ClockThứ Bảy, 30/05/2020 23:19

Cùng “bắt tay” để hỗ trợ phục hồi du lịch

TTH.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, liên kết hợp tác phát triển là vấn đề “sống còn” đối với hoạt động du lịch. Điều đó càng được thể hiện rõ trong giai đoạn phục hồi du lịch thời kỳ hậu dịch COVID-19 như hiện nay.

Cùng doanh nghiệp vượt khó“Du lịch an toàn - Sẵn sàng đón khách”Cần nhà đầu tư có tâm và tầmThú vị phiên chợ vùng cao A LướiASEAN cân nhắc tạo “bong bóng du lịch” để kích cầu ngành du lịchTìm cách gỡ khó dịch vụ vận chuyển đến Huế

Du khách đến nghỉ dưỡng tại Huế trong tháng 5/2020

Chiều 30/5, tại trụ sở UBND tỉnh, diễn ra lễ ký kết và công bố chương trình hành động phục hồi, phát triển du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong bối cảnh mới; đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch chung của ba địa phương.

Liên kết phải mạnh mẽ hơn

Ðến nay, Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Chính sự liên kết này đã giúp các địa phương có sự liên thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cho du khách, cũng như chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Theo số liệu thống kê của các Sở quản lý Du lịch ba địa phương, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam lần lượt là 2,63 triệu lượt – 5,16 triệu lượt - 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu lượt – 3,52 triệu lượt – 4,66 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu và trong nước, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Lượng khách đến ba địa phương trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ, hơn 95% lao động trong ngành bị ảnh hưởng…

Mặc dù dịch bệnh ở trong nước cơ bản được kiểm soát, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các thị trường khách quốc tế còn đóng cửa. Theo dự báo từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Từ dự báo này cũng như qua các khảo sát đánh giá và thực tế gần đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất, tập trung vào vấn đề làm thế nào để kích cầu du lịch nội địa, để du lịch nội địa bù đắp được cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế, giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Và liên kết, hỗ trợ nhau là giải pháp quan trọng.

Phát biểu khai mạc tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, liên kết hợp tác phát triển là vấn đề “sống còn” đối với hoạt động du lịch. Điều đó càng thể hiện rõ trong giai đoạn phục hồi du lịch thời kỳ hậu dịch COVID-19 hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương phải tỏ rõ quyết tâm, phải thật sự vào cuộc với tinh thần hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu khai mạc lễ ký kết

“Chúng ta sẽ cùng nắm tay nhau, đoàn kết hợp tác để đưa sự nghiệp du lịch của 3 địa phương nói riêng và của cả nước nói chung vượt qua khó khăn thời kỳ dịch bệnh, phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Thiết lập “tam giác” phát triển du lịch

Nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung, ngành du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế và phát triển du lịch của cả nước, là điểm kết nối quan trọng và là động lực phát triển liên kết du lịch giữa các vùng.

Tại lễ ký kết, các đại biểu đánh giá, ba địa phương là nơi có nhiều di sản, thắng cảnh, được thiên nhiên ưu ái ban tặng đường bờ biển dài tuyệt đẹp, những bãi cát trắng mịn và không khí trong lành… là những điều kiện để khai thác các dịch vụ đang được đánh giá được khách nội địa lựa chọn cho du cầu đi du lịch của mình.

Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã và sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế với hình thức, nội dung thể hiện sâu sắc nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương. Đây là những thế mạnh so sánh để ba địa phương liên kết, tận dụng những thế mạnh riêng cùng xây dựng các sản phẩm, tour tuyến có tính hỗ trợ. Tăng tính hấp dẫn để thu hút khách nội địa trong thời gian đến. Hướng đến hình thành “tam giác” du lịch trong bối cảnh mới.

Lãnh đạo ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực du lịch

“Điểm đến an toàn và mến khách”

Theo đó, ba địa phương cùng ký liên kết với thông điệp chung là “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách”. Hướng đến tăng cường hợp tác giữa chính quyền của ba tỉnh, thành trong vai trò chỉ đạo, kết nối các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến. Các chương trình kích cầu với mức ưu đãi tốt được triển khai rộng khắp, nhưng đồng thời cũng đảm bảo các tiêu chí an toàn ở mức cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của cả khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho biết, về phía cơ quan quản lý ba địa phương sẽ tạo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch; có chính sách ưu đãi khuyến mãi tốt cho du khách và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến ba địa phương; cùng thống nhất kế hoạch hành động tại các thị trường nguồn khách trong và ngoài nước; cùng xây dựng và kết nối các sản phẩm có giá trị riêng và chung của mỗi địa phương để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm “Ba địa phương - Một điểm đến”; thống nhất nội dung truyền thông, quảng bá du lịch chung cho cả ba địa phương trên các kênh thông tin, truyền thông của Trung ương và các địa phương.

Để cụ thể hóa các ký kết tốt hơn, Hiệp hội Du lịch ba địa phương cũng đã thống nhất hưởng ứng thực hiện chương trình kích cầu; cam kết sẽ vận động, hỗ trợ, giám sát các doanh nghiệp hội viên thực hiện các cam kết về an toàn đối với khách du lịch, thực hiện tốt các quy định về hoạt động du lịch an toàn trong phòng chống dịch theo Bộ tiêu chí của Tổng cục Du lịch và của các địa phương. Xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới hấp dẫn vừa phát huy tiềm năng du lịch của địa phương vừa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách.

Lãnh đạo ba địa phương cũng thông tin, thời gian triển khai chương trình kích cầu du lịch chung từ ngày 01/06 đến ngày 30/09/2020, sau đó sẽ tổ chức đánh giá và có kế hoạch kích cầu tiếp theo. Quá trình triển khai nội dung đã ký kết sẽ thường xuyên duy trì đối thoại giữa lãnh đạo các bên nhằm tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Ba địa phương thống nhất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động, trong đó 3 đồng chí lãnh đạo các địa phương là đồng Chủ tịch, cùng một số thành viên ban ngành liên quan của các địa phương. Giao Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của ba địa phương làm đơn vị đầu mối, tham mưu nội dung kế hoạch hành động và thực hiện triển khai.

Tại lễ ký kết, Hiệp hội Du lịch ba địa phương lần lượt ký kết với 7 đối tác lớn về vận chuyển, lưu trú, lữ hành để có những gói kích cầu, khuyến mãi hấp dẫn, thêm phần thu hút khách đến ba địa phương.

 Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

Ngày 30/11, Hội đồng Lâm thời (HĐLT) họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội đại biểu họ Ngô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để đánh giá, nhìn lại những đóng góp, cống hiến của dòng tộc.

Nhiều cống hiến của họ Ngô ở Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top