Sân bay là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch
Chưa đáp ứng
Trong buổi gặp gỡ, đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch Huế, một số chuyên gia phân tích, sự phát triển của điểm đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sản phẩm, chất lượng dịch vụ, con người…; trong đó, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật là yếu tố then chốt, nhất là hạ tầng giao thông. Các chuyên gia đưa ra dẫn chứng, một số điểm đến của Huế rất tiềm năng, độc đáo, như Bạch Mã, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai… đã thu hút được khách, nhưng số lượng chưa nhiều. Không phải khách không lựa chọn các điểm đến này mà chính cơ sở vật chất không thể đáp ứng được nhu cầu đó, thiếu nơi lưu trú, thiếu dịch vụ ăn uống, xe trọng tải lớn không tiếp cận được điểm cuối…
Kết nối giữa TP. Huế và Thuận An được định hướng, mục tiêu rất rõ là góp phần giữ chân khách bằng sự hỗ trợ nhau giữa hai sản phẩm, tham quan di sản và nghỉ dưỡng biển, nhưng đến nay sự kết nối này vẫn chưa được tốt. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Gám đốc Sở Du lịch phân tích, giao thông kết nối giữa hai điểm chưa thuận lợi; cơ sở hạ tầng ở Thuận An không tốt, chưa có nhiều điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn, khách về Thuận An chủ yếu là để tắm biển và ăn uống.
Tôi từng có dịp vào khảo sát các mô hình du lịch ở miền Tây Nam bộ và rất ấn tượng với những trạm dừng chân ở các tỉnh nơi đây. Xe chạy khoảng 30-40km thì dừng lại để khách nghỉ ngơi khoảng 10 -15 phút. Trạm dừng chân này có diện tích rất rộng, kết hợp nhiều dịch vụ; trong đó, có bán đủ loại đặc sản của miền Tây Nam bộ và giá cả rất phải chăng. Chẳng cần phải vào các trung tâm mua sắm lớn, chỉ cần dừng lại đây du khách đã mua được đủ loại mặt hàng mang về nhà làm quà. Nhìn lại ở Huế, khoảng cách giữa Huế và Đà Nẵng 70km, với chiều dài này, có một trạm dừng chân là rất cần thiết. Hay khoảng cách giữa Huế và Quảng Trị, Huế và Quảng Bình cũng rất cần thiết có một điểm dừng (ở huyện Phong Điền chẳng hạn).
Về cơ sở hạ tầng của dịch vụ lưu trú, Huế đang thừa các cơ sở bình dân và thiếu các cơ sở cao cấp. Hiện nay, Huế có 155 khách sạn được cấp sao; trong đó, khách sạn 3-5 sao chỉ chiếm 1/5 số lượng. Sở Du lịch cho biết, thời gian gần đây, công suất sử dụng phòng ở các khách sạn cao sao luôn đạt 80-90%, có đợt đạt 100%. Trong định hướng phát triển dịch vụ lưu trú, cần xác định rõ xu hướng và nhu cầu của khách. Khách đang dần chọn khách sạn chất lượng, dịch vụ tốt. Có định hướng tốt cũng là giải pháp nâng mặt bằng giá dịch vụ lưu trú ở Huế trong tương lai.
Tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Cao đánh giá, trong những khó khăn của du lịch Huế thì sân bay chính là “nút thắt” lớn nhất. Công suất của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài là 1,5 triệu lượt khách/năm, nhưng đến cuối năm 2017, công suất đã đạt 1,8 triệu, chưa kể số khách không có chuyến phải đáp xuống ở Đà Nẵng. Do đã quá tải thì rất khó để mở thêm các chuyến bay, tăng tuần suất bay.
Sân bay sẽ được nâng cấp và lượng khách đến Huế bằng đường hàng không sẽ tăng
Sẽ gỡ từng nút thắt
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, “nút thắt” lớn nhất sẽ được gỡ trong năm 2018 này. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành vừa “xông đất” Huế đầu năm 2018 và đồng ý chủ trương nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, bao gồm các hạng mục nhà ga, sân đỗ, đường lăn và nghiên cứu nâng cấp cả đường cất, hạ cánh. Bộ Giao thông và Vận tải thông báo, tháng 8/2018 chính thức khởi công nâng cấp. Khi sân bay được mở rộng, bầu trời “mở cửa”, các hãng lữ hành sẽ đến, những đường bay mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc sẽ được mở. Huế chắc chắn sẽ đón khách nhiều hơn.
Theo ông Lê Hữu Minh, thời gian đến, nhiều cơ sở hạ tầng du lịch khác cũng được nâng cấp, mở rộng, nhất là hạ tầng để đấu nối các con đường để tiếp cận các điểm du lịch. Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến Thuận An của tuyến đường Tự Đức - Thuận An. Không chỉ kết nối giao thông đường bộ từ TP. Huế về biển Thuận An mà cả Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển lân cận để gắn du lịch di sản với du lịch biển; đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch khu du lịch quốc gia đang lập quy hoạch Lăng Cô - Cảnh Dương.
Cảng Chân Mây sẽ có quy mô hơn khi các dự án được triển khai xong. Hiện, Hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise đã tiếp tục đầu tư mở rộng cầu cảng số 1, tàu lớn 5.000 khách sẽ cập cảng, trước đây tàu lớn nhất là 3.500 khách. Cảng số 2 khởi động trong quý I, năm 2018; bến cảng số 3 phấn đấu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Khi đó, lịch trình và lưu lượng tàu ra vào cảng được phân bố lại, sẽ đón được nhiều chuyến tàu cập cảng hơn.
Lãnh đạo ngành du lịch cho biết thêm, song song với việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng, ngành sẽ đôn đốc để sớm đưa vào hoạt động một số dự án chiến lược, mang tính đột phá, tạo ra các sản phẩm thực sự hấp dẫn như: triển khai giai đoạn 2 dự án Laguna, dự án khu thương mại, dịch vụ Vingroup, các dự án nghỉ dưỡng và sân golf của các tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup, My Way, PSH... Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu khác nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, ưu tiên hình thành một trung tâm đa năng phục vụ hội nghị, các sự kiện triển lãm, biểu diễn nghệ thuật có quy mô lớn.
Bài ảnh: Đức Quang