ClockChủ Nhật, 08/09/2024 14:04

Tuổi lên chín & “hiện tại ngọt ngào”

TTH - Ngày 30/8, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ vừa tròn 9 tuổi. Trong đêm kỷ niệm sớm bởi một số thành viên bận lên đường đi nhận giải thưởng ở các tỉnh phía bắc, mọi người đến dự rất đông vui. Người cao tuổi nhất là nghệ sĩ Chánh Thu, ứng khẩu luôn bài thơ “Người già ham vui” có mấy câu: “… Một thời vật vã hơn thua/ Một thời tưởng biết mà chưa biết gì/ Một lần quá khứ bay đi/ Tương lai chưa biết sẽ về lối nao/ Bỗng nhiên hiện tại ngọt ngào/ Men đời ngây ngất tuôn trào tiếng ca”.

Muôn màu “Những nẻo đường xuân”Triển lãm 60 bức ảnh về quê hương Thừa Thiên Huế

Hạnh phúc - Tác phẩm của Nguyễn Văn Kỳ Lân 

“Hiện tại ngọt ngào” ấy chính là không khí vui vẻ, say mê mà các thành viên của CLB cùng gắn kết với nhau tạo nên trong nhiều năm qua. Năm 2015, CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi Đặng Huy Trứ được thành lập, trực thuộc Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, quy tụ hơn 30 hội viên có độ tuổi từ 55 trở lên. Đến Đại hội lần thứ 2 ngày 8/7/2022, CLB đổi tên thành CLB Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ, không quy định độ tuổi đối với những người muốn tham gia. Hiện nay CLB gồm 24 thành viên, hội viên đang sinh hoạt có tuổi thấp nhất là trên 40 và cao tuổi nhất là 77 tuổi.

Với tiêu chí “sống vui, sống khỏe”, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động bổ ích, như: Thực hiện sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 của các tháng chẵn trong năm (2 tháng 1 lần) với các nội dung như trao đổi nghiệp vụ nhiếp ảnh, mở các wordshop chuyên đề về nhiếp ảnh, bình chọn ảnh đẹp trong tháng, cùng nhau phân tích tác phẩm để tích lũy kinh nghiệm trong sáng tác. Chẳng hạn những tác phẩm được giải như “Nụ cười” của Lê Minh, “Chuyển động” của Ngọc Mai… khi phân tích dưới góc nhìn chuyên môn, sẽ thấy vì sao các tác phẩm ấy được người xem và các ban giám khảo đánh giá cao.

Quyết liệt - Tác phẩm của Nguyễn Thị Thanh Nhã 

Thỉnh thoảng, CLB tổ chức các đợt sáng tác chung tại các điểm vùng cao, vùng xa, biển đảo… Họ rủ nhau đi A Lưới, Bạch Mã - Lăng Cô, Quảng Thái, Quảng Phú (Quảng Điền), Khe Sanh… Có nhiều người trong CLB rong ruổi từ cực Bắc Lũng Cú, Tây Côn Lĩnh đến tuốt mũi Cà Mau, có những lúc gò lưng trên xe máy hơn 100 cây số/ngày suốt 2 tuần… Chịu khó lặn lội khắp nơi, từ lúc trời tờ mờ sáng đến khi tối mịt, để có được những khoảnh khắc ánh sáng như ý.

Đều đặn, họ tổ chức các cuộc triển lãm công bố các tác phẩm mới sáng tác từ 1 đến 2 lần trong mỗi năm. Có những cuộc triển lãm ấn tượng như “Xuân quê hương” với 46 tác phẩm của 24 tác giả (triển lãm chung với CLB Tao Đàn, 2023), “Những nẻo đường xuân” với 60 tác phẩm của 32 tác giả (CLB và bạn bè, 2024)…

Ảnh của họ tham gia các cuộc thi đều có kết quả tốt như “Huế - những góc nhìn mới” có 23 ảnh được chọn triển lãm, một số thành viên được giải, trong đó Phan Thị Xuân Mai có 2 giải C; “Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ năm 2022 có 4 tác phẩm được chọn thì đến 2024 đã có 15 ảnh được chọn; cuộc thi “Rú Chá, Cồn Tè - sắc màu sông nước” có 16 ảnh được chọn, nghệ sĩ Lê Minh đoạt giải Nhất…

