|
Du khách trong trang phục áo dài tham quan một điểm dừng ở phố cổ Bao Vinh |
Nghiên cứu về phố cổ Gia Hội – Chợ Dinh, nhóm nghiên cứu trẻ Trần Văn Dũng, Đỗ Minh Điền, Lê Nguyên Phú (TP. Huế) nhìn nhận, với yếu tố thuận lợi “cận kinh, cận thị, cận giang” là khu vực đô hội, quy tụ nhiều dinh phủ của ông hoàng, bà chúa, quan lại nhà Nguyễn, tạo nên sự dạng và độc đáo trong tổng thể kiến trúc khu phố. Tuy nhiên, trải qua thời gian cũng như nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã có những tác động khác nhau đến việc quy hoạch, tu bổ, bảo tồn. Do vậy việc cấp thiết là phải nhanh chóng được bảo tồn và phát huy giá trị, tránh nguy cơ biến dạng, phá hủy dần trong tương lai.
Ngoài chính sách bảo tồn, theo nhóm nghiên cứu này cần đẩy mạnh xúc tiến và đa dạng hóa quảng bá du lịch để giới thiệu những nét đặc sắc của khu phố đến với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp phát triển du lịch gắn với cộng đồng. Bởi lẽ du lịch di sản không thể tách rời với cộng đồng đang sống trong khu vực di sản. “Gia Hội – Chợ Dinh đang có lợi thế hiện hữu nhiều lễ hội có giá trị về mặt văn hóa, ngành nghề, nhóm nghề thủ công nức tiếng một thời nên có lợi thế phát triển du lịch trải nghiệm”, nhóm nghiên cứu trẻ nhận định.
Trong khi đó, bàn về khai thác du lịch phố cổ Bao Vinh, ThS. Phan Thị Thúy Vân (Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế) chỉ rõ không chỉ tập trung chủ yếu các di sản vật thể, phi vật thể mà cần đẩy mạnh tiềm năng du lịch đường sông gắn với hạ lưu sông Hương – một trong những hồn cốt tạo ra sự khác biệt. Do vậy cần xây dựng nhiều hoạt động gắn với sông nước, tất nhiên cũng chú trọng đầu tư ở trên bộ.
Theo quan điểm bà Vân, sông Hương và các chi lưu vốn rất giàu dư địa để phát triển các tour tham quan di tích lịch sử, khám phá văn hóa đường sông. Trong đó, Bao Vinh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các trung tâm văn hóa du lịch ở khu vực nội đô và vùng nông thôn ven đô. Và để làm được điều đó, cần phải có những chính sách hợp lý trong công tác khai thác tài nguyên phát triển du lịch, sự ủng hộ của doanh nghiệp cũng như sự đồng hành của người dân.
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, để khai thác du lịch một cách hiệu quả các khu phố cổ ở Huế cần phải học hỏi cách làm từ phố cổ Hội An. Điểm cần lưu ý, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) đó là quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các kiến trúc chùa, hội quán, phủ đệ, giữ lại một số ngôi nhà cổ trên 100 năm, giữ gìn các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, phục chế các ngôi nhà rường cổ.
Ông Đăng cho rằng, các cấp chính quyền dù đã cố gắng trong việc triển khai một số hoạt động nhưng thành quả đưa lại chưa được bao nhiêu. Vì thế, cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm những điều làm được, chưa làm được khi triển khai dịch vụ phố đêm. Trong đó, lưu ý vấn đề trang trí, bố cục không gian kiến trúc gắn với các điểm di sản, giao thông. Ngoài ra, công cuộc khai thác di sản văn hóa – lịch sử khu vực phố chợ cổ Huế cũng phải gắn liền với các hoạt động du lịch tại Cố đô, các tour du lịch đang dần được triển khai tại vùng hạ lưu sông Hương và phá Tam Giang.
Để tạo được điểm nhấn, các chuyên gia còn lưu ý thêm về việc khôi phục, phát huy các ngành nghề truyền thống cũng như nghề thủ công truyền thống từng tồn tại ở các khu phố cổ. Quá trình phát triển du lịch dịch vụ cũng cần có sự đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực một cách bài bản, phải làm sao để người dân ở những khu phố cổ ấy vừa phục vụ du lịch, vừa chung tay làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị nơi mình đang sinh sống, thụ hưởng.