ClockThứ Năm, 08/10/2015 07:29

FESTIVAL Huế, chặng đường 15 năm

TTH - Khởi nguồn từ “Liên hoan Gặp gỡ Huế 1992”, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 8 kỳ Festival Huế; và từ năm 2005, TP Huế đã tổ chức 6 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. Từ đó, nói như đạo diễn Đặng Nhật Minh, tiếng Việt có thêm một từ: Festival. Nhiều thành phố khác cũng tiếp nối tổ chức một loại hình sự kiện văn hóa mới: FESTIVAL. Văn phòng Festival Huế thành lập năm 1999, đến 13/10/ 2006 chuyển đổi thành Trung tâm Festival Huế, một thiết chế đặc thù để vận hành các hoạt động Festival Huế.
 Vườn Cơ Hạ (Đại Nội) trở thành điểm nhấn trong các kỳ Festival Huế. Ảnh: DT

Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới, vận dụng vào điều kiện, đặc điểm của Huế, của Việt Nam làm hình mẫu tổ chức. Sự thành công của các kỳ Festival góp phần cho quyết tâm xây dựng một thành phố Festival đầu tiên ở Việt Nam. Với độ dày về văn hóa, lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, Huế đã xác lập cho mình một bản sắc riêng cùng với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, tạo ra sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục sâu rộng đối với bạn bè trong và ngoài nước, phù hợp để xây dựng thành phố Festival như đề án đã được phê duyệt.

Chặng đường của một sự kiện văn hóa mới

15 năm với 8 kỳ Festival. Một chặng đường không dài so với cộng đồng Festival chuyên nghiệp quốc tế. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới, đầu tư để nâng hơn nữa về chất lượng, nhưng Festival Huế đã gợi mở một loại hình hoạt động văn hóa mới, và “định tên” mình trên bản đồ Festival Việt Nam và thế giới, từng bước gia nhập cộng đồng Festival quốc tế và quan hệ với các Festival Avignon, La Rochelle, Angouleme,Tombée de la Nuit... (Pháp), Adelaide (Australia), Edingburg (Scotland), Geyongju (Hàn Quốc)... khẳng định được vị thế của một trung tâm văn hoá có 2 di sản thế giới trên bước đường hội nhập và phát triển.

Thương hiệu Festival Huế đã lan tỏa và khẳng định trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Từ Festival năm 2000 chỉ có 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước, 7 đoàn nghệ thuật quốc tế, thì qua 8 lần tổ chức đã có mặt 53 nhà hát, đoàn nghệ thuật, nhóm nghệ thuật đến từ khắp các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và trên 60 đoàn nghệ thuật tiêu biểu của 47 quốc gia ở cả 5 châu lục hội tụ về Huế và từ Huế nhiều đoàn còn kết hợp biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Sự phát triển về số lượng các đoàn nghệ thuật dù cần phải tính toán lại cho các kỳ Festival kế tiếp, nhưng vẫn khẳng định lễ hội ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút và lan toả trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá. Cũng cần nói là các nghệ sĩ đến Huế bằng nguồn tài trợ của Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế, không đến bằng những hợp đồng kinh tế như thông lệ. Công chúng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nhiều đoàn nghệ thuật mang dấu ấn nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, mà đẳng cấp họ ở tốp đầu các Festival quốc tế. Cùng với Festival, Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống, được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển. Festival quảng bá cho Huế, cho di sản độc đáo của Huế, tất yếu góp phần rất đáng kể tác động tốt cho thương hiệu Huế.

Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu của khách du lịch. Festival nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai; minh chứng cho sự thành công đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ và làm sống lại các truyền thống văn hóa trước đây... Festival cũng đã nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới. Dĩ nhiên không chỉ từ Festival, mà với nỗ lực của các ngành, ngày nay Nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế, diều Huế, lân Huế, nón Huế, áo dài, hoa giấy Thanh Tiên, tranh pháp lam, vải Zèng Huế,... đã trở thành quen thuộc và thu hút công chúng khắp nơi khi xuất hiện nhiều trong các sự kiện nghệ thuật của Việt Nam ở các nước. Nhiều lễ hội tổ chức trong các kỳ Festival như một thương hiệu, hoặc tổ chức song hành đã để lại những dấu ấn khó quên... Đặc biệt lần đầu tiên, các đoàn nghệ thuật tên tuổi trong nước và quốc tế đã đưa không khí Festival về các vùng quê xa xôi nhất trong vòng vây khán giả hâm mộ; vào bệnh viện với đông đảo bệnh nhân và y bác sĩ, những khán giả trên xe lăn, lủng lẳng bình chuyền dịch; hoặc những xuất diễn riêng cho lực lượng vũ trang, cho công nhân xem vì buổi tối họ phải làm nhiệm vụ...

