ClockChủ Nhật, 13/08/2017 15:04

Xứ đoài ngày mây không trắng

TTH - Nắng lắm, nên chẳng thể nào ngước lên để tìm mây. Hôm đó miền Bắc cũng phải trên 34 độ C là ít. Nhưng Sơn Tây đúng là một phong thái khác, với những con đường khá rộng rãi ở bên ngoài. Phố thị trông cũng hãy còn mới và ngày đi tong tả trên những hè phố lắm chỗ trông khá bề bộn...

Vì kèo được chạm trổ công phu

Với người còn rất lạ như tôi, khu rừng nhỏ - nếu có thể gọi như thế - với những loại cây cổ thụ bản địa hàng trăm năm tuổi trầm tĩnh tỏa bóng bên những hàng cơm nguội trẻ ngay giữa lòng thị xã là một điều khá bất ngờ. Xanh cây đã làm mềm nắng, và gió cũng về thư thái hơn trong những vòng quay. Chỉ cần bước qua chiếc cầu nhỏ trên hào nước để lọt vào “ốc đảo” này, khách sẽ được đón bằng lời chào thân thiện của những bức tường màu nâu đỏ của Thành cổ Sơn Tây. Dù đã cũ, hay vừa mới được đứng vào đội hình trong lần trùng tu nào đó, đá ong – loại chất liệu đặc biệt của vùng đất này vẫn tiếp tục mang đến sự uy nghi của một kiến trúc quân sự độc đáo kiểu Vauban của Việt Nam được xây dựng từ năm 1822 – năm Minh Mạng thứ 3.

Đâu đó, có những tấm bảng giới thiệu về thành cổ, với những cổng Tiền, cổng Hậu, cổng Tả, cổng Hữu. Cũng có thể vì chúng tôi không tìm người hướng dẫn, nhưng những gốc cây sần sùi tuổi tác, màu cũ ở một trong những cổng thành đang được gia cố và chống đỡ bằng các cây sắt đã tự nó kể về dấu ấn của năm tháng. Đã giữa sáng của một ngày cuối tuần nhưng khuôn viên của thành vẫn khá thưa vắng, ngoại trừ tiếng của mấy đứa trẻ và một vài ông bố bà mẹ đang cùng chơi các trò con trẻ ở một góc thành cổ, sát dưới triền cây. Di tích cấp quốc gia này vẫn tiếp tục được gìn giữ, và bây giờ có vẻ như đang thảnh thơi với hoạt động của ngày tháng yên bình. Lũ trẻ chắc là chưa đến tuổi để biết, nhưng chắc chắn là một lúc nào đó, chúng sẽ được người lớn kể cho nghe về trọng trách vô cùng lớn lao của tòa thành cổ khi được triều đình xưa xây dựng để quản trị cả một vùng rộng lớn, bao gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, trấn trị cả toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy...

Cọc Bạch Đằng đang được lưu giữ ở Đền thờ Ngô Quyền

Đường Lâm hôm ấy chỉ là một cuộc tạt qua, sau một hồi loanh quanh giữa các triền ngô và mùi đất khi người ta dãy cỏ. Nhưng đúng là giọng người Sơn Tây có phần chói vói và rất khó phân biệt khi có sự biến thể giữa các dấu huyền, sắc, hỏi, ngã lúc chúng tôi dừng lại hỏi thăm vài câu bên cánh đồng. Không thấy người ta phơi ngô, phơi lạc giữa đình làng Mông Phụ; cũng chưa phải mùa, nên không thấy vàng rơm trên các con đường nhỏ mà hai bên cơ bản là nhà được xây bằng đá ong như lần đến của vài năm về trước. Mùi nước vối thơm xóa đi cơn khát khi ghé lại một ngôi nhà cổ bên đường. Nếu không có hai cô bé tuổi trạc mười tám đôi mươi đang giúp nhau chụp ảnh bên bức tường sẫm đỏ và thi thoảng, một vài người khách nào đó ghé vào nghiêng ngó, chắc sẽ không có tiếng chào mời mấy món đồ lưu niệm hay một ít chè lam được bày biện trong tủ kính nhôm hay trên mấy chiếc rổ tre sát ngõ từ mấy cụ bà. Có phần nào đó ích kỷ, nhưng lúc đó tôi đã nghĩ, giá mà cứ nhẩn nha ở đó một lúc, nghe mấy bà mấy chị kể về quả mướp, mớ cá, bó rau và lẩn mẩn nhìn hình đoán tiếng có khi cũng lắm thú vị.

Khác với mảng xanh của chè tàu ở Phước Tích (Phong Điền), nhà ở ngôi làng cổ đầu tiên được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia này được tổ chức hai bên những con đường hình xương cá, lại được xây khá cao nên trông ngõ khá hun hút. Thế nhưng nếu chịu khó, mắt có khi sẽ tìm thấy những cánh cổng nhỏ và cũ, hên hơn là lấp ló trong đó dáng hình của một cụ bà với khăn đội đầu và áo sậm màu. Tôi cũng không biết bao lâu nữa, sự hồn hậu đến dễ thương ấy chỉ còn là diễn thôi, nên cứ cố mà ghi những gì có thể vào ký ức.

