Với mục tiêu hoàn thành kế hoạch đón 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay cùng các chỉ số tăng trưởng khác mà Chính phủ giao, ngành du lịch đang nỗ lực triển khai các giải pháp để quảng bá, xúc tiến điểm đến và thu hút khách quốc tế.
Tính đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Hoạt động kinh doanh lữ hành góp phần quan trọng vào việc đón 9,45 triệu khách quốc tế của toàn ngành du lịch. Tuy nhiên ngành du lịch vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để cùng với các ngành kinh tế khác đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay mà Chính phủ đã đề ra.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ Trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: "Hoạt động lữ hành tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề cần được khắc phục sớm như: thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép để kinh doanh lữ hành và làm hướng dẫn viên trái phép ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch; hiện tượng doanh nghiệp lữ hành cạnh tranh không lành mạnh; tình trạng giả mạo hồ sơ giấy tờ để được cấp thẻ hướng dẫn viên; tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại các điểm đến, đặc biệt là một số thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường tiếng hiếm".
Trong số hơn 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay còn có những đối tượng khách du lịch MICE (khách hội nghị, hội thảo, khen thưởng kết hợp du lịch), thăm thân... (Ảnh minh họa/TTXVN)
Theo các chuyên gia du lịch, trong quý III/2017, mặc dù ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tình hình bão lũ vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Nếu du lịch tăng 13% thì góp được 1% vào chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% GDP của nền kinh tế.
Để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng này, ngành du lịch phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng khách quốc tế ít nhất là 30% , thu hút 13 triệu khách quốc tế trong năm nay. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các đơn vị kinh doanh du lịch phải thu hút được 3,7 triệu khách, tức mỗi tháng phải có được 1,2-1,3 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Hà Nội cho rằng, để tăng lượng khách, điều quan trọng là phải mở thêm các đường bay thẳng đến Việt Nam. Đường bay thẳng thuận tiện về thời gian và giá cả cạnh tranh sẽ thu hút nguồn khách tốt hơn. Bên cạnh đó, thủ tục xét, cấp thị thực cũng là yếu tố để kích cầu du lịch.
"Sản phẩm của chúng ta ở đây vẫn là mạnh ai người đấy làm. Trong khi đó, các sản phẩm của du lịch được cấu thành từ rất nhiều phần dịch vụ khác. Nếu kết hợp được một tổng hợp giữa vai trò của Tổng cục đứng lên làm người kết nối thì giá thành được giảm hơn và bổ trợ cho nhau. Đây là cũng là cách giảm giá thành thu hút được thêm khách.
Đồng thời, nên có kế hoạch chính sách miễn visa thêm cho các thị trường khác và kéo dài" - ông Nguyễn Tiến Dũng nói thêm.
Thực tế cho thấy, việc miễn visa hoặc cấp visa điện tử đã thúc đẩy thu hút khách tới Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian miễn visa cho những thị trường xa như thị trường châu Âu cần kéo dài hơn (đề nghị miễn 30 ngày và trong 5 năm). Trong số hơn 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay còn có những đối tượng khách du lịch MICE (khách hội nghị, hội thảo, khen thưởng kết hợp du lịch), thăm thân... nên cần tổ chức cho các ngành khác cùng phát động thu hút khách thì sẽ hiệu quả hơn.
Vì vậy, nên tập trung khai thác những thị trường tiềm năng như Ấn Độ và Trung Đông, kết nối các đường bay thẳng để thu hút khách đến Việt Nam.
9 tháng qua, đã có 9,45 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và 57,9 triệu lượt khách du lịch nội địa
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist (TP.HCM) cho biết, trong điều kiện cần bứt phá thì cần có chính sách ổn định giá hoặc có ưu đãi. Cần chi tiêu tại chỗ của khách từ các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm.
Cũng theo anh Tài: "Chúng ta cần xây dựng và đưa ra rất nhiều sản phẩm khác nhau phù hợp với từng thị trường và từng đối tượng nhu cầu của khách hàng, đáp ứng được xu thế về du lịch hiện nay ở trên thị trường trong nước và quốc tế. Chú trọng đảm bảo về chất lượng dịch vụ khách hàng, quảng bá xúc tiến để làm sao phát triển được thương hiệu. Nghiên cứu phát triển những cái mới về thị trường, sản phẩm, dịch vụ cũng như là loại hình kinh doanh mới liên quan đến du lịch và lữ hành".
Bà Vũ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, cần có chính sách hỗ trợ về giá để tạo lợi thế cạnh tranh về sản phẩm của Việt Nam tại các Hội chợ, roadshow…
"Chúng ta cần những gói sản phẩm bao gồm cả nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch. Làm sao gói sản phẩm này đủ sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế cũng như du khách nội địa ở các vùng đến với Hà Nội. Để xây dựng được xây dựng sản phẩm đấy phải có sự phối kết hợp giữa nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, xe vận chuyển.
Các cấp chính quyền hỗ trợ để tạo ra cơ chế chính sách phù hợp như miễn visa. Có những thị trường nên miễn đơn phương trong khoảng thời gian để khách cảm thấy có nhu cầu vào Việt Nam và chúng tôi sẽ đón nhận được nguồn khách như thế" - bà Vũ Thị Thu Hằng chia sẻ.
9 tháng qua, đã có 9,45 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và 57,9 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 376.000 tỷ đồng, tăng 26,5 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này là nhờ sự đóng góp, nỗ lực lớn của các doanh nghiệp lữ hành trong vai trò kết nối, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của ngành du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Theo VOV