Sự ra đời của một thiết chế

Trung tâm Festival Huế đảm nhận vận hành các kỳ Festival với tư cách cơ quan thường trực của Ban tổ chức; phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch các sự kiện văn hoá nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, phối hợp TP Huế tổ chức các Festival chuyên đề; phối hợp các ngành quy hoạch, đào tạo đội ngũ chuyên gia về đạo diễn nghệ thuật, kỹ thuật và nâng cao năng lực tổ chức, điều hành tổ chức sự kiện; tổ chức và liên kết tổ chức các hoạt động dịch vụ, tạo nguồn thu để bù đắp chi phí theo qui định của pháp luật. Nhìn tổng thể, Trung tâm là bộ máy vận hành với nguồn nhân lực cộng tác khá đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau: chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp như các tổng đạo diễn, giám đốc điều hành chương trình, các nghệ sĩ, các chuyên gia kỹ thuật, mỹ thuật, lực lượng an ninh, hậu cần của Việt Nam và quốc tế; không chuyên nghiệp như người diễn viên các lực lượng nghệ thuật không chuyên; tình nguyện viên sinh viên, học sinh...; cộng đồng dân cư địa phương...; các lực lượng hoạt động theo sự điều phối của cơ quan thường trực Ban Tổ chức và các cơ quan được giao tổ chức mỗi sự kiện.

Mô hình của chúng ta khác các Festival chuyên nghiệp các nước. Ở họ thường Ban Tổ chức/Hội đồng đạo diễn/ là lực lượng giữ vai trò quản lý, hoạch định chính sách, chiến lược, chịu trách nhiệm về mặt quan hệ với các cơ quan công quyền, tìm kiếm kinh phí, và chịu trách nhiệm về pháp lý. Ban tổ chức sẽ lựa chọn giám đốc nghệ thuật, người đưa ý tưởng sáng tạo, định hướng nghệ thuật, chọn lựa nghệ sĩ, xây dựng chương trình... Giám đốc nghệ thuật sẽ chọn hoặc đề nghị chọn giám đốc sản xuất để cụ thể hóa các ý tưởng và chịu trách nhiệm điều hành bộ phận kỹ thuật, hành chính, marketing, vận động tài trợ. Có lúc, có nơi giám đốc nghệ thuật đứng đầu tổ chức. Nếu giám đốc nghệ thuật được mời thì giám đốc điều hành là Tổng chỉ huy Festival. Bộ máy theo mô hình này có chuyên môn cao hơn, tính chuyên nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định thành bại. Festival của các nước có đặc điểm tổ chức và quản lý khác so với chúng ta. Bộ máy điều hành ở chúng ta tuy có chuyên môn nhưng không nhất thiết phải là những chuyên gia, mà trước hết họ phải là những viên chức nhà nước chuyên nghiệp. Ở các nước bạn, họ cần bàn tay dàn dựng của một người đạo diễn thực thụ. Đó là một nghề, nghề đạo diễn dàn dựng Festival.

Nhìn lại và hướng đến...

Festival Huế là sự kiện lớn bao gồm một chuỗi sự kiện, hoạt động, nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, vì thế phải đạt một số yếu tố: Sự kiện mở, giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng đồng thời luôn gắn giao lưu với các giá trị văn hóa đa dạng của bạn bè quốc tế; Festival Huế phải hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng, nhận được sự đồng cảm và tham gia tích cực của người dân Huế; chương trình phải mang hàm lượng văn hoá cao, phải bảo đảm mục tiêu chính là nhận dạng được thương hiệu Huế. Qua chủ đề xuyên suốt 8 lần tổ chức và những yêu cầu về chất lượng có tính nguyên tắc, Festival Huế đã cố gắng để từng bước xác lập với người xem những yếu tố mang bản sắc của thương hiệu: Di sản, đậm đà truyền thống và phong cách Huế; hướng đến chất lượng đẳng cấp của nghệ thuật; tính trữ tình, lãng mạn, sâu sắc và tinh tế trong không gian tổng thể và trong kết cấu nội dung. 

Festival Huế tuy đã có những thành công nhất định, bước đầu góp thêm một động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, gắn phát triển văn hoá với phát triển du lịch, song vẫn là bài toán khó cần tiếp tục nghiên cứu lời giải chuẩn, hoàn thiện tiếp để hiện tượng văn hoá mới này thực sự trở thành một sự kiện văn hoá điển hình, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập văn hoá quốc tế, để Huế tiếp tục mục tiêu xây dựng thành phố Festival đúng hướng. Đó là các vấn đề về chiến lược phát triển, về mô hình tổ chức, về sự chuyên nghiệp hóa, về tham dự của người dân với tư cách là chủ nhân thực sự của Festival, về gắn kết di sản truyền thống với các yếu tố văn hoá nghệ thuật đương đại. Đi lệch chuẩn hoặc xa rời bản sắc đã định hình vì bất kỳ động cơ nào cũng dễ dàng đánh mất vị thế đã có được.

Nguyễn Duy Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động tháng cao điểm chăm lo cho đoàn viên người lao động

Sáng 26/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Hương Thủy phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế, Công nghiệp (KT,CN) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024. Hơn 400 cán bộ, đoàn viên, người lao động của LĐLĐ thị xã Hương Thủy và Công đoàn Khu KT,CN tỉnh tham gia.

Phát động tháng cao điểm chăm lo cho đoàn viên người lao động
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà, tri ân các cựu chiến binh Điện Biên Phủ

Sáng 26/4, nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương TP. Huế đã đến thăm, động viên các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thăm, tặng quà, tri ân các cựu chiến binh Điện Biên Phủ

TIN MỚI

Return to top