Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh
Việc mở rộng diện tích TP. Huế đánh dấu giai đoạn mới, tạo ra cơ hội phát triển của tất cả ngành kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Riêng với ngành du lịch sẽ có 5 cơ hội khi thành phố được mở rộng. Trước hết, mở rộng không gian thành phố đi kèm với mở rộng phát triển không gian du lịch.
Thứ hai, khi đã trở thành đô thị, nguồn lực để đầu tư hạ tầng sẽ được ưu tiên hơn, tương xứng với phát triển thành phố, khi đó, việc kết nối với các điểm tham quan du lịch thuận lợi.
Thứ ba, với các điểm tham quan, sản phẩm du lịch tại các huyện, thị xã lâu nay đang còn manh mún sẽ có cơ hội thu hút khách dựa trên những đầu tư, kết nối tốt hơn, từ đó, làm phong phú hơn sản phẩm cho du lịch Huế.
Thứ tư, giúp các điểm du lịch mới dễ thu hút đầu tư, bởi khi đã lên thành phố hạ tầng phát triển và niềm tin về sự phát triển sẽ cao hơn. Chẳng hạn như các điểm du lịch Rú Chá, đầm Chuồn, lâu nay thuộc địa giới của cấp huyện, thị xã, nay trở thành thành phố chắc chắn nhà đầu tư sẽ tin tưởng cơ hội sinh lợi cao khi đầu tư, sản phẩm khi xây dựng cũng dễ thu hút khách.
Cơ hội thứ năm, khi thành phố mở rộng, buộc chính quyền phải lớn, mạnh hơn, việc quản lý về du lịch và hợp tác phát triển các địa phương, ban ngành đòi hỏi phải tốt hơn.
Cơ hội luôn đi đôi với thách thức, vậy có những trở lực gì đối với ngành du lịch khi thành phố được mở rộng - thưa ông?
Thời gian để thực hiện mở rộng TP. Huế không dài. Giai đoạn 1 chỉ có 5 năm mà phải có hạ tầng tốt, cơ sở vật chất, giao thông… khi đó mới tạo tiền đề cho giai đoạn 2 bứt phá và phát triển theo chiều sâu. Do đó, để làm được phải có nguồn lực để đầu tư, đặc biệt là hạ tầng cơ sở, kết nối các điểm du lịch. Cần có cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư nói chung và về du lịch nói riêng. Chẳng hạn như ở Rú Chá, khi đã lên thành phố, nhà đầu tư đến liệu sẽ có mức thuê đất với mức như khi còn là địa giới cấp huyện như trước, hay cao hơn, cũng cần tính toán để có cơ chế phù hợp.
Theo ông cần làm gì để khắc phục khó khăn trên?
Phát triển du lịch lâu nay của TP. Huế đang còn rất bị động. Do đó, vấn đề tiên quyết cho sự phát triển bền vững, tránh manh mún và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chính là phải có quy hoạch tổng thể thành phố mới. Việc quy hoạch tổng thể không tách rời với quy hoạch du lịch, các quy hoạch khác và tất cả các ngành cùng vào cuộc để xây dựng một quy hoạch thống nhất, tránh những vướng mắc khi các ngành chưa có sự liên thông với nhau.
Thành phố Huế sẽ mở rộng gấp 5 lần trong tương lai (Trung tâm TP. Huế nhìn từ trên cao)
Trong quy hoạch này, cần có quy định về mật độ và hạ tầng. Phải nghiên cứu thế mạnh từng vùng, từng khu vực để phát huy thế mạnh của từng vùng đó. Chẳng hạn, hướng về biển, phải tập trung các điểm có thế mạnh về du lịch. Quy hoạch cụ thể về xây dựng, hạ tầng giao thông kết nối và đặc biệt quy hoạch các sản phẩm được ưu tiên là đầm phá, biển, nghỉ dưỡng.
Một yếu tố quan trọng là phải thu hút các nhà đầu tư. TP. Huế sẽ không tự phát triển khi không có nhà đầu tư. Lấy ví dụ như ở Quảng Ninh, Đà Nẵng thời gian qua, sự phát triển là nhờ các nhà đầu tư bên ngoài, các tập đoàn lớn. Vì thế, thành phố mới phải có cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn như: Vingroup, BRG, Sungroup, FLC, xem như những con “sếu đầu đàn”. Có như thế, thành phố mở rộng sẽ có thêm tiềm lực, động lực để phát triển.
Ông đã nói về phát triển theo hình cánh quạt. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Việc xác định thế mạnh các vùng, khu vực trọng điểm để phát triển là vô cùng quan trọng. Tập trung phát triển về hai bên bờ sông Hương là đúng, song song với đó nên tập trung phát triển TP. Huế như một cánh quạt, lấy Kinh thành Huế hiện tại để làm trung tâm. Khi xòe cánh quạt ra, khu vực tập trung phát triển theo hình cánh quạt là về phía sân bay và biển. Sự phát triển điểm đến mới không thể tách rời sân bay và sản phẩm du lịch biển. Do đó, Huế cần nghiên cứu và hình thành 3 tuyến đường lớn, để kết nối 3 điểm này với nhau tốt hơn, dòng khách được lưu thông thuận lợi hơn.
Khu vực trung tâm thành phố hiện tại và ngược hướng lên thượng nguồn sông Hương cần giữ nguyên để bảo tồn di sản, văn hóa. Hướng phát triển sẽ là thành phố di sản, cảnh quan, nơi để thăm thú cho du khách.
Khi mở rộng không gian đô thị, những sản phẩm du lịch mới của Huế có thể là gì, thưa ông?
Huế đang bão hòa về di sản văn hóa và thiếu những sản phẩm mà thị trường cần. Đó là nơi vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển, cuộc sống sôi động để trải nghiệm, sự đa dạng văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Từ tiềm năng mà TP. Huế khi mở rộng và nhu cầu của khách, ngoài du lịch di sản, Huế cần phát triển du lịch gắn với đầm phá, khu nghỉ dưỡng ven biển, hệ thống sân golf, vui chơi giải trí, vui chơi trên biển, du lịch thể thao… TP. Huế cũng sẽ gần hơn với đầm Cầu Hai, phá Tam Giang và các khu nghỉ dưỡng Vinh Thanh, Vinh Xuân. Hình thành được chuỗi sản phẩm này sẽ nâng vị thế của Huế cao hơn trong việc thu hút khách; mức chi tiêu của khách sẽ cao hơn và quan trọng hơn là kéo dài thời gian lưu lại ở Huế.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)