ClockChủ Nhật, 19/06/2016 05:06

Quảng bá ẩm thực ở xứ người

TTH - Trong số nhiều người Huế đang sinh sống và làm ăn trên đất khách, có không ít người thành đạt, nổi tiếng nhờ những món ăn – “vốn liếng” họ mang theo từ quê nhà. Họ cũng chính là những “sứ giả” đưa ẩm thực Huế đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nem Huế vào Hoàng cung Thái Lan

Trong lần về Huế dự hội thảo ẩm thực cung đình và dân gian Huế, ông Hồ Văn Bình, Việt kiều Thái không ngớt cảm ơn ẩm thực Huế đã mang đến cho gia đình ông cuộc sống thành đạt trên đất khách. Không chỉ mở 3 cửa hàng ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai, món nem nướng của gia đình ông Bình đã “phủ sóng” 30% lãnh thổ Thái Lan khi trở thành đại lý bỏ nem nướng cho 400 cửa hàng. Món ăn này cũng được đưa vào thực đơn của Hoàng gia Thái Lan 1-2 lần/tuần và rất được công chúa, công tử Thái Lan yêu thích.

Bà Lương Thị Vỵ - người đưa món nem nướng Huế nổi tiếng trên đất Thái. Ảnh: B.N.L

Ông Bình kể, ngày ấy, mẹ ông là bà Lương Thị Vỵ, quê ở Thừa Thiên Huế cùng cha mẹ đặt chân đến đất Thái khi mới 13 tuổi. Hành trang họ mang theo là cách nấu một số món Huế, như bún, nem lụi, bánh cuốn... rong ruổi trên khắp các nẻo đường của Nongkhai bán cho người Thái để mưu sinh. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, Lương Thị Vỵ phải bươn chải một mình. Với “gia tài” là gánh bún chả, nem nướng mà cha mẹ để lại, ngày ngày cô quảy gánh mưu sinh… Gánh hàng rong của cô ngày càng đông khách và trở nên nổi tiếng. Cô thiếu nữ Lương Thị Vỵ tần tảo, khéo léo, trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng người Việt bấy giờ ở tỉnh Nongkhai.

Sau khi kết hôn cùng ông Hồ Văn Tuân, người làng Hòa Viện (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), gánh hàng nem nướng của bà Vỵ càng đắt khách, nổi tiếng. Ông Tuân cũng bỏ việc để phụ giúp vợ. Người Thái đặc biệt ưa thích món nem nướng, từ mở một quán nhỏ, vợ chồng bà Vỵ mở được nhà hàng sang trọng với quy mô hàng ngàn mét vuông, kèm theo một nhà hàng nổi trên sông Mekong với tên gọi Daeng Namnuang, mỗi ngày phục vụ hàng ngàn lượt khách Thái và du khách quốc tế.

Nhà hàng Daeng Namnuang của bà Lương Thị Vỵ ở Nongkhai, Thái Lan

Nối nghiệp cha mẹ điều hành chuỗi nhà hàng Daeng Namnuang, ông Bình cho biết, bí quyết để món nem nướng hấp dẫn thực khách nằm ở nước chấm. Mẹ ông, bà Lương Thị Vỵ đã mày mò pha chế nước chấm đặc biệt được biến tấu từ khoai tây và gan heo, ngọt hơn, cay hơn, hợp với người bản xứ. Chuỗi nhà hàng Daeng Namnuang của bà Lương Thị Vỵ đã được báo chí Thái Lan vinh danh là nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái. Ông Bình đang xây thêm nhà hàng bán nem nướng ở tỉnh Udon trị giá 10 triệu USD.

Mở nhà hàng quảng bá văn hóa quê hương

Giữa lòng thủ đô Viêng Chăn (Lào), nhà hàng Vietfood - một không gian sang trọng, trang nhã với những tà áo dài Việt, trở thành nơi giao lưu văn hóa Việt – Lào. Quán do một doanh nhân người Huế, ông Nguyễn Văn Quý Ngọc mở năm 2009.

Nhà hàng Vietfood giới thiệu ẩm thực Huế trên đất Lào

Hồi ấy, sang Lào, ông Ngọc dự định đầu tư mở trường học, lúc ấy rất có lợi thế và có thể thu được lợi nhuận nhiều hơn. “Nhưng nghĩ lại, nếu mở trường học thì không có gì để quảng bá cho quê hương nên tôi quyết định mở nhà hàng. Ẩm thực là con đường để truyền tải văn hóa, Vietfood kinh doanh với phương châm mỗi người một tay đưa văn hóa Việt vươn xa hơn”, ông Ngọc chia sẻ. Đó cũng là lý do không gian của nhà hàng đậm hồn văn hóa Việt, văn hóa Huế khi trên tường vẽ tranh cầu Trường Tiền, treo đèn lồng Hội An, các cô gái phục vụ có cả người Lào và người Việt đều mặc áo dài duyên dáng. 

