ClockThứ Tư, 28/02/2024 06:36
CUỘC ĐUA THU HÚT NGƯỜI HỌC:

Thay đổi để đáp ứng nhu cầu - Kỳ 1: Loay hoay với bài toán thu hút sinh viên

TTH - Mùa tuyển sinh mới đã bắt đầu, các trường đại học lại bước vào “cuộc đua” để thu hút người học. Trong khi nhiều trường tự tin bước vào mùa tuyển sinh mới, thì còn đó những nỗi lo lắng đối với không ít trường, ngành đào tạo.

Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho gần 200 sinh viênKhuyến khích, động viên tân sinh viên với nhiều học bổngĐo lường sự hài lòng của sinh viên với dịch vụ giáo dụcKhông ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp: Sinh viên, doanh nghiệp nói gì?

Trong khi nhiều trường, khoa trực thuộc Đại học Huế ghi nhận tuyển sinh đầu vào đang rất tốt, thì một số trường, hay ngành học cơ bản vẫn loay hoay để tuyển sinh đầu vào.

 Để thu hút người học, đầu ra luôn được các trường tập trung để triển khai

Qua giai đoạn khó khăn

Nhìn lại bức tranh tuyển sinh của hơn 3 năm trở về trước và mùa tuyển sinh gần nhất, ngay cả những người trong cuộc có những cái “thở phào”, vì đại đa số các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Huế đã ghi nhận tỷ lệ sinh viên nhập học ở mức cao. Tính tổng cả Đại học Huế, trong mùa tuyển sinh năm 2023 có khoảng 12.000 thí sinh nhập học, đạt gần 90% chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là con số rất cao so trung bình chung của cả nước, khoảng 80,8%.

Trong năm 2023, có trường trong Đại học Huế chỉ tuyển sinh đợt 1 đã đủ chỉ tiêu đề ra, chứ không phải tiến hành tuyển bổ sung đợt 2, hay đợt 3 như các năm trước đó. Như tại Trường đại học Luật tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu thì có tỷ lệ nhập học lên đến 100%. Bên cạnh đó, một số trường có tỷ lệ tuyển sinh bổ sung cũng rất thấp, như Trường đại học Kinh tế chỉ tuyển thêm 65 chỉ tiêu so với chỉ tiêu ban đầu 2.490; Trường đại học Y – Dược tuyển thêm 106 chỉ tiêu so với 1.600 chỉ tiêu ban đầu.

 Doanh nghiệp đến tận trường để tuyển dụng lao động liên quan đến chăn nuôi

Theo PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường đại học Luật, Đại học Huế, cũng như nhiều trường khác, trường cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn trong tuyển sinh đầu vào. Để đạt được kết quả như hiện tại là một quá trình để được người học tin tưởng. Hiện nay, chỉ cần các thao tác trên mạng thì có thể biết tất cả chương trình đào tạo, nên nhà trường tổ chức các đoàn đi tư vấn trực tiếp từ Hà Tĩnh vào đến tận Phú Yên. Đây là thị trường tuyển sinh chính của nhà trường. Quá trình tư vấn làm sao đó để cho người học biết được quá trình đào tạo, gắn kết lý luận và thực tiễn như thế nào, những vị trí việc làm sau này ra trường...

“Hành nghề luật sư, công chứng, pháp chế… đặc biệt là với doanh nghiệp hiện nay rất cần những vị trí việc làm am hiểu về luật để tư vấn, vận hành doanh nghiệp đúng quy định. Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành luật là rất cao. Tuy nhiên, không vì thế nhà trường chủ quan mà phải tiến hành khảo sát liên tục tỷ lệ sinh viên sau ra trường, nhu cầu của xã hội. Từ đó, thay đổi chương trình đào tạo, thị trường đang cần gì thì phải đáp ứng. Cùng với đó, học bổng khuyến khích đối với sinh viên khi nhập học của trường đang ở mức cao nhất trong Đại học Huế, đó là một trong yếu tố thêm thu hút các em học lực tốt vào trường”, PGS.TS. Đoàn Đức Lương đánh giá.

Nghịch lý nông - lâm - ngư

Trong khi các trường ghi nhận sự chuyển biến theo xu hướng tích cực trong tuyển sinh thì tại Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế “chật vật” suốt bao năm qua để thu hút người học, đến nay chưa có dấu hiệu khả quan. Nghịch lý được chỉ ra với trường này là công tác kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo rất tốt; là trường có chương trình đào tạo đạt chuẩn nhiều nhất trong Đại học Huế; nhu cầu việc làm của xã hội rất lớn, có mức lương cao. Tại ngày hội việc làm năm 2023 tại trường, có đến 37 công ty, doanh nghiệp về tuyển dụng với hơn 2.700 vị trí việc làm và có 5 doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng không giới hạn. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp chỉ hơn 1.000. Như vậy, trung bình mỗi sinh viên tốt nghiệp có đến có 2,7 cơ hội việc làm, nhất là trong ngành nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Đặng Thanh Hiền, Giám đốc đối tác nhân sự ngành Feed & Aqua, Công ty CP Greenfeed Việt Nam thông tin, ở tập đoàn Greenfeed, tổng số nhân viên trong lĩnh vực feed và farm (thức ăn và trang trại) là hơn 2.500 người, thì có đến 35% là cựu sinh viên của Trường đại học Nông Lâm. Một con số khác là đối với quản lý cấp trung trở lên tại Greenfeed Việt Nam, có sự đóng góp khoảng 60% cựu sinh viên nhà trường. Đối với vị trí tổng ngành, vị trí quan trọng nhất của tập đoàn thì cũng có 2 người là cựu sinh viên của trường. Đó là bức tranh toàn cảnh để nói lên nhu cầu việc làm đối với ngành thiết yếu như nông nghiệp, chăn nuôi và khẳng định chất lượng đào tạo của trường đang ở “top” hàng đầu của cả nước về khối ngành này.

