Nhiều khách trẻ tuổi chọn Huế tham quan di sản kết hợp học tập
Sẽ quay trở lại Huế
Sở Du lịch thông tin, từ năm 2010 – 2015 là giai đoạn mà dòng khách Thái Lan sang Huế nhiều nhất, luôn đứng đầu bảng trong tổng lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, dòng khách Thái sụt giảm đáng kể. Chỉ tính trong năm 2017, tổng lượng khách Thái đến Huế khoảng 45 ngàn lượt, chỉ chiếm khoảng 5% khách quốc tế. Lãnh đạo ngành du lịch chia sẻ, khách Thái đến Huế giảm là do chính sách hạn chế đi du lịch của Chính phủ Thái Lan thời gian qua; chu kỳ phát triển và sự nổi lên của những điểm đến mới trong nước và khu vực, đã chia sẻ khách với Huế.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch nhận định, khả năng từ năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ có sự chuyển biến. Bởi cuối tháng 9 vừa qua, đoàn các doanh nghiệp Thái Lan đã đến khảo sát các tuyến điểm tại Huế. Các doanh nghiệp Thái Lan cho biết, nhiều chính sách mới từ Chính phủ trong năm 2019 trở đi sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, đối tác và xây dựng tour tuyến cho giai đoạn mới.
Lãnh đạo ngành du lịch cho hay, không phải thời gian này Huế mới có những “động tác” để thu hút khách Thái Lan nhiều hơn sau thời gian khá dài sụt giảm. Cuối năm 2016, Huế và các tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, điểm đến du lịch tại Băng Cốc và tỉnh Udon Thani (vùng Đông bắc, Thái Lan). Trong chuyến xúc tiến quảng bá này, đoàn công tác của Sở Du lịch đã có làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh Udon Thani, trao đổi về khả năng hợp tác để cùng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương giữa hai địa phương.
Bước đầu, Hiệp hội Du lịch tỉnh Udon Thani đã tổ chức chương trình tham quan du lịch học đường đến Huế và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng, với mục đích tìm hiểu về di sản văn hóa thế giới dành cho các sinh viên và giảng viên của khoa du lịch và một số khoa khác thuộc các trường đại học ở tỉnh Udon Thani. Giá trị lịch sử, văn hóa và các hoạt động du lịch ở Huế được Hiệp hội Du lịch tỉnh Udon Thani đánh giá cao và cam kết có những ý tưởng xây dựng các tour tuyến cho du khách tỉnh này.
Gần đây, Trường cao đẳng Hậu cần Naresuan được Quỹ Nghiên cứu Thái Lan (TRF) tài trợ, tiến hành nghiên cứu về phát triển logistics cho du lịch bền vững trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đoàn tìm hiểu về các thông tin để phục vụ cho nghiên cứu của họ như các điểm tham quan chính, các hoạt động du lịch, quản lý môi trường tại các điểm tham quan du lịch cho Huế nói riêng và trong hành lang kinh tế nói chung. Ngành du lịch đánh giá, đây là tiền đề để kích cầu dòng khách đến Huế nhiều hơn.
Cần chủ động
Theo Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, khách Thái Lan được xem là dòng khách khá dễ tính, nhu cầu thuần túy chỉ tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Khi khách Thái đến Huế, tham quan di tích và mua sắm chiếm khoảng 55%. Riêng du lịch biển thì khách Thái không chuộng lắm, bởi Thái Lan là điểm đến nổi tiếng với du lịch biển.
Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch chia sẻ, từ tháng 3 - 5 hàng năm, là thời gian học sinh ở Thái Lan được nghỉ hè, đây cũng là thời điểm các gia đình đi du lịch nhiều nhất trong năm. Trong thời gian từ tháng 4 - 5, có rất nhiều ngày nghỉ lễ, người Thái thường kết nối kỳ nghỉ này với ngày nghỉ cuối tuần để đi du lịch nước ngoài. Huế sẽ khai thác thời gian “vàng” này, tăng cường kích cầu dòng khách trẻ, đi du lịch theo kiểu học tập, vừa để tìm hiểu văn hóa và di sản.
Lâu nay, Huế chỉ mới dừng lại khai thác dòng khách Thái Lan ở vùng đông bắc, dọc hành lang kinh tế Đông – Tây. Khu vực phía nam, như ở Băng Cốc, Pataya, Huế cần kích cầu nhiều hơn. Ông Trương Thành Minh cho hay, ngành du lịch đang tính đến phương án tăng cường các chuyến xúc tiến quảng bá đến khu vực phía nam, bởi khu vực phía bắc đã bão hòa.
Tăng cường quảng bá, thông tin về Huế đến các khu vực mới của Thái Lan rất cần thiết. Theo các doanh nghiệp du lịch có chuyến khảo sát ở Huế vừa qua, thông tin về du lịch Huế còn khá hạn chế ở nhiều khu vực. Đặc biệt ở khu vực miền nam, họ chỉ biết đến các thành phố lớn của Việt Nam; trong khi đó, khách Thái lại rất chuộng văn hóa, di sản.
Cái khó là vận chuyển, con đường để khách Thái đến Huế. Tuyến đường bộ trên hành lang kinh tế Đông – Tây không còn được lựa chọn nhiều, các hãng xe Thái Lan khá e ngại bởi họ đi phía bên phải, ngược đường với nước ta. Đường hàng không là giải pháp tối ưu, để có thể mở lại chuyến bay charter (bay nguyên chuyến) thì cần thêm thời gian. Nếu khách ổn định, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan mới tính đến phương án phục hồi chuyến bay này.
Một điều mà Huế cần chủ động khác là xây dựng những sản phẩm mang tính liên vùng, phù hợp với nhu cầu của khách Thái Lan. Hiện đường bay từ Băng Cốc sang Đà Nẵng đang hoạt động tốt, liên kết tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam – Huế - Quảng Trị - Quảng Bình sẽ giúp các địa phương bổ trợ cho nhau về vận chuyển và sản phẩm du lịch.
Bài, ảnh: Đức Quang