Sau 7 năm, Vietfood giờ là một trong những nhà hàng lớn ở thủ đô Viêng Chăn, phục vụ những món ăn phong phú của Việt Nam ở 3 miền Bắc - Trung – Nam, những món ngon rất Huế, đặc biệt là ẩm thực cung đình. Trong lòng mỗi người Việt xa quê trên đất bạn Lào, nhà hàng Vietfood trở thành mái nhà chung. Đây còn là nơi được nước bạn Lào chọn để tiếp nhiều chính khách.

Ông Ngọc bộc bạch: “Mở nhà hàng để tồn tại được rất khó nhưng với tâm huyết truyền tải văn hóa của quê hương, chúng tôi đã cố gắng hết sức vượt qua khó khăn để Vietfood trở thành điểm đến được yêu thích trên đất khách. Tôi rất vui vì mình đã làm được một việc nhỏ để nhiều người biết đến Huế, biết đến Việt Nam. Ước muốn cho người Việt ở Lào đều có điều kiện thưởng thức những món ngon của quê hương mình nên Vietfood đã chia sẻ bí quyết các món ngon Huế (ẩm thực cung đình) trên kênh truyền hình quốc gia Lào mỗi tuần một lần”.

Nhà hàng Cố đô trên nước Đức

Với TS triết học Thái Kim Lan, Việt kiều Đức, chuyện thành lập và phát triển tiệm ăn Huế tại thành phố München là một cuộc phiêu lưu kỳ thú suốt 25 năm.

Năm 1984, bà Lan mở nhà hàng Cố đô tại thành phố München để nấu món ăn Huế, qua đó giới thiệu cho người Đức nghệ thuật ẩm thực của người Việt nói chung, người Huế nói riêng. TS Thái Kim Lan nhớ lại: “Quyết định mở nhà hàng ăn uống quả thật là một quyết định liều lĩnh đối với một người chỉ có kinh nghiệm “ăn”. Ngoài vốn liếng 19 năm sống xa nhà (vào thời điểm ấy - PV), bị buộc phải tự nấu và nấu theo hoài niệm, theo trí nhớ những món ăn của bà và của mẹ mà tôi thích nhất ngày trước, vì một lý do giản dị là “ớn” món ăn Đức, thèm cơm Huế - rất may, tôi được sự ủng hộ của mẹ tôi và mọi người trong gia đình”.

Cố đô trở thành nhà hàng đầu tiên nấu món Huế tại thành phố München. Theo chủ nhà hàng Thái Kim Lan, để đi đến thành công ở xứ người, phải khác người trong cạnh tranh: Chỗ ngồi ngon, chén bát ngon, đồ ăn ngon, tất cả đều nằm ở nghệ thuật nấu và dọn ăn.

Thời ấy, không gian của quán được thiết kế để phân biệt với các tiệm Trung Hoa hay Nam Dương, ở chỗ mộc và đơn giản, bàn ghế chọn lọc. Chén bát dĩa thuần Việt Nam cũng là đặc trưng của Cố Đô. Trước khi khai trương, TS Thái Kim Lan đã về tận làng Bát Tràng để đặt chén bát theo kiểu ngày xưa, xanh trắng với mô típ tổ ong và hoa đơn năm cánh. Khách Đức đến ăn cơm ở Cố Đô lắm khi còn đòi mua từng bộ đem về dùng. Nhà hàng Cố Đô nhấn mạnh đặc điểm, thế mạnh của món ăn Huế, cung đình cũng như dân dã. Món chi ra món ấy, không nấu theo cách pha chế hỗ lốn mà giữ nguyên cách nấu của Huế xưa. Bà Lan kể: “Những năm đầu khi mới mở tiệm, mỗi lần về Huế, tôi đều tìm đến học hỏi các nghệ nhân về bí quyết nấu bún bò, làm tương ớt… theo kiểu Huế”

Một thời, Cố đô thu hút nhóm nghệ sĩ, nhân sĩ, học giả, giáo sư và doanh nhân đến quán Huế của mình. Thực khách Đức thường thích các món ăn ở Cố Đô, như: miến gà, bún bò, gỏi cuốn, bò lá lốt, tôm kho đánh chấm rau luộc, canh rau tôm, cơm âm phủ, các loại bánh bèo, bánh lá… Nhà hàng Cố Đô đã trở thành một địa chỉ được chọn một thời gian dài trong sách hướng dẫn du lịch thành phố Munchen.

MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế

TIN MỚI

Nhà hàng Paris Garden Cách phối hợp hương vịQuang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ
Return to top