Nhịp điệu ở làng cổ Đường Lâm

Có một quán chè dưới cây to ở Cam Lâm, nơi có mấy bạn lính trẻ đang loanh quanh ở đó. Tôi đã gặp một điều rất cũ khi ở Huế bây giờ, hiếm thấy người ta bày bán chè, bán nước ở một góc cây nào đó. Lúc đó, chúng tôi cũng không hề biết, mình đã dừng bước trước hàng duối cổ trên 1.000 năm tuổi. Trong huyền thoại được kể bởi người làng, đây là nơi ngày trẻ, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đả hổ và sau đó, là nơi Ngô Quyền buộc voi, buộc ngựa sau các cuộc tập trận cùng nghĩa quân để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán. Giờ thì nơi này là một trong những điểm tham quan nhưng gần gụi hơn, là nơi mà người làng nghỉ ngơi sau những buổi chăm sóc ruộng đồng, lũ trẻ tụ tập chơi đùa khi trời ngót nắng...

Dường như có một luồng khí chạy dọc lên sống lưng, khi cụ từ trông coi đền thờ Ngô Quyền chỉ cho chúng tôi hai chiếc cọc nhọn được cho là cọc Bạch Đằng được địa phương bạn tìm thấy khi khai quật lòng sông và trao tặng. Lúc đó, không ai có thể nói một cách chính xác đây là cọc nhọn của chiến thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền và đại quân - mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt, hay chiến thắng quân Tống năm 981 dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn theo chiến thuật của Ngô Vương để giữ vững nền độc lập của đất nước, hoặc cũng có thể là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, phá tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên – Mông... nhưng vết xước trên những thớ gỗ thực sự đã làm tôi bổi hổi khi chạm vào những hiện vật đến từ xa xưa. Trong không gian cũ và nhỏ của ngôi đền, với những vì kèo hình muông thú được chạm trổ kỳ công vẫn còn lưu giữ được dù đã qua trên ngàn năm có lẻ. Khi đứng lặng đi ở đó, tôi nghe dường như đâu đó có âm vang của tiếng trống trận từ xa xôi...

Hoa duối

Không rộng dài, nguy nga và kỳ vĩ, chỉ đơn giản với tường gạch bao quanh, một kiến trúc theo hình tứ mái trên bệ cao là lăng Ngô Quyền, được xây vào năm 1821. Trước mặt là cánh đồng và cao hơn là đồi Hổ gầm. “Ngay giữa cánh đồng là vũng Hùm đấy. Nước lúc nào cũng tuôn trào. Sâu lắm. Người làng không ai dám bước chân vào đó – một người phụ nữ thấy khách đã mau chuyện kể thêm – Chỗ này a, người ta ví lại để tát nước bắt cá nhưng chỉ một lúc sau nước lại đầy thôi!”. Tôi cũng đã thử nhấm nháp một quả duối bé xíu xiu, phần vì cụ từ lúc trước bảo là hơn ngàn năm tuổi nhưng quả giờ vẫn ăn được; phần vì nhớ là ngày còn ở Thanh Hóa, mình đã thơ thẩn chơi với lũ lá nham nhám và cánh tay có vài vết tước khi tìm cách hái quả. Chát nhẹ, gây gây ở đầu môi là chút dư vị còn sót lại.

Đường Lâm, và cụ thể hơn nữa là Cam Lâm được gọi là đất hai vua. Chếch về phía bên phải và đi khoảng 500m nữa là đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – người đã chiêu tập và lãnh đạo nghĩa quân bao vây, chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội) từ tay nhà Đường và xây dựng quyền tự chủ lâu dài sau đó. Trống chầu và những đường nét phong thái kiến trúc xưa của ngôi đền vẫn còn đó. Vui vẻ, hào sảng và thuộc đến từng tên chi, nhánh của dòng họ với những câu chuyện, nếu không tìm cách sẽ không biết lúc nào mới dứt ra được là điều làm nên ấn tượng của cụ ông trông coi ngôi đền này. Làm sao lại có thể không tự hào với một truyền thống đã được cha ông tạo nên như vậy chứ?!

Biết mình không còn nhiều thời gian trong một cuộc xê dịch ngắn ngày, nhưng chắc chắn là chùa Mía, đền Và và khu di tích K9 thể nào cũng sẽ là điểm đến trong lần nào đó trở lại.

Có một cơn mưa tình cờ gõ cửa khi chiều tối. Trong quầng sáng ướt át, tôi nhìn thấy cỏ mềm trước cửa nơi mình tá túc. Chúng hình như cũng đang thì thào với nhau trong không gian tĩnh vắng. Nếu có thể nói thêm một điều gì đó ngày Sơn Tây, với tôi, hẳn là một trải nghiệm của nhiều lắm thương nhớ...

Bài, ảnh: HOÀNG MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top