ClockThứ Bảy, 03/11/2018 12:43

Đừng để chảy máu chất xám

TTH - Trong một lần họp báo khi mới nhậm chức, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có nhắc đến việc chảy máu chất xám, người giỏi ra đi. Trăn trở của người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương. Vấn đề tuy không mới nhưng điều băn khoăn là làm thế nào chất xám không bị chảy máu và người tài được trọng dụng để phát huy tài năng.

Đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần đánh giá lại hiệu quả

Chất xám dịch chuyển ra bên ngoài

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện có  khoảng 130.000 sinh viên du học nước ngoài theo các diện khác nhau, trong đó 10% sinh viên có học bổng chính phủ và các tổ chức khác, 90% sinh viên đi du học theo diện tự túc. Ước tính mỗi năm tiêu tốn xấp xỉ 3 tỷ USD cho số sinh viên du học.

 Đa số người du học tự tìm kiếm học bổng để học cao hơn, tìm cách ở lại nước ngoài làm việc hoặc hợp thức hóa thủ tục định cư. Nhiều trường hợp đi theo diện học bổng do phía nước ngoài tài trợ buộc phải làm việc cho nước sở tại một thời gian (theo thỏa thuận), nhưng đa số có tâm lý chung là muốn được ở lại nước ngoài làm việc dài hạn. Số trở về quê hương có chăng là những cán bộ giảng dạy các trường đại học, số chắc chắn được tiếp nhận về làm việc hoặc vì hoàn cảnh gia đình… còn lại phải về nước trong trường hợp bất khả kháng.

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia có 18 em đoạt giải Nhất cho đến nay chỉ duy nhất 1 em về nước làm việc, còn lại đều xin học cao hơn hoặc ở lại làm việc tại Australia. Hay như học bổng Rafell của Singapore thi tuyển học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Huế) sang học trung học và đại học tại nước này thì phần lớn  tìm cách ở lại. Một số em khác học tại Trường THPT chuyên Quốc Học được tuyển du học toàn phần theo học bổng O’don Vally (Pháp) thì 10 năm nay chưa em nào về nước làm việc. Một trường hợp học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học đoạt huy chương Vàng Olimpic vật lý quốc tế năm 2010 được nhận học bổng của một trường ở Boston, Mỹ, học xong cũng đã ở lại.

"Không gian” làm việc chật hẹp

Du học sinh du học nước ngoài rồi tìm cách ở lại cái chính là vì môi trường làm việc trong nước chưa thuận lợi. Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường thất nghiệp cao (trên 70%). Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có trên 200 ngàn sinh viên ra trường không xin được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành nghề, không chỉ sinh viên học trong nước mà cả số du học về nước.

Trong một buổi thảo luận ở Quốc hội, đại biểu Trần Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)  đặt câu hỏi: Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ ra đi? Tại sao ngay cả lãnh đạo đương chức hay nghỉ hưu cũng tìm cách cho con cháu ra nước ngoài du học, định cư? Lý giải cặn kẽ có lẽ phải có công trình nghiên cứu đầy đủ, nhưng cái chính là việc làm và môi trường làm việc  là yêu cầu cao nhất. Học tập bài bản, có đủ kiến thức nhưng về nước lại phải chạy đi xin việc, nếu không quen biết, không phải con ông cháu cha và không có khoản “bôi trơn” thì khó có chân trong các cơ quan. Biên chế trong các cơ quan Nhà nước đang thừa cũng là một gánh nặng, khiến cánh cửa cho những người có trình độ, tay nghề cao chật hẹp. Đây là tồn tại rất cần có giải pháp xác đáng để giải quyết vấn đề chất xám chảy ra bên ngoài.

Những người được vào làm việc cũng chưa hẳn thuận lợi trong điều kiện phát huy khả năng thế mạnh của mình như cơ sở vật chất không đủ, phòng thí nghiệm không có hoặc quá lạc hậu. Lại có người được bố trí vào cơ quan không đúng nghề nên không sử dụng được kiến thức đã học; không được giao việc đúng chuyên môn, tạo bức xúc cho người giỏi, người tài. Đây cũng là một dạng của “lãng phí chất xám”. Trong sắp xếp, bố trí, quy hoạch cán bộ còn nặng về “thâm niên”, ê kíp, làm cho số giỏi cảm thấy thiệt thòi trong thăng tiến,  khó có cơ hội vươn lên. Đó là chưa nói đến sự kèn cựa, níu kéo, bè cánh của đồng nghiệp cũng là những mâu thuẫn cần giải quyết...

Trong khi đó, khối tư nhân,  doanh nghiệp FDI,  doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với cơ chế thoáng, đơn giản thủ tục và đặc biệt là không phải "bôi trơn" cũng khiến cho công chức, viên chức có tài dứt áo ra đi. Nhiều  nơi trả lương cao hơn, đãi ngộ tương xứng, chính sách ổn định đã thu hút được nhiều người giỏi về làm việc.

Một số nghị quyết mới đây của Đảng là bước đột phá cởi trói trong cải cách chính sách để cán bộ, công chức có thể sống bằng lương, cống hiến hết mình, nhưng cần phải cụ thể hóa bằng những cơ chế thực chất, ổn định lâu dài để đủ sức giữ chân người tài, tôn trọng chất xám. Bài toán cần có lời giải nghiêm túc khi cách mạng 4.0 đang cận kề.

 NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà trường… “chơi” ngặt

Chia sẻ điều này, để phụ huynh ai có con em theo học các chương trình liên kết quốc tế lưu tâm, tránh bị động...

Nhà trường… “chơi” ngặt
Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh

Australia sẽ bắt đầu thực thi các quy định chặt chẽ hơn về thị thực đối với sinh viên nước ngoài từ cuối tuần này, khi dữ liệu chính thức cho thấy lượng người di cư đến Australia đã đạt mức cao kỷ lục mới, điều này được cho là có thể làm trầm trọng thêm thị trường nhà cho thuê vốn đã căng thẳng của Australia.

Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh
Return to top