Gần đây nhất, các thành viên CLB đã tích cực tham gia cuộc thi nhiếp ảnh “Nét đẹp Quảng Điền” do huyện Quảng Điền tổ chức. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là thủ phủ của Chúa Nguyễn với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như: Thành Hóa Châu, phủ Phước Yên, phủ Bác Vọng; những người con ưu tú của Quảng Điền đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc như: Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà thơ Tố Hữu. Những tinh hoa đó đã được các thế hệ con em Quảng Điền nối tiếp phát huy, giữ  gìn. Họ có nhiều ảnh triển lãm nhất trong cuộc thi ảnh “Nét đẹp Quảng Điền 2024” với 40 bức…

Ảnh của họ còn được treo ở các triển lãm quốc tế, trong nước, khu vực và các tỉnh, thành như triển lãm “Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, “Phụ nữ và cuộc sống” của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, “Tự hào một dải biên cương” của Ban Tuyên giáo Trung ương, “Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế HOPA”…

Tuy tuổi cao, nhưng họ là những chủ nhân tuyệt vời trong việc đón các nghệ sĩ nhiếp ảnh các nơi về Huế sáng tác. Bởi hơn ai hết, họ biết góc chụp nào, thời khắc nào ở đâu… sẽ có được những khoảnh khắc bấm máy tuyệt vời. Năm 2023, họ đón 25 nghệ sĩ nhiếp ảnh ở TP. Hồ Chí Minh về Huế sáng tác, dẫn vào chụp chợ Đông Ba đang đẹp lên từng ngày hay ra vùng đầm phá Quảng Lợi đang xây dựng du lịch làng quê…

Năm 2024 này, họ tham gia đón 30 nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều địa phương trong cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bắc Giang, Lâm Đồng, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Bình... tham gia Chương trình giao lưu, sáng tác ảnh tại Huế do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Họ đưa các nghệ sĩ trải nghiệm và sáng tác ảnh tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống... ở Lăng Cô (huyện Phú Lộc); làng nghề đan lát mây tre Bao La (Quảng Điền); làng cổ Phước Tích (Phong Điền)…

Mang tên CLB Đặng Huy Trứ nên họ tổ chức các cuộc hành hương về Nhà thờ Đặng Huy Trứ hàng năm hết sức chu đáo. Nhiều du khách đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tất cả các thành viên của CLB đều khăn đóng áo dài đón khách về dâng hương ông Tổ nghề ảnh Việt Nam.

Tuổi già hay chạnh lòng, nắm được tâm lý đó nên việc quan tâm thăm hỏi, động viên lẫn nhau luôn được các thành viên chú trọng. CLB tròn 9 tuổi. Số 9 trong dân gian là con số nói về tinh thần trách nhiệm có lý tưởng và luôn hướng về yếu tố nhân văn. Xin chúc CLB Đặng Huy Trứ mãi duy trì “hiện tại ngọt ngào” và tương lai phát triển.

Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế

Để thực hiện hiệu quả Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non” trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế; tranh vẽ về văn hóa Huế và sưu tầm trò chơi, ca dao, đồng dao, thơ ca dân gian địa phương phù hợp với giáo dục mầm non.

Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế
Văn nghệ sĩ và Festival Huế

Khởi nguồn từ Festival Việt – Pháp, được tổ chức lần đầu tiên năm 1992, đến năm 2000 được đổi thành Festival Huế, và trở thành sự kiện lớn của vùng đất, quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Để có thể tổ chức một kỳ festival thành công, lần sau quy mô hơn lần trước, là sự quy tụ, đóng góp của người dân Thừa Thiên Huế mà đặc biệt là văn nghệ sĩ, những con người chuyên sáng tác, sáng tạo và thể hiện, trình diễn các tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Văn nghệ sĩ và Festival Huế
Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội

Chiều 20/5, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật tỉnh tổ chức gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc hội viên Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế để thông tin cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2025).

Lan tỏa sâu rộng về hình ảnh người thẩm phán trong xã hội
30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế

Sự kiện nằm trong hoạt động của cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024, do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, khai mạc chiều 10/5 tại TP. Huế.

30 nghệ sĩ nhiếp ảnh giao lưu, sáng tác ảnh về Huế

TIN MỚI

Return to top