Vậy mà, tuyển sinh của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đi ngược lại với nhu cầu công việc, dù  điểm xét tuyển hầu hết chỉ ngang mức điểm sàn. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.330 thí sinh, nhập học là hơn 800; năm 2023, chỉ tiêu là 1.400 sinh viên thì nhập học còn thấp hơn năm 2022, khi chỉ 783 sinh viên.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường đại học Nông Lâm lý giải, tâm lý không thích học nông lâm của người học và người nhà là nguyên nhân cơ bản nhất. Nguyên nhân này bị tác động bởi nhiều nhân tố. Quy mô gia đình ít con, cho rằng học các ngành nông nghiệp sẽ vất vả; xét về những thí sinh có mức điểm ngang với trường, giới trẻ định hướng các ngành học có tiếng vang hơn, như công nghệ thông tin, kinh tế…; tác động nữa là khu vực Bắc Trung Bộ là thị trường sinh viên chính của trường thì nhiều em học xong THPT chọn con đường xuất khẩu lao động. Tại Nghệ An, có những năm chỉ có 40% học sinh tốt nghiệp THPT xong tiếp tục học đại học. Một nguyên nhân mang tính chủ quan là khả năng phân luồng và định hướng cho học sinh THPT của nhà trường chưa được tốt.

Ngành cơ bản “chật vật” tìm người học

Tại Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, bên cạnh những ngành thu hút được sinh viên, thì rất nhiều ngành khác lại tiếp tục “chật vật” tìm sinh viên. Đầu tiên phải kể đến các ngành học cơ bản. Theo lãnh đạo nhà trường, bên cạnh một số ngành như công nghệ thông tin, báo chí, kiến trúc thì quả thật những ngành cơ bản như tổng hợp toán, hóa, lý, văn, sử… đang rất khó tuyển sinh. Có một số ngành chỉ tuyển vài sinh viên để duy trì ngành học. Thậm chí, có nhiều ngành buộc dừng tuyển sinh.

ThS. Đỗ Diên, Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường đại học Khoa học cho biết, việc tuyển sinh khó đối với ngành cơ bản dẫn đến vòng luẩn quẩn, thu hút sinh viên khó thì không có nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, khi khó về cơ sở vật chất thì lại khó về tuyển sinh. Đối với ngành cơ bản, việc kén người học còn vì chương trình học rất khó. “Quan điểm của trường, các ngành cơ bản là nền tảng của giáo dục, nên trường sẽ tiếp tục duy trì. Giải pháp là mở những ngành mới để đáp ứng nhu cầu. Tăng cường tuyển sinh những ngành có thế mạnh để đóng vai trò “gánh” cho những ngành cơ bản”, ThS. Đỗ Diên nêu giải pháp.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Thanh tra và Pháp chế, Đại học Huế cho biết, thực tế đối với đào tạo ngành cơ bản hiện nay nhu cầu việc làm trong xã hội không có. Sau ra trường, sinh viên không tìm được việc làm đúng với chuyên môn. Đây là thực tế chung của toàn quốc, chứ không phải riêng Đại học Huế. Trên thế giới, hiện đang rất chú trọng đến ngành cơ bản, xu hướng trong tương lai, ngành cơ bản trong nước sẽ có vị trí xứng đáng. Đào tạo ngành cơ bản phải hướng đến nguồn lao động tinh túy, chứ không phải số lượng, ở những vị trí việc làm quan trọng. Chẳng hạn như đào tạo tổng hợp toán sẽ làm những viện nghiên cứu, ngân hàng… khác với đào tạo trong ngành sư phạm là đào tạo nghề, người giáo viên chỉ chuyên đi dạy.

“Hiện, các trường kêu gọi học bổng, chính sách miễn giảm học phí để thu hút sinh viên. Song đó chỉ là riêng lẻ của từng trường, mang tính tạm thời. Căn cơ nhất là có một chính sách vĩ mô chung, đào tạo theo dạng đơn đặt hàng. Khi đó mới thúc đẩy môi trường đào tạo tốt, sinh viên ra trường làm việc đúng ngành nghề”, TS. Nguyễn Công Hào cho hay.

Một lĩnh vực cũng vô cùng khó khăn để tăng tỷ lệ tuyển sinh là khối các ngành nghệ thuật, đặc biệt là hai ngành hội họa và điêu khắc. Năm 2023, chứng kiến sự tuyển sinh tăng ngoạn mục của Trường đại học Ngoại ngữ sau bao năm khó khăn, gấp đôi năm 2022. Song đối với những ngành như hội họa và điêu khắc vẫn còn gặp khó. Tuyển sinh năm 2023, ngành hội họa lấy 12 chỉ tiêu và ngành điêu khắc lấy 5 chỉ tiêu. Kết quả, ngành hội họa tuyển được hơn 5 thí sinh, riêng với ngành điêu khắc chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.

Kỳ 2: Thay đổi cách tiếp cận và vận hành như doanh nghiệp

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top