Du khách chụp ảnh lưu niệm ở cổng di tích
Các trung tâm TP. Huế khoảng 30km theo hướng bắc, Trạm phẫu thuật Tiền phương ra đời với nhiệm vụ cấp cứu, nuôi dưỡng thương binh, trả thương binh về đúng tuyến; chôn cất liệt sĩ…; là hậu cứ quan trọng của quân ta trong Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh của 33 liệt sĩ trong trận đánh ngày 12/3/1975 cùng với tội ác dã man của quân địch. Vì thế, Trạm phẫu thuật Tiền phương đã đi vào lịch sử của quân và dân ta, gắn liền với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày đất nước giải phóng, nơi đây trở thành điểm gặp gỡ để các nhân chứng lịch sử ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng khi đến dâng hương, dâng hoa cho đồng đội. Năm 2018, Trạm phẫu thuật Tiền phương được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh để làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. UBND huyện Phong Điền phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng, quy hoạch đồng bộ các hạng mục, như: xây dựng nhà bia, dựng bia và khu mộ tập thể 33 liệt sĩ; mở các đường đi vào tham quan di tích; phục dựng phòng mổ, bàn mổ dã chiến, cắm mốc, dựng bia... Tất cả đã hoàn thành và được khánh thành vào cuối năm 2019.
Học sinh rất hào hứng với những câu chuyện lịch sử
Tham quan một hồi, cô bé Hoàng Hoài Phương, học sinh lớp năm 5 chỉ tay vào giữa khung kính trong phòng mổ được phục dựng, mạnh dạn hỏi: “Thưa thầy, cái nồi áp suất đó ngày xưa các bác sĩ ở chiến trường dùng để khử trùng dụng cụ y tế phải không ạ?”.
Vừa giải thích xong câu hỏi của Hoài Phương, thầy giáo Lê Văn Cảm, Bí thư Chi đoàn lại phải trả lời thắc mắc của cậu bé Trần Văn Quân, rằng “Vì răng lại làm phòng mổ dưới lòng đất”; hay, “Dã chiến là răng thưa thầy?”… Sự tò mò về những câu chuyện ngày xưa như đã xóa tan cái lạnh giá của ngày đông xứ Huế ở các cô cậu học trò.
Dưới cái lạnh cóng da hôm đó, ở điểm tham quan còn có một vài đoàn khách khác. Tôi may mắn được gặp ông Mai Công Khanh, anh trai liệt sĩ Mai Văn Ngoan, một trong 33 liệt sĩ được ghi tên trên tấm bia Trạm. Ông Khanh kể lại trong nghẹn ngào, 40 năm sau ngày đất nước giải phóng, khi gia đình ông đã hết hy vọng tìm được nơi an nghỉ của em trai thì nhận được thông báo cho biết liệt sĩ Mai Văn Ngoan đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ở Trạm phẫu thuật Tiền phương.
Hiện đang sống ở Hà Nội, nhưng đây là lần thứ ba sau ngày khánh thành, ông Khanh cùng gia đình đến Trạm phẫu thuật Tiền phương để viếng thăm em trai. Lần đến nào ông cũng cảm thấy ấm lòng, vì nơi đây không chỉ luôn có người chăm lo hương đèn, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục cho các thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng, lòng biết ơn, sự trân trọng, tôn vinh các thế hệ cha anh đã hy sinh cho độc lập tự do của quê hương, đất nước.
Giữa những cơn mưa phùn, cùng với niềm cảm xúc của người thân liệt sĩ, sự hào hứng của các cháu học sinh, tin rằng Trạm phẫu thuật Tiền phương sẽ không chỉ nơi thu hút các hoạt động ngoại khóa của học sinh trên địa bàn; mà còn là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài địa phương, là nơi ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN