Du khách mang khẩu trang y tế khi tham quan di sản Huế
Tập trung cho công tác phòng chống
Chiều 5/2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức buổi họp trực tuyến với các hiệp hội thành viên để tăng cường các giải pháp phòng dịch bệnh tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp, đội ngũ hướng dẫn viên, điểm du lịch; đồng thời bàn các giải pháp khắc phục các thiệt hại, sớm phục hồi hoạt động, kinh doanh du lịch tại các địa phương.
Trao đổi tại buổi họp, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, trong tất cả các ngành kinh tế, du lịch được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Một số địa phương thu hút lượng lớn khách Trung Quốc như, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa phải chịu thiệt hại vô cùng lớn. Dù vậy, đây không phải là thời điểm than khó khăn mà du lịch mỗi địa phương phải chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại nhất có thể.
Thông tin từ ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thì nhiều tour tuyến tại Huế đã bị hủy từ nay đến hết tháng 3/2020. Các tour du lịch về hội nghị, hội họp đã bị hủy hoàn toàn. Còn đối với các khách sạn, khoảng 10% số phòng ngủ đã bị hủy, khả năng những ngày tới sẽ còn tăng hơn.
Ông Thắng khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch Huế rất chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các khách sạn đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, để chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống hữu hiệu cho đơn vị mình; cung cấp miễn phí khẩu trang y tế thường xuyên cho du khách và cho nhân viên để tự bảo vệ lây nhiễm, phun thuốc vệ sinh phòng dịch trong đơn vị và môi trường xung quanh, trang bị máy đo thân nhiệt cá nhân để kiểm tra cho du khách sử dụng lúc cần thiết và cho nhân viên trước khi vào ca làm việc…
Dù thế, các khách sạn, công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch đang cần có được sự hỗ trợ của ngành y tế trong việc tập huấn về kinh nghiệm, các biện pháp xử lý tình huống, kịp thời ứng phó khi có khách bị nghi lây nhiễm virus. Về nguồn cung cấp khẩu trang y tế, hiện nay những khách sạn cung cấp miễn phí cho du khách trung bình từ 200 đến 300 cái mỗi ngày. Trong khi trên thị trường rất khan hiếm, không đủ cung cấp nên phải rất khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng và chấp nhận với giá cao.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh trao đổi tại buổi họp trực tuyến
Sớm có phương án phục hồi
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, khả năng trong ít ngày tới, dịch bệnh sẽ lên đỉnh điểm, sau đó có thể sẽ được khống chế dần. Tất cả ngành du lịch, doanh nghiệp các địa phương cần sớm có phương án khắc phục, phục hồi hoạt động du lịch ngay sau dịch. Nếu không sẽ rất bị động, việc “vực” dậy ngành du lịch, hoạt động kinh doanh sẽ càng khó.
Theo ông Bình, doanh nghiệp các địa phương phải đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ, tour tuyến. Tăng cường công tác quảng bá về điểm đến an toàn sau khi hết dịch. Có giải pháp kích cầu, thúc đẩy thu hút nguồn khách nội địa. Cũng từ đợt dịch bệnh này, ngành du lịch cần được đánh giá lại, nhất là về thị trường, cần phải đa dạng thị trường và luôn có những thị trường thay thế, nếu chỉ phụ thuộc vào một thị trường sẽ ảnh hưởng lớn đến du lịch khi có sự cố xảy ra.
Về phía Huế, ông Đinh Mạnh Thắng cho biết, cùng với việc phòng chống dịch bệnh, các công ty lữ hành, khách sạn đang thống kê những thiệt hại do khách hủy tour, hủy phòng, chủ động nghiên cứu để đưa ra những gói kích cầu để giữ chân khách, tìm thị trường để khai thác thêm các nguồn khách,… Đồng thời, đang nghiên cứu các giải pháp, phương án, chính sách nhằm nhanh chóng khôi phục lại hoạt động du lịch ngay khi dịch kết thúc.
“Trước mắt, ngành du lịch Huế sẽ tiếp tục chăm sóc tốt du khách, đem lại sự yên tâm, an toàn cho du khách. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh càng phải gắn bó, đồng hành và cùng chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm của mình để vượt qua những thời điểm khó khăn này. Cùng nhau tạo nên môi trường làm việc, phục vụ khách rất thân thiện, an toàn với đầy trách nhiệm và sự tin cậy cho khách du lịch”, ông Đinh Mạnh Thắng mong muốn.
Ngày 3/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công điện số 396/CĐ_BVHTTDL về việc tăng cường phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Theo đó, yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Ngày 4/2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có Văn bản số 11/CV-HHDLVN gửi Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với kiến nghị của một số địa phương, doanh nghiệp du lịch về việc đề xuất điều chỉnh quy định trên. Chiều 4/2, Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này, hiện nay chưa cần phải đóng cửa các điểm di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Vì vậy, các điểm di tích ở Huế vẫn đón khách tham quan bình thường, đến khi có thông báo mới.
|
Bài, ảnh: Đức Quang