ClockThứ Bảy, 18/12/2021 22:10

Lên Bạch Mã “săn” chim

TTH - Với hệ động, thực vật đa dạng, Bạch Mã trở thành địa điểm hấp dẫn để săn ảnh động vật, nhất là các loài chim muông của các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã.

Khai thác bền vững tiềm năng Vườn Quốc gia Bạch MãThả cá thể voọc “lạc” vào khu du lịch về Vườn quốc gia Bạch MãĐồng hành “Giữ lại dấu chân Sao la”Mùa ươi dưới chân thác Đỗ Quyên

Nguyễn Thùy Linh, nữ nhiếp ảnh gia hiếm hoi tham gia chụp chim hoang dã

Tài năng và vận may

Theo kết quả điều tra nghiên cứu, hiện ở Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã có trên 1.700 loài động vật, trong đó, lớp chim có tổng cộng trên 360 loài. Nơi đây trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc của các nhiếp ảnh gia chuyên săn ảnh động vật hoang dã.

Anh Võ Rin (Đà Nẵng), một trong những nhiếp ảnh gia chuyên theo đuổi khoảnh khắc đẹp của các loài chim, cho biết: “Nếu tính số lần lên Bạch Mã để chụp ảnh thì thật sự mình chẳng nhớ rõ, áng chừng 50 – 60 chuyến đi. Mình không phải là tay chụp chim gạo cội như nhiều nhiếp ảnh gia chuyên và đã gắn bó nhiều năm về mảng này, nhưng có lẽ tình yêu với thiên nhiên và cơ may đã giúp mình có những bức hình chụp chim ưng ý”.

Lỡ hẹn với khướu mỏ dài nhưng với nuốc bụng đỏ, Võ Rin đã không vuột mất cơ hội. Anh cười: “Nhiều người lên Bạch Mã để tìm chụp loài chim này, vất vả lắm nhưng chưa chắc đã được gặp. Còn mình thì lúc rời đoàn đi bộ về phòng lấy pin lại gặp nuốc bụng đỏ ngay bên đường. Thế là mình bấm máy lia lịa, và cũng từ đó, nhận thấy mối duyên với các loài chim, mình vỡ lẽ ra nhiều điều, rồi mua máy, “săn” chim và quyết tâm sưu tầm những bức ảnh đẹp về các loài chim của Việt Nam.

Ngoài chim muông, nhiếp ảnh gia Võ Rin còn “chộp” được khoảnh khắc của loài mang Trường Sơn quý hiếm

Khác với nhiếp ảnh phong cảnh, khi chụp ảnh các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim chóc, điều đầu tiên mỗi tay máy phải có là niềm đam mê với thiên nhiên và hiểu cặn kẽ tập quán mỗi loài. Anh Rin cho biết: “Ngoài VQG Bạch Mã, các nhiếp ảnh gia đặc biệt yêu thích chim có thể chụp ảnh các loài chim tại VQG Yok Don vào tháng 3 – 4 (mùa khô của rừng khộp). Thời điểm gần tết thì di chuyển ra VQG Cúc Phương hay cuối tháng 12, đầu tháng 1 thì đến VQG Tràm chim hoặc các tỉnh Đồng Tháp, Gò Công để tha hồ chụp các loài chim nước”.

Căn bản với những mùa và địa điểm cụ thể, nhưng không phải ai cũng có thể cháy hết mình với đam mê. Không chỉ giới hạn bởi quãng đường và công nghệ, những nhiếp ảnh gia còn phải vô cùng kiên nhẫn để săn cho được khoảnh khắc loài chim xuất hiện.

Chị Nguyễn Thùy Linh, một trong những nữ nhiếp ảnh gia hiếm hoi chụp ảnh chim chia sẻ: “Từ kỹ thuật chụp, kỹ năng đi rừng, kỹ năng tìm ra và tiếp cận cho đến khả năng nhạy bén bấm máy, mỗi bức ảnh chụp chim ra đời đều là một câu chuyện riêng. Những hiểm nguy như côn trùng, rắn rết hay việc phải đèo những thiết bị như ống kính nặng từ 3 – 7 kg (có giá trị rất lớn), lội bộ có hôm đến vài mươi km là chuyện như cơm bữa với nhiếp ảnh gia động vật hoang dã”.

