Lãng quên “đại sứ”
Huế tự hào khi có một “nguồn vốn” không bao giờ cạn kiệt, đó là ẩm thực. Theo nhiều tư liệu, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì riêng Huế đã sở hữu đến 1.300 món. Từ các món ăn dân gian, như: bún bò, cơm hến, nem chả… đến những món ăn cung đình, phục vụ cho các bậc vua chúa cao sang hay những món ăn chay độc đáo đến mức nhiều người vẫn hay bảo nhau, muốn được ăn chay đúng chất thì phải đến Huế.
Du khách học nấu ăn tại Khách sạn Saigon Morin. Ảnh: KSMR
Ẩm thực là thế mạnh nổi trội, tiền đề xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, khác biệt cho Huế. Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh nhà, ẩm thực được xác định là một trong những sản phẩm cơ bản. Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế nhận định, ẩm thực không đơn giản là một sản phẩm du lịch thuần túy, mà như một “đại sứ”, giúp liên kết giữa văn hóa Huế và du khách. Khi du khách đến Huế, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu và sau đó có thể mang những món ngon của Huế đi khắp nơi. Vô hình chung, ẩm thực trở thành công cụ quảng bá Huế hiệu quả và sâu rộng. Tất nhiên, điều kiện được đặt ra là khi khách đến Huế phải được hòa mình vào “thế giới” của ẩm thực.
Ẩm thực Huế đang đến với du khách khá bị động, chủ yếu khách đến rồi mới biết ẩm thực Huế có những gì?. Sự chủ động quảng bá ra khu vực và thế giới vẫn chưa được quan tâm, đẩy mạnh đúng mức. Theo ông Nguyễn Bảo Kỳ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, khả năng và tần suất quảng bá ẩm thực Huế còn khá hạn chế. Nguyên nhân là kinh phí dành cho quảng bá không được nhiều. Trong khi đó, việc xã hội hóa luôn gặp nhiều khó khăn. Nhiều liên hoan ẩm thực ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có mời doanh nghiệp Huế tham gia, nhưng hầu hết đều từ chối.
Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà trong một lần giới thiệu ẩm thực Huế với Đài Truyền hình SBS Hàn Quốc
Cũng theo ông Kỳ, khách quan đánh giá, quảng bá ẩm thực khó hơn so với quảng bá điểm đến. Khi quảng bá phải có “người thật, việc thật”, tức là phải mang cả “đội quân” đến trực tiếp chế biến các món ăn để giới thiệu và phục vụ những người có nhu cầu. Để tham gia những đợt quảng bá như thế, phải cần nhiều thứ, con người, nguyên vật liệu và các dụng cụ chế biến. Các doanh nghiệp khá dè chừng vì chi phí bỏ ra nhiều, khi đến tham gia các liên hoan chưa chắc đã thu lại vốn.
Một tồn tại đang làm ảnh hưởng khá nhiều đến uy tín những món ăn của Huế, đó là sự thiếu quy chuẩn trong ở các nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt là những món ăn cung đình đang bị biến tấu, sai lệch phiên bản gốc, theo kiểu “tam sao thất bản”. Một cán bộ quản lý đang làm trong ngành du lịch Huế cho hay, với ẩm thực cung đình mà thực đơn chỉ có 200.000 đồng, làm sao mà khách được thưởng thức những món ăn đúng nghĩa cung đình. Cái khó là khâu quản lý. Chỉ kiểm tra và xử phạt về nâng giá, không niêm yết, còn chất lượng, thành phần ăn thì không thể nào kiểm soát được.
Làm tốt từ sân nhà
Huế đang thiếu những con phố ẩm thực. Thời gian qua, không ít ý tưởng độc đáo được đề xuất để khuếch trương cho ẩm thực: Một con phố ẩm thực dưới mưa, phố ẩm thực trên con đường phía sau chợ Đông Ba vào ban đêm, hay một phố ẩm thực được đề xuất ở khu vực đường Phạm Văn Đồng (phường Vỹ Dạ). Đây được xem là những ý tưởng tạo thêm sự đa dạng các dịch vụ về đêm cho Huế. Thế nhưng, tất cả đều bế tắc trong việc hiện thực hóa.
Dạ tiệc cung đình là hình thức quảng bá ẩm thực hiệu quả đến du khách
Nhiều năm qua, thông qua những kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống, các liên hoan ẩm thực được tổ chức, thu hút hàng vạn lượt người tham quan, thưởng thức các món ngon đến từ nhiều nước trên thế giới hội tụ. Ông Nguyễn Bảo Kỳ cho rằng, trong khi chờ đợi các đợt xúc tiến quảng bá ra bên ngoài, trước tiên Huế cần xây dựng kế hoạch tổ chức có tính định kỳ một liên hoan ẩm thực mang tầm quốc tế. Mời gọi tinh hoa ẩm thực các nơi cùng về Huế giao lưu. Cần quy các đơn vị tổ chức về một mối, như hiện nay liên hoan ẩm thực vào các năm Festival Huế do Hiệp hội Du lịch tổ chức, còn Festival Nghề truyền thống thì do TP. Huế tổ chức, nên phần nào đó về tính quy mô, thành phần tham gia chưa được đồng nhất.
Trải nghiệm và học nấu ăn khi đến Huế là tour được rất nhiều du khách lựa chọn. Chị Hoàng Thị Thúy, Trưởng bộ phận điều hành tour, Công ty du lịch Đại Bàng chia sẻ, tâm lý của mỗi du khách khi đến Huế nói riêng và mỗi vùng đất mới đều muốn khám phá và thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng đất đó. Khi đến Huế, được tham gia chế biến những món ăn như bún bò, bánh khoái, bánh bèo… du khách vô cùng thích thú. Du khách được các đầu bếp hàng đầu giới thiệu và lý giải vì sao lại có sự lựa chọn các nguyên liệu như thế để chế biến món ăn. Khi được giải thích rằng, trong các món ăn của Huế luôn mang trong đó những triết lý “âm – dương”, sự điều hòa ngay trong món ăn làm cho du khách trầm trồ và bằng mọi cách phải học được một món gì đó trước khi về nước.
Qua tìm hiểu ở một số khách sạn, bún bò Huế được lựa chọn nhiều nhất để đưa vào bàn chọn món cho du khách trong các buổi buffet sáng. Dù là bữa ăn sáng, song đây là thời điểm phù hợp để du khách tận hưởng những món ăn ngon, đặc trưng của điểm đến. Bởi thế, trong thời gian đến, các khách sạn cần đẩy mạnh đưa các món ăn Huế vào nhiều hơn trong thực đơn. Đây là cách quảng bá ẩm thực Huế một cách tinh tế, nhẹ nhàng và hiệu quả.
Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, trong kế hoạch phát triển du lịch của ba tỉnh miền Trung: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, dự kiến sẽ tổ chức một liên hoan ẩm thực quốc tế, giới thiệu ẩm thực của cả ba địa phương, tại Huế trong năm 2017.
|
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG