ClockThứ Sáu, 07/02/2014 11:30

Em muốn học tốt để đền đáp công ơn ba mẹ

TTH - Đôi mắt trong vắt chợt mờ đi, dòng nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Tôi chỉ biết nắm chặt hơn đôi bàn tay bé nhỏ đang run rẩy, mắt cũng muốn mờ đi trước cô bé với nét mặt đẹp như trăng rằm nhưng chưa một lần được tự bước đi…

Đó là Trần Thị Diệu Trang, học sinh lớp 10 B2 Trường trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ. Thùy Trang bị bại liệt hai chân từ nhỏ, đôi tay cũng đang dần yếu đi. Nhưng cô bé lại ham học và học giỏi. Học kỳ I này, vượt lên 35 bạn cùng lớp, Trang đứng thứ 5/40, trong đó có môn điểm số đứng thứ nhì…

Mỗi ngày mẹ cõng Trang đi học

Diệu Trang sinh ra trong một gia đình thị dân nghèo. Cái nghèo cộng với việc đông con lại thêm một cô bé tật nguyền, cuộc sống của gia đình tưởng chừng như con thuyền đứt dây. Nhưng giữa những khó khăn chồng chất ấy, ba Trang vẫn cùng vợ gồng mình để lo cho các con đến trường. Là con gái thứ hai trong nhà, đã bước vào tuổi 16 nhưng Trang không tự mình làm được cả những công việc cá nhân, nói gì đến đỡ đần ba mẹ. Thay vào đó, từ khi còn học mẫu giáo, do đôi chân quá yếu, Trang cũng khiến ba mẹ vất vả hơn nhiều lần so với những đứa trẻ khác. Vào tiểu học rồi trung học cơ sở, dù gần nhà nhưng hàng ngày ba mẹ vẫn phải bồng em đến trường, nửa buổi còn đến đưa em đi vệ sinh.

Mẹ Trang, chị Diệu Thúy rưng rưng nước mắt kể lại những buổi cho con đến trường, cảnh hai mẹ con lê la khắp bệnh viện này qua bệnh viện khác mong tìm được thầy, được thuốc cho con… “Mình nghèo quá, cái nghèo lộ rõ từ áo quần đến tiền thuốc thang khiến cho việc chữa trị của cháu không mấy may mắn”, chị kể. Trang sinh ra khi vợ chồng chị đều khỏe mạnh, cháu lọt lòng nặng 3,4kg trắng hồng, ai thấy cũng thích. Gia đình tuy khó khăn nhưng chăm sóc cháu đầy đủ, lại là con thứ hai nên chị cũng có kinh nghiệm nuôi con. Nhưng không hiểu sao Trang chậm đi, đến 2 tuổi rưỡi mới lẫm chẫm nhưng lại lóng ngóng, chạy thì được mà đứng không được. Thấy con không bình thường, vợ chồng chị đã đưa con đi khám, kể cả làng Hòa Bình nhưng đôi chân Trang yếu dần. Anh chị sau đó sinh thêm hai con.
 
Nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào gánh cơm hến của chị vì anh cũng bệnh tật không làm được việc nặng. Hàng ngày, từ sáng hai vợ chồng đi chợ mua từ con hến, mớ rau, đậu về chuẩn bị cho buổi bán chiều. Mấy chị em Trang tự chăm lo cho nhau. Được cái cháu nào cũng chăm chỉ việc học, việc nhà. Riêng Trang, không giúp gì được cho cha mẹ và chị nhưng em cũng thường nhận những việc nhẹ như gấp áo quần cho cả nhà. May mắn là từ nhỏ Trang đã thích học và học tốt. Suốt các năm tiểu học rồi trung học cơ sở, cô bé Thúy Trang luôn là một trong những học sinh học tập từ loại khá trở lên. Thành tích này của em đã phần nào an ủi cha mẹ Trang. Tốt nghiệp THCS, hoàn cảnh như Trang, hầu hết các bé gái sẽ được ba mẹ hướng cho một công việc nhẹ nhàng như chằm nón, thêu ren, nhưng may mắn Trang có một gia đình tuy khó khăn nhưng tình thương yêu, sự sẻ chia của các thành viên luôn nồng ấm. Ba mẹ thấy Trang chăm học đã không ngừng động viên con. Trang tự hào tâm sự: “Ba mẹ em cho em đi học đến khi nào em còn thích đi học, mà em chỉ thích được học thôi”.
 
Đậu vào Trường Nguyễn Trường Tộ, Trang có một cô giáo chủ nhiệm còn rất trẻ. Cô Phương vừa là chủ nhiệm vừa dạy môn hóa. Trong lớp có một học sinh đặc biệt, không những Trang không bị kỳ thị mà thay vào đó cô và các bạn luôn quan tâm. Với Trang, niềm vui sống của em là việc học. Nhà khó khăn nhưng biết con thích công nghệ thông tin nên ba mẹ cũng gắng mua cho Trang một cái để học. Ngoài “người bạn” thân thiết là máy tính, Trang còn thích đọc sách. Với điểm tổng kết 7,2, Trang là một trong năm học sinh đạt loại khá (không có giỏi) của lớp, nhiều môn em còn có điểm tổng kết học kỳ thứ nhì, ba trong lớp. Trang cho biết, em thích các môn tự nhiên, nhất là môn hóa. Mặc dù thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa về điều kiện gia đình, bản thân tật nguyền những Diệu Trang không hề bi quan. Kiều Oanh, một bạn học cùng lớp cho chúng tôi biết: “Bạn không đi lại được nhưng học rất tốt, bạn xứng đáng là tấm gương vượt khó cho chúng em”.
 
Tuy mới lớp đầu cấp nhưng Trang đã định hướng sẽ thi khối A vào công nghệ thông tin. Hàng ngày, ngoài đến trường, em còn đi học thêm hai môn lý, hóa và học kèm môn toán. Điều may mắn nữa là em đã được các thầy cô giáo ưu ái chỉ nhận một phần học phí. Ngoài ra, do hoàn cảnh gia đình hiện là hộ cận nghèo nên em đã được Trường Nguyễn Trường Tộ miễn hầu hết các khoản đóng góp và luôn ưu tiên dành cho những học bổng, hỗ trợ của trường. Bệnh bại liệt của Trang còn khả năng chữa trị, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em hiện không được điều trị gì. Mẹ Trang tâm sự, có lần Trang được mổ chân, khi còn băng bột em có thể đi một mình từ tầng 3 xuống tầng trệt, nhưng khi mở bột, do không được tập luyện tiếp nên em lại không đi được. Biết con cần nhất là một bác sĩ trị liệu nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, nên ba mẹ Trang không thể mời bác sĩ, cũng không thể bỏ hẳn việc để lo cho con. Nếu có sự giúp đỡ về kinh phí, có bác sĩ trị liệu, khả năng đi lại được của Trang vẫn còn. Vì vậy, ước mong của cô gái nhỏ cùng gia đình và cả bạn bè của Trang là làm sao em có cơ hội được chữa bệnh.
Bài và ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top