|
|
Đại diện Hội Lữ hành Huế tặng quà lưu niệm Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia nhân chuyến khảo sát |
Không qua trung gian
Giữa tháng 3, Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia Văn phòng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Du lịch, Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế tổ chức chuyến khảo sát tại các điểm du lịch hấp dẫn của Malaysia. Các doanh nghiệp du lịch Huế đã lần lượt trải nghiệm thực tế các sản phẩm du lịch tại Malaysia. Đặc biệt là đã gặp gỡ và kết nối với doanh nghiệp du lịch Malaysia, tiến đến các hợp tác, cùng cam kết tăng cường đưa khách du lịch từ Malaysia sang Huế và ngược lại trong thời gian đến.
Theo Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia Văn phòng TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng luôn là một trong những thị trường khách quốc tế hàng đầu của Malaysia tại khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Cụ thể vào năm 2019, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Malaysia đã chào đón hơn 400 nghìn lượt khách Việt Nam. Từ khi Malaysia mở cửa vào tháng 4/2022 đến hết năm, đã có khoảng 110 ngàn lượt khách Việt Nam lựa chọn đến Malaysia du lịch.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp du lịch Huế, ông Dato’ Zainuddin Abdul Wahab, Tổng Giám đốc Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia nhấn mạnh: Thông qua chương trình khảo sát, ngành du lịch Malaysia hy vọng có thể truyền cảm hứng và động lực đến các lữ hành, để quảng bá và bán sản phẩm du lịch Malaysia thành công tại Việt Nam. Đặc biệt là miền Trung, nơi có rất nhiều điều kiện để du lịch Malaysia khai thác.
Ngược lại, dòng khách Malaysia đến Việt Nam những năm vừa qua ngày càng tăng. Chỉ tính riêng khách đến miền Trung trong thời điểm tháng 3/2023 này, mỗi ngày có 4 chuyến bay cố định từ Malaysia đến Đà Nẵng; trong đó, chủ yếu là khách du lịch. Điều này cho thấy, khách Malaysia đang lựa chọn miền Trung là điểm đến quan trọng.
|
|
Các doanh nghiệp Huế khảo sát các điểm đến ở Malaysia |
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh chia sẻ, lâu nay các doanh nghiệp Huế đã khai thác tour đi Malaysia bằng tour chung với Singapore. Thực tế, chưa có tour riêng đi Malaysia. Hay lượng khách Malaysia khi đến miền Trung lựa chọn Huế cũng không quá nhiều. Lâu nay doanh nghiệp du lịch ở Huế chưa cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp ở Malaysia, mà phải thông qua các đơn vị trung gian. Vì vậy, việc sang trực tiếp nước bạn kết nối là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp Huế kiểm tra chất lượng dịch vụ tại đây, xác định những điểm đến sẽ phù hợp với nhu cầu của khách trong nước.
“Qua chuyến đi, cái “bắt tay” trực tiếp giữa Hội Lữ hành tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành phía Malaysia sẽ giúp doanh nghiệp chủ động phối hợp trong cung ứng dịch vụ. Sự phối hợp này quan trọng hơn khi chúng ta có thể xây dựng được các tour du lịch mới, với mức giá có tính cạnh tranh cao mà không thông qua các đơn vị trung gian”, ông Cơ cho hay.
Hỗ trợ nhau khai thác
Tiềm năng phát triển giữa hai bên đã được nhìn nhận. Phía Malaysia khẳng định tìm thấy cơ hội với thị trường mới nổi như Huế và khu vực Bắc miền Trung. Ngược lại, Malaysia là thị trường du lịch hứa hẹn thu hút khách khu vực miền Trung nhiều hơn. Lâu nay, tour sang Malaysia chủ yếu là kết hợp sang Singapore nên có mức chi phí tương đối cao. Nay, khi làm tour riêng Malaysia, với khoảng 8 triệu đồng là rất phù hợp với mức chi tiêu của khách Huế và Bắc miền Trung hiện nay.
|
|
Hai bên trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác |
Trong du lịch, để duy trì lâu dài là khi có sự chia sẻ, đối ứng nguồn khách cho nhau. Được biết, một số doanh nghiệp đã xúc tiến, làm việc với các hãng hàng không, các đối tác Malaysia, cũng như chính quyền các bên để có những chuyến bay charter đầu tiên mang người Việt Nam đến với Malaysia và mang những vị khách Malaysia đến với Huế và miền Trung. Đây là thông tin cho thấy doanh nghiệp đã có sự chủ động trong xây dựng sản phẩm, góp sức cho sự phát triển của du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, có hai khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải. Đầu tiên là về dịch vụ hàng không. Nhiều đối tác ở Malaysia cho rằng, khách từ phía đất nước Malaysia lâu nay đến miền Trung là ở Đà Nẵng. Mọi thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất đều cơ bản đã có sẵn. Nếu chuyển điểm đến ở Huế sẽ phải thực hiện khá nhiều thủ tục pháp lý ban đầu. Việc khai thác đường bay mới sẽ có những rủi ro nếu quá trình các thủ tục đó kéo dài.
Khó khăn thứ hai là đối ứng về nguồn khách. Nguồn khách từ chiều đi ở Huế sẽ có sự ổn định vì ngoài Huế, hai thị trường Quảng Bình và Quảng Trị cũng cho thấy tính khả quan. Nhưng nguồn khách từ phía Malaysia sang Huế đang có những cạnh tranh. Với đường bay mới và điểm đến còn “non trẻ” trong suy nghĩ của người Malaysia thì đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự quyết tâm cao.
Ông Đỗ Ngọc Cơ cho biết, từ thực tế đó, Hội Lữ hành Huế đặt mục tiêu mỗi tháng sẽ bay đối ứng qua về một chuyến, sau đó sẽ mở dần tần suất. Quan trọng là các doanh nghiệp hai nước phải hợp tác và có những cam kết chặt chẽ với nhau. Sau chuyến khảo sát vừa qua, nếu cần thiết, doanh nghiệp ở Huế sẽ tiếp tục sang Malaysia thêm một lần nữa để bàn thảo và có những ký kết chính thức. Nếu khả quan thì ngay trong tháng 5 - 6/2023, khi nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đưa vào sử dụng, thì những tour đầu tiên sẽ triển khai.
Theo ông Cơ, phía đối tác Malaysia khẳng định nếu các thủ tục không quá phức tạp, chi phí bay không có nhiều thay đổi so với ở Đà Nẵng thì sẽ lựa chọn Huế. Đó là quyết tâm của các doanh nghiệp hai phía. Hy vọng, trong quá trình thực hiện các thủ tục, nhất là các thủ tục về đường bay, cấp phép bay được thuận lợi để doanh nghiệp có thêm động lực triển khai kết nối.