Những mong ước

Để sở hữu hình ảnh của hơn 20 loài chim ở VQG Bạch Mã, chị Nguyễn Thùy Linh đã có những kỷ niệm khó quên ngay tại nơi này. Chị nói: “Ban đêm tầm 22h, mọi người lục tục đi soi cú mèo Latusơ. Nó là loài cú nhỏ, vị trí đứng lại rất khó tiếp cận nên để có hình, mình đã im lặng (nếu có động tĩnh chim sẽ bay ngay lập tức) dù biết vắt đang bò lên chân để cắn. Không hiếm lần mình gặp mưa hay điều kiện thời tiết không phù hợp, hoặc có những lần mất công, bỏ sức đi tìm song chẳng gặp được loài chim như mong muốn”.

Nhưng cũng chính ở Bạch Mã, với sự ưu ái và kỳ vĩ của thiên nhiên, nữ nhiếp ảnh gia 31 tuổi đã bắt gặp những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Đó là lúc đang ngồi ăn cơm nhưng may mắn lại gặp ngay một loài chim đẹp ghé thăm. Hay khi đang nghỉ ngơi, xả hơi cho một chuyến đi săn chim vất vả, những cuộn mây lớn từ đâu bỗng ùa vào, biến không gian thành khoảnh khắc tuyệt vời như trong tiên cảnh.

Với nhiếp ảnh gia Võ Rin, anh đã chụp tổng cộng 424 loài chim trong vòng 3 năm qua. Khác với những birder (người khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp chim chóc trong môi trường tự nhiên), nhiếp ảnh gia Võ Rin tập trung vào chụp ảnh chim nghệ thuật. Bởi thế nhiều lúc chung một loài chim, song anh phải tìm kiếm và “canh” nhiều lần mới có bức hình chụp ưng ý.

Nếu có dịp đến Huế, bạn nên đến Bạch Mã, chỉ cần nghe tiếng chim hót líu lo giữa rừng xanh trong sáng sớm, mọi lo âu, ưu phiền đều sẽ tan biến ngay.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Tuổi lên chín & “hiện tại ngọt ngào”

Ngày 30/8, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ vừa tròn 9 tuổi. Trong đêm kỷ niệm sớm bởi một số thành viên bận lên đường đi nhận giải thưởng ở các tỉnh phía bắc, mọi người đến dự rất đông vui. Người cao tuổi nhất là nghệ sĩ Chánh Thu, ứng khẩu luôn bài thơ “Người già ham vui” có mấy câu: “… Một thời vật vã hơn thua/ Một thời tưởng biết mà chưa biết gì/ Một lần quá khứ bay đi/ Tương lai chưa biết sẽ về lối nao/ Bỗng nhiên hiện tại ngọt ngào/ Men đời ngây ngất tuôn trào tiếng ca”.

Tuổi lên chín  “hiện tại ngọt ngào”
Tổng kết trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã”

Tối 31/8 tại phố đi bộ Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô – Phú Lộc, đã diễn ra chương trình tổng kết và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc qua Trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã” do UBND huyện Phú Lộc phối hợp Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tổng kết trại sáng tác âm nhạc “Non thiêng Bạch Mã”
Tình ca trên đỉnh Bạch Mã

Không gian chừng như vô nhiễm của rừng xanh thẳm ôn đới Bạch Mã chính là niềm cảm hứng bất tận cho các văn, nghệ sĩ Cố đô, từ thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh đến những giai điệu thanh thoát.

Tình ca trên đỉnh Bạch Mã
Lại chuyện Bạch Mã…

Đang ngồi uống cà phê với mấy anh em ở khu biệt thự Kim Giao thì thấy một nhóm người trung niên lò dò tiến lại. Họ lên tiếng chào làm quen, cho biết từ ngoài Bắc vào, lên thăm Bạch Mã. Định bụng lên cho biết rồi về, nhưng đến rồi mới thấy khí hậu, cảnh sắc tuyệt vời quá, nên cả đoàn muốn ở lại qua đêm để trải nghiệm. Nhưng Bạch Mã đã hết chỗ lưu trú. Thấy khu biệt thự Kim Giao khá rộng, họ đến “thám thính” xem còn phòng không, hay vườn nói dối họ. Và khi tận thấy Kim Giao thực sự đã full, họ lắc đầu tiếc rẻ. Nhìn bóng họ dần xa, tôi cũng lắc đầu tiếc. Tiếc cho họ một phần, và tiếc cho Bạch Mã, cho Huế nhiều phần hơn…

Lại chuyện Bạch Mã…
Return to top