ClockThứ Bảy, 22/08/2020 06:15

Du lịch lao đao vì dịch bệnh bùng phát trở lại

TTH - Lãnh đạo ngành du lịch đánh giá, các doanh nghiệp (DN) du lịch gần như đã kiệt sức, việc đảm an sinh xã hội cho người lao động trong ngành đang là câu hỏi lớn và thách thức chưa có lời giải.

Chủ động tìm việc vượt khó trong dịchCần nhiều giải pháp chủ động hơn

Lao động du lịch phục vụ khách khi dịch bệnh bùng phát lần 1

Nhiều DN lữ hành rút giấy phép hoạt động

Du lịch Huế tái khởi động từ cuối tháng 4/2020, nhưng đến đầu tháng 6 mới thật sự sôi động trở lại. Sau quãng thời gian khó khăn của đợt dịch đầu tiên, 2 tháng hoạt động trở lại chưa kịp để các DN phục hồi. Khó khăn lại chồng lên “vai” các DN và lao động trong ngành là điều đã, đang và sẽ xảy ra.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, đợt dịch thứ 2 này khó lường và gây thiệt hại nặng nề hơn đợt trước. Ở đợt 1, các DN còn nguồn vốn để duy trì một số hoạt động, trả lương, hoặc hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động. Đợt dịch này, số lượng DN bị ảnh hưởng mở rộng, khả năng phục hồi khó hơn trước. Sau đợt dịch đầu tiên là mùa cao điểm du lịch nội địa, các DN còn có động lực kích cầu, nỗ lực để thu hút khách, song với đợt dịch thứ 2 này, dù sớm được kiểm soát nhưng đã bước vào mùa thấp điểm du lịch nội địa.

Theo Phòng quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, trước những khó khăn đó, hiện đã có 20 DN lữ hành làm thủ tục rút giấy phép kinh doanh. Trong số đó, có khá nhiều DN trước dịch duy trì lượng khách rất ổn định. Trong quy định về kinh doanh ở lĩnh vực lữ hành, các DN phải ký quỹ 500 triệu đồng với lữ hành quốc tế và 150 triệu đồng với nội địa. Việc rút giấy phép là để các DN lấy lại tiền ký quỹ.

Thiệt hại đối với ngành du lịch trong đợt dịch lần 2 này lớn hơn nhiều so với đợt 1 (Lao động làm việc trong một cơ sở lưu trú vào cuối tháng 7/2020, đến nay các lao động này cũng tạm thời nghỉ việc)

Anh Trần Xuân Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du lịch Eco Huế (thành lập năm 2006), đơn vị mới quyết định rút giấy phép kinh doanh cho biết, chúng tôi tính toán và dự báo phải hơn 1 – 2 năm nữa, khách quốc tế mới đến Việt Nam. Chúng tôi đang cần kinh phí để duy trì đời sống và chuyển sang mô hình kinh doanh khác phù hợp hơn nên đã quyết định tạm dừng hoạt động lữ hành. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ có những tính toán, định hướng kinh doanh tiếp theo.

Theo Sở Du lịch, dự kiến thiệt hại của toàn ngành du lịch trong tháng 8/2020 về tổng doanh thu lên đến 1.100 tỷ đồng; trong đó, hơn 200 ngàn lượt khách hủy phòng lưu trú, thiệt hại gần 200 tỷ đồng; 228 tour đi từ Huế bị hủy với 4.113 khách, thiệt hại ước tính hơn 13 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Du lịch, trong giai đoạn khó khăn này, hai DN dễ rơi vào tình thế phá sản nhất là DN nhỏ và DN có vay vốn lớn. DN vay vốn nhiều ở Huế rơi vào lĩnh vực lưu trú, còn với DN nhỏ lại rơi vào lĩnh vực lữ hành. Vì vậy, khó đang chồng khó đối với DN du lịch Huế.

Lo cho người lao động

Trong đợt dịch lần 1, lao động trong ngành du lịch khi nghỉ việc đa số đều nhận được hỗ trợ một phần thu nhập từ phía DN. Riêng lần thứ 2 này, lao động gần như nghỉ không lương, không có hỗ trợ gì từ phía DN; số lượng lao động nghỉ việc cũng tăng, khi các DN chỉ giữ lại những cán bộ, nhân viên chủ chốt.

Nếu tính cả lao động trực tiếp và gián tiếp, có khoảng 45.000 lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Phương Lan Ánh, một lao động làm trong lĩnh vực lưu trú chia sẻ, đợt dịch đầu chị đã chuyển sang bán hàng online, dù thu nhập không bằng, song cũng đủ chi phí qua giai đoạn khó khăn. Mới đi làm trở lại đúng 2 tháng phải nghỉ và chị tiếp tục quay trở lại bán hàng online. “Có lẽ, tôi phải tìm nghề khác để đảm bảo ổn định lâu dài hơn”, chị Lan Ánh chia sẻ.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, làm sao để đảm bảo an sinh xã hội cho lao động trong ngành du lịch là câu hỏi lớn đang đặt ra, bài toán khó chưa có lời giải đối với cơ quan quản lý ngành du lịch. Gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ vẫn chưa đến tay người lao động và bây giờ phải chờ những chính sách mới hơn.

“Khi dịch bệnh tạm ổn, ngành sẽ tiến hành khảo sát và có những đề xuất mới. Trước mắt, sở sẽ kiến nghị tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như đợt 1 đối với các cơ sở lưu trú, DN kinh doanh dịch vụ du lịch như giảm tiền điện, nước, thuế… Đối với các đơn vị lữ hành, ngoài chính sách thuế, cần nghiên cứu cơ chế để tiếp cận các gói vay tín dụng, vì rất ít đơn vị lữ hành ít có tài sản thế chấp… Miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020 cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2020 cho các DN kinh doanh du lịch. Gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho các DN qua quý II/2021”, ông Lê Hữu Minh nhấn mạnh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho hay, điều đáng lo ngại là lao động trong ngành du lịch có xu hướng dịch chuyển sang một ngành nghề mới, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Thế nên, sau dịch, sẽ thiếu lao động có chuyên môn cho ngành du lịch.

“Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để động viên, tuyên truyền, khơi lòng yêu nghề và có phương án cam kết với lao động khi dịch kết thúc mời các lao động này về làm việc trở lại. Bên cạnh đó, chủ động có giải pháp tuyển dụng và đào tạo lao động mới để sẵn sàng khi du lịch phục hồi”, ông Đinh Mạnh Thắng cho biết.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch biển đảo ở Phú Lộc: Thừa tiềm năng, thiếu dịch vụ tour tuyến

Sau khi công ty làm tour du lịch trải nghiệm Đảo Ngọc (đảo Sơn Chà) bị đình chỉ do không đủ điều kiện hoạt động, du lịch biển đảo tại Phú Lộc càng thiếu dịch vụ giữa muôn trùng tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều rất trăn trở về điều này.

Du lịch biển đảo ở Phú Lộc Thừa tiềm năng, thiếu dịch vụ tour tuyến
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững
Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm

Sáng 19/7, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị họp bàn về đề nghị của Tổng công ty hàng không Việt Nam (TCTHKVN) mời hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.

Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm
Để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa

Lợi thế về cảnh quan, di sản văn hóa, nét cổ kính, trầm mặc của đền đài, cung điện, di tích, kiến trúc..., Huế đang là điểm đến được các nhà làm phim lựa chọn. Đây cũng là cơ hội để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa.

Để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top