Du khách tham quan lăng Khải Định
“Không có sức mà hướng dẫn”
Thống kê của Sở Du lịch, lượng khách Hàn Quốc đến Huế trong 6 tháng đầu năm khoảng 120 nghìn lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Số lượng khách quá lớn, nhưng HDV ngôn ngữ Hàn được cấp thẻ chỉ hơn 10 người; trong đó, chỉ khoảng 2/3 là đang tham gia hướng dẫn khách, còn lại chỉ làm bán thời gian. So với năm 2016, số lượng HDV tiếng Hàn tham gia hướng dẫn tại Đại Nội tăng 2 người, tổng cộng 7 HDV.
Có mặt tại cổng Đại Nội ngày cuối tuần, chỉ trong một tiếng đồng hồ, có rất nhiều đoàn khách vào tham quan với số lượng ước chừng khoảng vài trăm khách.
Đợi đến cuối ngày, một anh HDV dẫn khách mới dành ít thời gian để trao đổi về công việc hiện tại. HDV này cho biết, lượng khách Hàn Quốc tăng mạnh khoảng 2 năm trở lại, trung bình mỗi ngày dẫn khoảng 10 đoàn khách. "Giờ chỉ sợ không có sức mà hướng dẫn thôi". Hiện tại, HDV này dẫn những đoàn khách lớn, trên 20 người. Một số đoàn ít thì phải ghép 2-3 đoàn lại để dẫn cùng một lúc vì không có HDV. Có ngày khách đông, cả 7 HDV đều bận thì sử dụng HDV của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông qua ngôn ngữ trung gian.
Thu nhập của các HDV tiếng Hàn ở Đại Nội thuộc hạng “đỉnh” so với một lao động đang làm việc ở Huế. Mỗi lần dẫn khách khoảng một giờ đồng hồ sẽ được các doanh nghiệp lữ hành trả 10 USD. Mỗi ngày, những HDV ở Đại Nội có thu nhập không dưới 2 triệu đồng. Khi hỏi, theo quy định, để dẫn khách vào Đại Nội phải có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành? HDV này cho hay: “Thỉnh thoảng mới làm hợp đồng, chứ quen rồi thì chỉ cần đưa khách đến là bọn mình hướng dẫn thôi”.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh văn phòng Sở Du lịch thừa nhận, với số lượng HDV các ngôn ngữ hiếm như hiện nay, nhất là một số thị trường đang tăng trưởng mạnh thì không đáp ứng đủ. Qua các lần kiểm tra, chỉ có tại Đại Nội là có HDV tiếng Hàn, còn các điểm khác như lăng Tự Đức, Khải Định, chùa Thiên Mụ… hoàn toàn không có. Tại các điểm này, khách vào tham quan xong rồi ra chứ ít khi được hướng dẫn.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Huế cho rằng, khách Hàn Quốc rất kén chọn HDV, nếu không có HDV tiếng Hàn, họ cũng không dùng HDV tiếng trung gian. “Chúng tôi biết trên xe của khách Hàn Quốc thường chỉ có một HDV suốt tuyến phía nước họ đi cùng, chứ không có HDV của người Việt. Khi khách vào các điểm tham quan dễ kiểm tra, chứ khi đi trên xe họ làm những gì, hướng dẫn đúng hay sai là khó kiểm soát”, ông Lê Ngọc Sanh nhìn nhận.
Theo Sở Du lịch, ngành biết rõ những tồn tại từ việc thiếu HDV tiếng hiếm, nhưng phải “làm ngơ” bởi vì nội lực của Huế không đủ. Nếu siết chặt, trong lúc đó không thể cung ứng đủ nhu cầu của khách thì ngược lại làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Huế nhiều hơn. Khi đưa lên bàn cân giữa cái được và mất nên có sự “du di” từ phía cơ quan quản lý.
Phải nhanh hơn
Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, ở Đà Nẵng có tận dụng nguồn lực biết tiếng Hàn nhưng không có bằng đại học, họ được qua lớp nghiệp vụ, cấp một thẻ riêng để tham gia hoạt động tại Đà Nẵng và khối liên kết ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Một số tour được các lữ hành hai đầu thực hiện, HDV sẽ đi cùng đến Huế phần nào giảm sức ép cho Huế. Nhưng với lượng khách lớn như hiện nay, chắc chắn vẫn không đủ.
Không chỉ có tiếng Hàn, tiếng Trung và một số tiếng Tây Âu ở Huế còn rất khan hiếm. Hiện tại, Huế chưa phải là điểm đến hàng đầu của dòng khách này. Vài năm tới, khi du lịch biển phát triển hơn thì nhiều khả năng họ sẽ đến Huế. Phải chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ, nhất là HDV tiếng Trung.
Cách đây hơn một năm, khi tình trạng HDV chui “nở rộ” trong khu vực và tại Huế, chúng tôi đã có những góp ý các giải pháp từ các chuyên gia và chính lãnh đạo Sở Du lịch cũng đưa ra rất nhiều giải pháp. Nhưng đến hiện tại, hầu như tất cả các giải pháp đó vẫn đang nằm trên giấy, còn thực tế thì chưa hề triển khai. Như giải pháp liên kết với Trường đại học Ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các sinh viên năm 3, năm 4 được tham gia hướng dẫn và cấp một thẻ ngắn hạn. Giải pháp này dễ triển khai vì tiếng Hàn là một trong 6 thứ tiếng được nhà trường đào tạo, chỉ cần vài cuộc làm việc giữa hai bên là có thể thực hiện.
Lý do được Sở Du lịch đưa ra là ngành không đủ nhân lực để thực hiện. Biên chế của cả sở khá khiêm tốn, trong khi đó có quá nhiều việc quan trọng hơn phải ưu tiên thực hiện. Lãnh đạo ngành cho biết: “Trong kế hoạch vẫn có, nhưng hơn một năm rồi mà việc kết nối với Trường đại học Ngoại ngữ vẫn chưa được triển khai”.
Bên cạnh đó, còn có giải pháp tận dụng nhân lực đã từng đi lao động tại Hàn Quốc tham gia hướng dẫn, thông qua các lớp tập huấn. Sở Du lịch cho rằng, để tham gia hướng dẫn khách quốc tế phải có bằng đại học. Luật Du lịch năm 2017 có nới lỏng hơn, nhưng cũng phải có bằng cao đẳng. Trong khi đó, những lao động này thường không có các bằng cấp như yêu cầu.
Nói như Sở Du lịch là đúng với quy định, nhưng với tình trạng quá thiếu HDV tiếng hiếm như hiện nay, Huế có thể xin một cơ chế riêng miễn sao kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra. Có những ràng buộc và chế tài xử phạt nghiêm đối với những người lợi dụng cơ chế riêng này để làm việc trái quy định. Điều này Đà Nẵng đã làm, Huế cũng có thể thực hiện.
Bài, ảnh: Đức Quang