ClockThứ Tư, 12/06/2024 06:07

Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ

TTH - 56 tác phẩm rồng được chế tác tinh xảo bằng gốm qua bàn tay của nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) đã được giới thiệu đến công chúng trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Vũ nhạc Flamenco mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới Festival Huế và những cảm xúc đặc biệt Tinh hoa nghệ thuật xuống phố

 Những du khách nhí thích thú xem triển lãm tại điện Kiến Trung

Những tác phẩm tinh xảo

Triển lãm được đặt tại không gian tầng 2 của điện Kiến Trung - Đại Nội. Gần 60 tác phẩm, trong đó đa số lấy từ hình tượng rồng được đúc trên ấn của Triều Nguyễn đã được Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Trần Độ phóng tác một cách tinh xảo, với họa tiết, hoa văn đến mức hoàn chỉnh và sinh động. Qua bàn tay và sáng tạo của nghệ nhân Trần Độ, các tác phẩm rồng lại mang một vẻ đẹp mới của thông điệp tinh hoa tỏa sáng từ vẻ đẹp cổ xưa.

Thú vị hơn, những tác phẩm rồng ở không gian triển lãm với đủ kiểu dáng, màu sắc đang thi nhau vươn lên dáng thế với khát vọng và ước nguyện cùng những dự cảm tốt lành.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: Để thể hiện thành công dòng sản phẩm rồng Việt, nghệ nhân Trần Độ đã trao đổi, tham khảo ở các bảo tàng và các đơn vị bảo tồn di tích như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Qua đó, ông tham khảo được tài liệu và tiếp cận nguồn hiện vật, cổ vật liên quan đến hình tượng con rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử. Đó là nguồn tại liệu vô cùng cần thiết để nghệ nhân bồi đắp tài nguyên sáng tạo.

Là một nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm Việt Nam, bao năm làm nghề, Trần Độ đã kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc. Đến với Huế tham gia Festival, ông mang đến bộ sưu tập rồng gồm 57 tác phẩm, trong đó 56 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, 1 tác phẩm đặt tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Để hoàn thiện các tác phẩm này, ông ấp ủ ý tưởng từ nhiều năm trước, sau đó cùng 10 nghệ nhân của xưởng gốm Trần Độ mất một năm rưỡi thực hiện để kịp ra mắt trong năm Giáp Thìn 2024.

Theo NNND Trần Độ, để có những tác phẩm hoàn thiện, khâu nào cũng rất quan trọng. Ở Bát Tràng gọi “nhất xương, nhì men, tam tích, tứ họa”, tất cả những gì liên quan đến 4 khâu này đều không bỏ được. “Trong 86 chiếc kim ngọc bảo tỷ, tôi chú trọng nhất là ấn Hoàng đế Chi bảo, Sắc mệnh Chi bảo và Tề gia trị quốc. Đây là 3 ấn đặc biệt nhất trong bộ ấn Triều Nguyễn. Đó là những ấn chứng minh quyền lực, liên quan đến những sự kiện xảy ra trong đất nước thời bấy giờ”, ông nói.

“Làng Bát Tràng đã gắn bó với Huế từ cách đây hàng trăm năm, bắt đầu từ những viên gạch, viên ngói Bát Tràng gắn kết các công trình di sản của Kinh đô Huế xưa. Giờ đây, chúng tôi đi theo con đường tiền nhân đã để lại và muốn làm một điều gì đó ý nghĩa tặng cho Huế, vì vậy tôi chọn thực hiện bộ sưu tập rồng trên gốm để trưng bày tại Festival lần này”, Nghệ nhân Trần Độ bày tỏ.

Sẽ tặng cho Huế

Với du khách tham quan, những người yêu nghệ thuật gốm và yêu mến di sản văn hóa Huế, triển lãm “Biểu tượng rồng qua gốm của Trần Độ” rất thú vị và bổ ích.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, TS. Phan Thanh Hải thông tin: Trong bộ sưu tập này, NNND Trần Độ từ cảm hứng của ông trong việc nghiên cứu bộ ấn tín bằng vàng, ngọc của Triều Nguyễn hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông đã nhiều lần tiến hành nghiên cứu và đúc lại bằng gốm mạ vàng. Có một số theo tỷ lệ 1:1, phần lớn còn lại tỷ lệ được cải biên, phóng tác, một số ấn không theo tỷ lệ thật. Tuy nhiên, dưới con mắt của nghệ nhân, điều quan trọng nhất là cảm hứng từ tạo hình rồng trên núm ấn, quai ấn của Triều Nguyễn, nó ở vị trí cao nhất, biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng gia lúc đó với đa số là ấn của hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu và một số ấn của hoàng tử.

“Hệ thống ấn của hoàng đế đã được nghệ nhân chuyển hóa trên chất liệu gốm mạ vàng thành những tác phẩm vừa đẹp, vừa sang trọng, giúp người xem hiểu thêm về quan niệm của ông cha ta về tính biểu tượng của quyền lực và kể cả vẻ đẹp nghệ thuật của hình tượng rồng trên chất liệu rất đặc biệt của ngày xưa”, TS. Phan Thanh Hải cho hay.

Một điều rất ý nghĩa nữa, bộ ấn được làm tặng cho Huế đúng vào năm Giáp Thìn – năm Rồng. Là năm mà chúng ta mong muốn có cơ hội để Thừa Thiên Huế có thể bứt phá để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Năm mà chúng ta cũng mong muốn cùng với sự phục hưng của văn hóa, rất nhiều các công trình di tích quan trọng như điện Kiến Trung được trùng tu phục hồi, điện Thái Hòa được trùng tu và điện Cần Chánh cũng sắp khởi công…Nhất là khi nó được đặt trong không gian hết sức đặc biệt – điện Kiến Trung, một công trình rất ý nghĩa mà Huế vừa hoàn thành trùng tu, phục hồi xong và bắt đầu mở ra để khai thác phát huy giá trị.

Sau cuộc triển lãm này, Nghệ nhân Trần Độ sẽ tặng lại cho Huế một số ấn liên quan Triều Nguyễn để tiếp tục trưng bày, lưu giữ.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cống hiến thầm lặng

Suốt 6 ngày đêm diễn ra Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, lực lượng làm nhiệm vụ, đội ngũ kỹ thuật, công nhân thi công của các đơn vị đã có những đóng góp thầm lặng để góp phần làm nên thành công cho các chương trình.

Những cống hiến thầm lặng
Được gặp thần tượng

Lễ hội Bia phải đến 16 giờ 30 phút mới diễn ra, nhưng từ đầu giờ chiều, mấy bạn sinh viên gần chỗ tôi ở đã “lên đồ” để chuẩn bị đi gặp thần tượng. Các em bảo: “Đi sớm lựa chỗ để gặp ca sĩ Hiếu Thứ Hai”.

Được gặp thần tượng
Nine Family "cháy" hết mình cùng điệu nhảy sôi động

Trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, tối 11/6, khán giả ở sân khấu Bia Quốc Học đã được hòa mình vào không khí sôi động của âm nhạc cùng nhóm nhảy Nine Family cùng với những nhóm nhạc, nhóm nhảy đến từ trong nước và quốc tế.

Nine Family cháy hết mình cùng điệu nhảy sôi động

TIN MỚI

Return to top