để đào tạo, hướng đến phục vụ chuyên nghiệp hơn và phù hợp với nhu cầu khách.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cần được triển khai hiệu quả hơn. Trong đó, chính quyền địa phương và ngành du lịch cần quan tâm hơn nữa nguồn lực để thực hiện công tác xúc tiến. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng cao khả năng đáp ứng được các thị trường khách tiềm năng.

Ông Minh cũng cho rằng, cần đào tạo lực lượng hướng dẫn viên am hiểu sâu về thị trường khách Ấn Độ và phát triển thêm chương trình đào tạo ngôn ngữ ở trường đại học để từ đó tạo môi trường mới phát triển được các dịch vụ đi kèm.

Điều quan trọng ở các thành phố du lịch là phải định hướng tập trung phát triển các thị trường khách giàu tiềm năng, trong đó có thể xây dựng, hình thành các khu phố cho các thị trường khách lớn, tạo ra không gian sinh hoạt, vui chơi, giao lưu cho khách. Nếu xác định tiềm năng thị trường khách Ấn Độ và tập trung khai thác thì việc hình thành những khu phố Ấn Độ là hướng đi cần cân nhắc triển khai.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế

TIN MỚI

Return to top